Tin dữ theo mùa lũ dữ

Tin dữ theo mùa lũ dữ
TP - Mỗi mùa mưa bão đến, là cảnh tang thương chìm đò, chìm thuyền, lũ cuốn trôi xe làm nhiều người chết, mất tích. Nước mắt, những tiếng khóc xé lòng theo đó lặng tan trong giá buốt và ầm ào mưa gió...

> Ôtô 7 chỗ bị lũ cuốn trôi, 5 người mất tích
> Lũ sông Ngàn Phố dâng cao ngập lụt nhiều nơi

Đơn vị cứu nạn tìm kiếm xe trôi ngày 19/9/2013
Đơn vị cứu nạn tìm kiếm xe trôi ngày 19/9/2013.

1. Chuông điện thoại đổ dồn. Tôi tỉnh dậy lúc 7h10’ sáng, bất ngờ nhận được tin báo khẩn: “Chìm đò Chôm Lôm, 19 học sinh chết và mất tích”. Khoác vội chiếc áo ấm, tôi nổ máy phóng xe về huyện Con Cuông. Mưa nặng hạt. Gió rít từng cơn se sắt trên đường về miền tây xứ Nghệ. Hình dung cảnh những người mẹ đội mưa ra bến sông ngóng tìm con, những người cha tất tả xuôi theo dòng lũ dữ vớt từng cuốn sách, từng chiếc dép của con mình và cả bến Chôm Lôm nghẹn trong sáng mai định mệnh, lòng tôi đắng ngắt. Vụ chìm đò lúc 6h 30’ sáng 7/10/2006 tại xã Lạng Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) làm 19 học sinh tử nạn, sẽ mãi là ký ức đau thương không mờ.

Đập tràn Khe Ang thường bị ngập sâu khi có mưa lớn, gây ách tắc giao thông. Tại địa điểm này, theo qui định, nước ngập 30 cm là cấm các phương tiện giao thông qua lại. Thời điểm xe 37A - 090.31 vượt qua đập tràn, mực nước đã vượt mức cho phép.

Một chiếc đò cũ nát trong tay một người cầm lái “liều mạng”, chở hơn 30 em học sinh Trường THCS Lạng Khê băng qua sông ngay khi lũ đổ về dồn dập, hậu quả tất yếu đã ập đến: Chiếc đò quá tải tròng trành, mất phương hướng, tức khắc bị hút vào vòng xoáy dữ dội, bị nhấn chìm trong lũ, khi vừa rời bến khoảng 40m. Tiếng kêu khóc vang trời, tiếng kêu cứu tuyệt vọng, tiếng đập nước cũng lịm tắt dần trên quãng sông hoang lạnh. Lũ vô tình vẫn tràn qua, vẫn sục sôi tiếng réo kinh hoàng. Vụ đắm đò thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của 19 em học sinh, trong đó hầu hết là các em gái nhỏ tuổi.

Nỗi đau Chôm Lôm chưa lắng, thì mùa mưa bão năm sau (ngày 5/10/2007) xảy ra trận lũ quét sông Nậm Giải. 13 người dân bản Meo, bản Mờ, bản Pục (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, Nghệ An) bị nước cuốn, chết và mất tích.

“Lũ đến bất ngờ khiến dân bản không kịp trở tay. Đây là trận lũ lớn nhất từ trước tới nay trên sông Nậm Giải và cũng là đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử lập làng!...”, Trưởng bản Meo, ông Ngân Văn Thi bàng hoàng nhớ lại.

Mưa dồn dập nhiều ngày liền, tại các thung lũng dọc sông Nậm Giải âm thầm tích tụ, hình thành các túi nước khổng lồ. Khi các túi nước quá tải, bị bục, vỡ, ngay lập tức hàng triệu m3 nước lao xuống vùng đất thấp hơn, cuốn trôi tất cả những vật cản đường đi. 13 người thiệt mạng trong trận lũ quét ở Quế Phong năm ấy, hầu hết nạn nhân là những người đi làm rẫy, họ qua đêm trên lán nứa và lũ ập về lúc 2h sáng khiến họ “không kịp trở tay!”.

Người dân ken đặc bờ sông Lam trong vụ trôi xe khiến 20 người tử nạn (10/2010)
Người dân ken đặc bờ sông Lam trong vụ trôi xe khiến 20 người tử nạn (10/2010).

2. Khoảng 4 giờ sáng ngày 18/10/2010, tại km474+978 quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), xe ô tô mang BKS 48K-5868 chở 38 hành khách bị lũ cuốn trôi khi lái xe cố tình vượt qua đoạn đường nước xiết. Hậu quả, 20 người tử nạn.

Sau những trận mưa xối xả vào tháng 10 hàng năm, đoạn đường đi qua xã Xuân Lam thường bị lũ bao vây, ngập nặng. Áp lực nước dâng từ sông Lam và nước đổ về từ khu vực lân cận khiến giao thông tại km474+978 quốc lộ 1A tê liệt. Để bảo vệ tính mạng cho hành khách qua đường, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã lập chốt, cắm biển báo đoạn quốc lộ bị ngập nước, cảnh báo nguy hiểm, cấm xe qua. Bất chấp tín hiệu cảnh báo, “chuyến xe định mệnh” xuất phát từ bến xe Cư Jút, tỉnh Đắc Nông đi Nam Định khi đi qua huyện Nghi Xuân tại địa phận xã Xuân Lam đã không tuân thủ biển báo hướng dẫn mà tài xế cho xe chạy thẳng dọc quốc lộ. Giữa đêm mưa to gió lớn, đèn pha bị ngập nước khiến tầm nhìn hạn chế, bánh xe đã lạc khỏi tim đường, rơi xuống ruộng và ngay lập tức bị cuốn theo dòng lũ dữ.

“Gần sáng, mọi người đang ngủ thì trên xe chợt có tiếng hét thất thanh: Xe bị trôi ra sông! Bừng tỉnh và hoảng loạn, tôi cố gắng kéo con ra nhưng không kịp!”, ông Trần Đăng Lực (SN 1963, trú tại huyện Crut, Đắc Nông), hành khách trên xe ô tô 48K-5868 kể. Cùng con trai là Trần Đăng Khoa (SN 1992) và người cháu họ trên chuyến xe về Ninh Bình thì xảy ra tai họa. Con và cháu ông không biết bơi, bấu víu vào cửa kính rồi trèo lại vào xe, con trai miệng liên hồi kêu “bố ơi con không biết bơi, cứu con với!”. Chiếc xe xấu số bị nước cuốn trôi mấy trăm mét và chìm nghỉm, mang theo 20 hành khách.

Sông Lam ngày mưa nghẹn đắng nước mắt người thân của 20 hành khách tử nạn. Dọc quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận xã Xuân Lam, từng dòng người kéo đến, gây ùn ứ, ách tắc giao thông. Dưới dòng sông, hàng chục chiếc ca nô chạy ngược chạy xuôi tìm người mất tích. Ngoài lực lượng cứu hộ hàng trăm người với thiết bị dò kim loại, câu móc, lưới quét và hàng chục thợ lặn của các công ty CP Vận tải và thương mại Trường Thành, Công ty TNHH Ngọc Hải, Công ty Thiên Tài, Công ty CP Đình Cẩm và Doanh nghiệp An Cường (thành phố Vinh, Nghệ An), các nhà ngoại cảm cũng vào cuộc truy tìm chiếc xe lâm nạn. Bằng kinh nghiệm sông nước, nhóm thợ lặn men theo vết dầu loang, xác định đúng vị trí xe 48K-5868 đang chìm dưới đáy sông.

Lúc 18h ngày 19/9/2013, tại đập tràn Khe Ang (xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), tỉnh lộ 531, xe ô tô Innova mang BKS 37A - 090.31 chở 7 người khi vượt đập tràn đã bị nước lũ cuốn trôi, 5 người mất tích. Những người gặp nạn gồm bà Nguyễn Thị Nhâm (SN 1954), Phạm Thị Dương (SN 1969, trú tại xóm 6, xã Nghĩa Khánh), Trần Thị Nga (trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp), Võ Thị Linh (SN 2002), Võ Bá Hải (SN 2004) là hai con của chị Nga.

Ông Trần Văn Ngọ, một trong hai người thoát nạn bàng hoàng nhớ lại: “Khi xe ô tô chạy đến đập tràn, trên thân đập nước chảy xiết. Một người đàn ông chạy ra vẫy nhưng do trời mưa, tài xế không mở cửa xe nên không nghe người ấy nói gì. Tài xế tiếp tục cho xe chuyển bánh. Xe chạy gần hết đập thì bỗng nhiên dừng lại. Nước chảy mạnh, chiếc xe không thể tiến thêm được nữa, ngay sau đó xe bị nghiêng sang một bên và bị cuốn đi!”. Ông Ngọ và lái xe Trương Văn Thái thoát được ra ngoài, may mắn sống sót. Vợ, con gái và hai cháu ngoại của ông Trần Văn Ngọ mất tích. Ông Nguyễn Văn Hòa, người nhà nạn nhân, cho biết, lúc chiếc xe bị nạn em dâu Trần Thị Nga cùng hai con trong cơn hoảng loạn vẫn kịp bấm máy gọi điện thoại về cho chồng là anh Võ Bá Thanh (SN 1971) kêu cứu.

Sáng ngày 20/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ cùng đoàn công tác của Sở GTVT đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, tổ chức phương án cứu nạn. “Chúng tôi huy động tổng lực thiết bị, phương tiện và nhân lực, trong đó có việc sử dụng máy dò của lực lượng công binh, thiết bị xuồng chuyên dụng, rà soát ngược tuyến, đồng thời chế thêm bộ phận móc câu để tăng cường hiệu quả trong tìm kiếm”, ông Huỳnh Thanh Điền cho biết. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, BCH Quân sự tỉnh điều 2 ca nô cùng 15 chiến sỹ công binh; thị xã Thái Hòa điều động 4 thuyền máy; huyện Nghĩa Đàn đã có 6 thuyền ứng cứu cùng 30 thợ lặn. Lực lượng cứu hộ cứu nạn được điều động đến hiện trường lên 350 người.

Cứu nạn vụ trôi xe trên dòng Lam
Cứu nạn vụ trôi xe trên dòng Lam.

3. Trở lại vụ đắm đò tại Chôm Lôm. Lô Văn Nghiệp, sinh năm 1983, trú quán tại bản Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông), người trực tiếp cầm lái con đò bị chìm, bị tòa tuyên án 8 năm tù giam; Lê Ngọc Châu, nguyên phó phòng hạ tầng - kinh tế - kỹ thuật huyện Con Cuông và ông Vi Đình Phòng, nguyên Chủ tịch xã Lạng Khê lãnh 2 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng...cho hưởng án treo; Vụ xe khách 48K-5868 bi lũ cuốn làm 20 người tử nạn tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), tài xế Trần Văn Trường bị phạt 7 năm tù giam; Vụ lũ quét sông Nậm Giải (huyện Quế Phong, Nghệ An) khiến 13 người dân bản Meo, bản Mờ, bản Pục, chết và mất tích, không có ai ở huyện Quế Phong bị truy xét trách nhiệm vì thủ phạm là...sông Nậm Giải!

Những người cầm lái điều khiển phương tiện giao thông, phía sau họ là hàng chục, thậm chí hàng trăm sinh mệnh. Chỉ một phút lơ là, tai họa sẽ ập đến, cướp đi mạng sống của nhiều người và để lại những hệ lụy đau lòng: Cha mẹ mất con, vợ mất chồng...Mức án dành cho các bị cáo được đánh giá là “nghiêm khắc”, nhưng dường như chưa đủ sức răn đe những tài xế khác. Vấn đề ở đây là ý thức của người tham gia giao thông.

Sẽ không có một bến Chôm Lôm đầy nước mắt, sẽ tránh được tai họa thảm khốc như vụ xe khách bị lũ cuốn khiến 20 hành khách tử nạn tại Nghi Xuân- Hà Tĩnh, đập Khe Ang (Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn) cũng chẳng có cảnh tang thương, nghẹt thở tìm kiếm 5 người trên chiếc Innova bị lũ cuốn mất tích ngày 19/9/2013, nếu người cầm lái không “xé rào”, điều khiển xe đi vào khu vực nguy hiểm khi đã có lệnh cấm qua lại. Phía “Các cơ quan chức năng”, buông lỏng việc giám sát ở những đoạn đường nguy hiểm, cùng với sự liều lĩnh của người điều khiển phương tiện giao thông, đã để lại những hậu quả thảm khốc nhãn tiền. Cứ lũ đến lại thắt ruột hằng năm đón tin dữ. Mãi vậy cho đến bao giờ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG