Có những trận thắng vang dội, nhưng ông vẫn khóc

Có những trận thắng vang dội, nhưng ông vẫn khóc
TP - Trung tướng Phạm Hồng Cư nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không cho phép đánh đổi chiến thắng bằng bất cứ giá nào, chỉ khi nắm chắc địa hình, tìm được cách đánh ít thương vong nhất, ông mới ra lệnh tấn công. Dù có những trận thắng vang dội, nhưng Đại tướng vẫn lặng khóc ở sở chỉ huy.

Làm theo lời Bác 'Dĩ công vi thượng'
> Đại tướng thần tượng của giới trẻ

Sau một ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tối muộn ngày 5/10, chúng tôi gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi được đặt vấn đề về buổi phỏng vấn đặc biệt dành cho số báo tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Trung tướng 85 tuổi đã sẵn lòng dành cho Tiền Phong những giờ phút quý báu. 

Run run cầm trên tay tờ báo Tiền Phong số 278, thứ 7 ngày 5/10 đưa cụm bài với tít lớn Vĩnh biệt vị tướng HUYỀN THOẠI, Trung tướng Phạm Hồng Cư không giấu nỗi niềm xúc động. Trầm ngâm một lúc, ông nói “Tiền Phong đưa tin kịp thời, trang trọng”. Và rồi ông bất ngờ khoát tay “thôi chúng ta bắt đầu trò truyện, cậu hãy đặt thẳng vấn đề, hỏi gọn, tôi sẽ đáp gọn”.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu khi chiếc đồng hồ quả lắc đã điểm 20h30. Dù người hỏi tiên lượng những điều mình cần hỏi, người trả lời cũng những câu trả lời cô đọng nhất nhưng buổi phỏng vấn chỉ dừng lại khi chuông đồng hồ đã điểm 22h.

đại tướng xúc động khi nhắc đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Ảnh: Trần Tuấn
Đại tướng xúc động khi nhắc đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Ảnh: Trần Tuấn.

Từ cội nguồn truyền thống 

Thưa Trung tướng, đâu là cốt lõi của tư tưởng và nghệ thuật quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Nói tới tư tưởng và nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước tiên phải nói về nguồn gốc của tư tưởng đó, đó chính là xuất phát từ truyền thống yêu nước và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam. Truyền thống yêu nước đó khiến sau 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta không bị đồng hóa. Và nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam là “chiến tranh nhân dân” - một truyền thống đã làm nên chiến thắng của nhân dân ta trong trường kỳ lịch sử.

Chúng ta đều biết rằng, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sĩ, do đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Chính Hồ Chí Minh đã giao cho đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức Đội Quân giải phóng, và Hồ Chủ tịch dặn “Dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được”.

Từ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xây dựng “đội quân chân đất” trở thành đội quân có khả năng chiến thắng các nước có lực lượng quân sự lớn mạnh hơn gấp nhiều lần.

Nếu phải nói về nghệ thuật quân sự tiêu biểu nhất của Đại tướng, có thể nhắc đến hai thời điểm quyết định, đó là việc thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ năm 1954 và tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Với trận Điện Biên Phủ năm 1954, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” thế hệ chúng tôi, đã có nhiều hơn những người đã nằm lại cánh đồng Mường Thanh. Quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của Đại tướng là câu chuyện quyết định “kéo pháo vào kéo pháo ra”. Đại tướng đã phải suy nghĩ suốt 11 ngày đêm, có lúc đầu nóng bừng, y sĩ phải buộc dải băng ngải cứu lên đầu ông.

Đại tướng nhận thấy giải pháp “đánh nhanh thắng nhanh” không phù hợp vì quân đội chúng ta chưa có đủ năng lực và thời gian chuẩn bị. Đại tướng đã thuyết phục cố vấn Trung Quốc và Đảng ủy mặt trận, đưa ra quyết định phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Dù rất khó khăn, nhưng Đại tướng kiên trì thuyết phục Đảng ủy để thay đổi cách đánh, ông cũng chia sẻ lời căn dặn của Hồ Chủ tịch “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.

Với quyết định sáng suốt và tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm, Đại tướng đã làm nên chiến thắng quyết định Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Trong chiến dịch Mùa xuân năm 1975, dù gần 40 năm đã trôi qua nhưng tôi còn nhớ rõ ngày 7/4/1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi đọc lên, mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn như một lời hịch của non sông đất nước. Và rồi, sau 23 ngày nhận được chỉ đạo “thần tốc, táo bạo” 11h ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đất nước hoàn toàn giải phóng.

Đối với cách đánh cụ thể, Đại tướng đề cao tinh thần lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Cách đánh phải xuất phát từ thực tiễn, độc đáo và không giáo điều. Trong khi đánh, ta phải tìm ra quy luật và giành chiến thắng trên cơ sở thực tiễn.

Ví dụ, trong trận Điện Biên Phủ, người Pháp đã vô cùng bất ngờ với cách sử dụng chiến hào để tiến công của quân đội ta. Bởi họ quan niệm, chiến hào chỉ đề phòng thủ. Nhưng với sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đã biến chiến hào thành những thòng lọng, chia cắt, thít chặt và phá vỡ các cứ điểm địch.

Chính vì vậy Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân loại nhắc đến là Danh tướng của mọi thời đại.

Tư tưởng giành chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có gì đặc biệt thưa ông?

Đại tướng luôn khẳng định quan điểm đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh, như kim chỉ nam của quân đội Việt Nam. Ông không cho phép đánh đổi chiến thắng bằng bất cứ giá nào, chỉ khi nào nắm chắc địa hình, tìm được cách đánh ít thương vong ở mức cao nhất ông mới ra lệnh tấn công. Thế nên dù có những trận thắng vang dội, nhưng Đại tướng vẫn lặng khóc ở sở chỉ huy.

Đầu năm 1952, ta mở màn chiến dịch Hòa Bình bằng trận Tu Vũ (Thanh Thủy, Phú Thọ). Trận đánh diễn ra trong hoàn cảnh pháo binh Pháp bắn phá mãnh liệt vào đội hình hành quân của các đơn vị. Nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, cán bộ chiến sĩ toàn trung đoàn đã khắc phục khó khăn, dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ. Tuy nhiên do hỏa lực địch quá mạnh, gây thương vong lớn cho ta. Đêm hôm đó, ít người biết Đại tướng trằn trọc không ngủ và khóc ướt đầm cả gối.

Tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy

Trong vai trò xây dựng lực lượng, Trung tướng có thể cho biết Đại tướng đã áp dụng tư tưởng “quân đội nhân dân” ra sao?

Ngay từ buổi đầu, trong Mười lời thề của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp đã dạy cho các chiến sĩ du kích những điều cần làm và những điều cần tránh để duy trì mối quan hệ quân-dân-cá-nước. Sau này, trong tất cả các chiến dịch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đều lưu ý bên cạnh mệnh lệnh quân sự bao giờ cũng kèm theo những điều quy định về kỷ luật dân vận. Do vậy, từ hậu phương tới tiền tuyến, Bộ đội Cụ Hồ, dưới quyền chỉ huy của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn được nhân dân ủng hộ.

Thành công của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong hơn 30 năm cầm quân, với tư tưởng đại đoàn kết “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn”, nên ông được toàn quân tin yêu và nhờ cậy, toàn dân quý mến, kính trọng, được cả thế giới hâm mộ. Vì vậy, như thượng tướng Trần Văn Trà đã nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”.

Đại tướng luôn coi chiến công của quân đội là chiến công của toàn dân “bất kỳ vị tướng nào, dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả”.

Một con người bình dị và giàu tình cảm

Là người gần gũi Đại tướng kể từ những năm chiến đấu gian khổ cho tới lúc hòa bình, Trung tướng có thể nói chia sẻ thêm về cuộc sống thường ngày của Đại tướng?

Bản thân Đại tướng là người giàu tình cảm, là nhà trí thức vì vậy đời sống văn hóa tinh thần của ông phong phú. Nếu gần gũi ông, ta sẽ thấy sau những giờ làm việc liên tục, Đại tướng chơi đàn piano để giải tỏa tinh thần, để thư giãn. Hằng ngày, ông vẫn đều đặn tập thiền và đi bộ để rèn luyện sức khỏe.

Đặc biệt, đi đâu ông cũng mang theo cuốn sách bên mình. Về quê, có khi ông ngồi dưới gốc cây khế, cây mít vừa hóng mát vừa đọc sách. Rất bình dị.

Nhiều lần theo Đại tướng về quê nhà Quảng Bình, tôi quan sát thấy ông có sở thích rất giản dị như thích ăn các món như cá khô, rau lang, rau muống luộc,… Ông cũng rất thích nghe làn điệu hò khoan, hay bài “Quảng Bình quê ta ơi”.

Là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng rất quan tâm tới anh em chiến sĩ. Đại tướng luôn hướng về chiến trường xưa, luôn mong mỏi được thăm lại những đồng bào, chiến sĩ đã từng chia sẻ với ông những củ sắn lùi, cùng đắp chung chiếc chăn rách...

Ấn tượng của ông khi nhớ về Đại tướng?

Nếu nhắm mắt lại tôi có thể nhớ ngay khuôn mặt và ánh mắt của Đại tướng. Đó là khuôn mặt rất giống cụ Nguyễn Thị Kiên - thân mẫu của Đại tướng, khuôn mặt thông minh và ánh mắt tinh anh, luôn nhìn thẳng. Thứ hai là đôi bàn tay, khi bắt tay Đại tướng tôi cảm thấy sự ấm áp, nhưng lại toát lên phong thái quyết đoán của người lãnh đạo.

Thứ ba là giọng nói, dù xa quê lâu năm giọng nói của Đại tướng vẫn đậm chất Lệ Thủy, Quảng Bình, đó là chất giọng ấm áp và nằng nặng. Ông rất giỏi tiếng Pháp, nhiều lần gặp phóng viên người Pháp, Đại tướng trao đổi thẳng với họ bằng tiếng Pháp. Ông không ngại trả lời những câu hỏi gai góc của phóng viên nước ngoài, giọng nói chậm rãi nhưng rất cương quyết.

Được biết, Trung tướng là tác giả của cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, theo ông, điều gì mà giới trẻ hiện nay cần phải học hỏi Đại tướng?

Để nói về tuổi trẻ của Đại tướng, chúng ta có thể nói là một tuổi trẻ đầy lòng yêu nước, thông minh và dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng. Đại tướng tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Đặc biệt, Đại tướng nêu một tấm gương tự học, tự hoàn thiện. Đại tướng vừa là sinh viên trường Luật, sau đó là một nhà báo, một thầy giáo dạy sử.

Giới trẻ có thể thấy ở Đại tướng một tấm lòng yêu nước, quyết tâm dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế hệ chúng tôi dưới sự chỉ huy của Đại tướng là thế hệ của lời thề độc lập cùng toàn dân xóa nỗi nhục mất nước...

Ngày nay, tuổi trẻ phải mang trong mình hoài bão lớn cùng toàn dân xóa nghèo nàn và lạc hậu, đưa đất nước phát triển sánh vai cùng các cường quốc năm châu như điều Bác Hồ mong muốn.

Xin cảm ơn trung tướng.

N.C.KHANH
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG