Mắt đời

Mắt đời
TP - Bản nhạc không lời “Hà Nội trong mắt ai” réo rắt ghi ta khởi đầu bộ phim tài liệu nổi tiếng cùng tên, người sáng tác và chơi đàn là nhạc sĩ mù Văn Vượng. Hà Nội thân thương và nghèo nàn những năm 80 của thế kỷ trước trong những thước phim cách đây 30 năm.

> Bác sĩ tố cáo vụ tráo thủy tinh thể
> Đã lắp mắt nhân tạo cho cậu bé bị móc mắt

Kết thúc phim cũng với tiếng đàn ấy. Người nghệ sĩ khát khao được nhìn thấy Hà Nội, dù chỉ một lần trong đời.

Trên tường nhà người nhạc sĩ, nghệ sĩ ghi ta mù lòa khi ấy còn độc thân, vẫn treo một chiếc gương soi và những bức tranh phong cảnh Hà Nội.

Trong tuần rồi, dư luận xôn xao với đơn tố cáo của một nữ bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội, về hành vi “đánh tráo thuỷ tinh thể” của bệnh nhân xảy ra tại bệnh viện này. Theo đơn tố cáo gửi Trưởng ban Nội chính T.Ư và Bí thư Hà Nội, thì đã xảy ra việc “tráo thủy tinh thể” loại rẻ tiền, cũng như “xén bớt” dịch nhầy trong quá trình mổ thay thủy tinh thể nhân tạo cho bệnh nhân.

Trong khi giá mỗi ca mổ bệnh nhân phải chi trả là 6,5 triệu đồng. Số lượng lên đến hàng ngàn trường hợp. Trong khi lãnh đạo bệnh viện cho rằng việc này đã được thanh tra Sở Y tế kết luận từ năm ngoái, và mức độ chỉ là “nhầm lẫn”!

Vụ việc đang được xới lại, và hiện chưa có kết luận cuối cùng. Trong lúc dư chấn của vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu còn chưa kịp lắng xuống, càng khiến nỗi muộn phiền không thể nào dừng lại được, về nhân tình thế thái. Thời bao cấp với tư duy xơ cứng đã qua. Bây giờ con người đã quá năng động, tiện nghi hiện đại xếp chật trong từng ngóc ngách đời sống. Nhưng con người đang sống trong giai đoạn thật khó biết soi vào đâu để tìm ra vẻ đẹp nhân tình. “Giờ về nhà đi ra ngoài phố thấy cái gì cũng phải tiền, không tiền là không trôi, rất khó chịu. Tham nhũng lớn có, tham nhũng nhỏ cũng nhiều. Chạy chỗ nào cũng thấy phải có tiền…”. Trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây không chỉ hướng đến thực trạng tiêu cực, tham nhũng, mà sâu hơn là “bắt bệnh” về nhân tình thế thái, một nan đề của nền kinh tế thị trường đang vỡ vạc…

Máu và mắt mang tính biểu tượng cho sự sống, sự hào hiệp cao thượng cũng như tri giác trí tuệ của con người. Nhãn quan con người luôn tồn tại trong dạng thức nhị nguyên, giữa trái tim và trí tuệ.

Trong phim “Hà Nội trong mắt ai”, ống kính dõi khá lâu vào dòng bi ký khắc câu thơ đầy hân hoan của Ngô Thì Nhậm “May mắn thay! Chúng ta được sinh ra ở nước Nam”. Hơn 200 năm trước, danh sĩ lỗi lạc đất Hà thành ấy chỉ vì chính trực nên bị đánh đến chết ngay trên sân Văn Miếu. Có chạnh lòng không, và còn tự hào không, khi cái câu “người Việt xấu xí” xuất hiện ngày một nhiều hơn?

Tất nhiên, thăng trầm đời sống, nhưng không thể mất đi cái đẹp, dù cái đẹp trong mắt mỗi người không mấy ai giống ai. Nhưng trước hết buộc phải có một điểm chung, đó là sự tử tế. Như người nghệ sĩ mù, mỗi ngày vẫn soi mình qua tấm gương và những bức tranh, mà chỉ riêng ông nhìn thấy tình yêu và niềm tự hào - như là điều không thể mất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG