Xây dựng chính quyền đô thị: Người dân hưởng lợi nhiều hơn

Xây dựng chính quyền đô thị: Người dân hưởng lợi nhiều hơn
TP - Trao đổi với Tiền Phong, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khẳng định, xây dựng chính quyền đô thị là nhu cầu bức thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, loại bỏ tình trạng đùn đẩy trong bộ máy.

> Thành phố trong thành phố
> Đề xuất bỏ cấp phường tại 13 quận TPHCM

Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Hải
Một góc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Hải.

TS Trần Du Lịch nói: Theo đề án dự kiến, TPHCM đưa ra 4 trục cho mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Thứ nhất, phân cấp mạnh cho TPHCM tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thứ hai, với dân số trên 10 triệu dân, TPHCM đề nghị thành lập 4 đô thị trực thuộc.

Thứ ba, đổi mới hoàn toàn chức năng các sở, ngành của thành phố hiện nay. Sở ngành không phải là cơ quan tham mưu giúp việc đơn thuần mà phải thực sự là quản lý hành chính nhà nước. Thứ tư, làm rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, nâng vai trò của Chủ tịch UBND thành phố.

Thưa ông, đối với hoạt động của từng công chức, mô hình này tác động ra sao?

Đề án làm rõ công chức phải chuyên nghiệp, và không một công chức nào không biết rõ mình làm việc gì. Tại cơ sở người dân biết ngay việc đó do ai phụ trách, ai chịu trách nhiệm. Tinh gọn bộ máy, bỏ hoàn toàn trung gian và trùng lắp từ đó có thể nâng phúc lợi, tiền lương đời sống công chức lên, bảo đảm sự liêm khiết và từ đó nâng chất lượng cán bộ.

Trong đề án này, vấn đề ngân sách được tính toán ra sao, thưa ông?

Hiện nay không có một địa phương nào, kể cả TPHCM là một cấp ngân sách đầy đủ. Chính quyền địa phương không có ngân sách riêng, không có tài sản địa phương. Như TPHCM bán một cái nhà của nhà nước cũng phải xin Bộ Tài chính! Cơ chế ngân sách hiện nay nếu không đổi mới sẽ không có động lực cho địa phương phát triển, chỉ khuyến khích nơi “xin” chứ không khuyến khích nơi làm. Cần phân biệt ngân sách quốc gia là ngân sách của trung ương do Quốc hội quyết gồm hai phần, phần chi cho bộ máy trung ương, phần trợ cấp cho các nhiệm vụ của địa phương. Còn phần ngân sách địa phương thì để cho địa phương tự quyết, không nhập hai làm một. Còn ngân sách trung ương trợ cấp cho địa phương thì dù một đồng Quốc hội cũng phải giám sát. Ngân sách địa phương khi sử dụng thì phải chịu trách nhiệm trước dân.

Trần Du Lịch
Trần Du Lịch. Ảnh: Hồng Vĩnh

Điều chỉnh theo đề án là khá mạnh, ông có dự liệu được những khó khăn khi triển khai?

 Theo mô hình mới, tính phục vụ của bộ máy chính quyền cao hơn. Do đó người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Với mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì chính quyền sẽ chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM
Trần Du Lịch

Đây là vấn đề đã được dự liệu và rất khó khăn. Phải thay đổi tư duy, cách làm và đặc biệt liên quan đến trách nhiệm từng con người. Do đó về lộ trình cũng đi từng bước, không thể một lúc cho hàng loạt người nghỉ việc mà phải có đào tạo, sắp xếp lại và tính toán để có bước quá độ. Về pháp lý chúng tôi tính toán có khoảng 100 văn bản luật và dưới luật hiện hành có liên quan.

Như vậy nếu Quốc hội cho phép làm thí điểm thì chắc chắn phải rà soát lại nhiều nội dung phù hợp với pháp luật hiện hành. Chúng tôi dự tính cần 2 năm để làm những công việc như vậy sau khi Quốc hội có nghị quyết. Hiện nay thành phố đang tập trung xử lý những vấn đề nguyên tắc chung để Quốc hội có nghị quyết và sau đó có lộ trình để đến năm 2016 bắt đầu thực hiện. Với công việc này, nếu chúng ta chỉ nhìn thấy cái khó thì sẽ không làm được việc gì.

Bộ máy mới, cách làm mới nhưng con người thì lại cũ. Vậy sự “lắp ráp” ở đây sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Không lắp ráp một cách máy móc và chúng ta không thể loại bỏ cả. Đây là vấn đề khó nhưng phải có bước đi, có tính toán. Với tất cả trách nhiệm đã được phân công cụ thể rồi mà không làm được việc thì phải tự xử lý. Nhà nước không thể bao cấp cho những cán bộ không làm được việc. Chúng ta không làm xáo trộn mà đi từng bước đảm bảo ổn định của bộ máy hiện hành.

Với mô hình chính quyền mới, mối quan hệ với người dân sẽ ra sao?

Theo mô hình mới, tính phục vụ của bộ máy chính quyền cao hơn. Do đó người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Với mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì chính quyền sẽ chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân, ví như trong giáo dục, y tế.

Với mô hình này sẽ không có chuyện người ở bên cạnh trường học nhưng phải cho con đi học xa vì khác phường! Đặc biệt cơ quan dân cử sẽ gắn với dân, vai trò giám sát nắm địa bàn, tiếp xúc với dân, phản ánh quyền lợi người dân thì tôi cho rằng tính nhân dân của mô hình này sẽ cao hơn.

Nguyên tắc chính của mô hình này là nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cái gì cấp dưới làm tốt liên quan đến phúc lợi của dân thì nên để cấp dưới làm, tức là giao cho cấp gần dân nhất thực hiện. Như vậy không có chuyện trung ương ngồi bàn vấn đề trường mẫu giáo ở một địa phương.

Minh Tuấn thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG