Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ

Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
TP -Năm sau (1946), Cụ Hô hầu như thiết lập xong quyền kiểm soát của mình. Năm 1946, ông Giáp - lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ - ra khỏi Chính phủ để xoa dịu các đảng phái đối lập và Quốc dân đảng, và để giới thiệu với đồng minh một chính phủ có cơ sở càng rộng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhưng ông vẫn nắm quyền kiểm soát quân đội.

> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
> Làm theo lời Bác 'Dĩ công vi thượng'

Thẳng tay loại trừ phe chống đối

Trong cuộc Tổng tuyển cử tháng giêng 1946, ông trở lại chính phủ với 97% số phiếu bầu ở tỉnh Nghệ An, một tỷ lệ phiếu chỉ thấp hơn tỷ lệ của Cụ Hồ. Sau đó vào tháng 3, Cụ Hồ ký Hiệp định sơ bộ với Pháp. Cụ chấp nhận các điều khoản Hiệp định này có thể vì nạn đói do các vụ lụt ở châu thổ sông Hồng gây ra. Nhưng rất có thể là vì như tướng Leclerc nói khi ông ta đưa quân vào vài ngày sau đó: “Tôi sẽ đến dù ngài đồng ý hay không”.

Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh của Quân ủy hội ngày 2/9/1946
Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh của Quân ủy hội ngày 2/9/1946.

Dù là lý do nào, ông Giáp đã bảo vệ Hiệp định đó bằng một bài diễn văn hùng hồn trước 100.000 người. Ông nói: “Chúng ta không lựa chọn việc kháng chiến lâu dài vì tình hình quốc tế không có lợi cho chúng ta. Pháp đã ký tiếp hiệp ước với Trung Hoa; Mỹ đi với Pháp. Anh đứng bên Pháp từ nhiều tháng nay. Vì vậy chúng ta gần như bị cô lập. Nếu chúng ta chống lại, tất cả các cường quốc sẽ chống lại chúng ta”.

Ông nói: “Phong trào cách mạng chưa đủ mạnh. Có thể sẽ có những sự đau khổ không cần thiết mà không được gì. Ông so sánh với Hiệp ước Brest - Litovsk năm 1918 mà người Nga ký để chặn cuộc xâm lược của Đức. Tuy nhiên, với nhà báo Pháp Jean Lacouture, ông Giáp nói: “Nếu Pháp thiển cận đến mức gây chiến tranh, họ cần phải biết rằng chúng tôi sẽ chiến đấu đến chết, không cho phép mình ngừng bước trước bất kỳ lý do cá nhân hoặc sự tàn phá nào!”.

Khi tướng Leclerc - anh hùng trong cuộc hành quân qua sa mạc Li-băng của quân đội tự do Pháp - đến Hải Phòng, ông Giáp đến chào Leclerc nồng nhiệt ra trò. Ông nói: “Tôi sung sướng chào ngài, một chiến sĩ kháng chiến giống như tôi”. Leclerc không hài lòng; ông Giáp cũng thế và trước khối lượng vũ khí hạng nặng mà Leclerc cho đổ bộ lên Hải Phòng, ông tiếp tục chuẩn bị cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi với Pháp.

Hội nghị Đà Lạt tháng tư - tại đây ông Giáp nổi lên là một đối thủ chính trị như Pierre Messmer; Lúc nó Messmer là một đảng viên xã hội, hiện nay (1972 - TP) là Thủ tướng thuộc cánh hữu của Ponpidou - kết thúc trong khung cảnh mà ông Giáp miêu tả là một “bất đồng thân thiện”.

Rõ ràng người Pháp đổi thời cơ trước khi nắm quyền kiểm soát chính phủ Hà Nội. Người ta thấy ông Giáp buồn phiền vào lúc cuối hội nghị. Đến tháng 5, Cụ Hồ đi Fontainebleau hội đàm thêm, để ông Giáp ở lại với cương vị người cầm đầu chính phủ trên thực tế(?).

Nếu chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, thì Việt Minh cần phải có một Đảng mạnh, và với sự tích cực không chút ân hận, ông Giáp tiến hành loại trừ phe đối lập đang đe dọa sự kiểm soát của Đảng ông (Có lẽ tác giả muốn nói đến vụ trấn áp nhóm phản động Quốc Dân Đảng tại trụ sở số 7 phố Ôn Như Hầu của chúng do in tài liệu, truyền đơn phản động, bắt giết cán bộ... để thực hiện âm mưu đảo chính – TP).

92.000 người Pháp và một số không rõ người Việt chết

Từ tháng 6 đến tháng 11/1946, ông Giáp nâng con số quân đội của ông từ 30.000 lên 60.000.

Năm đó toàn bộ Chính phủ Việt Minh và quân đội rút khỏi Hà Nội về chiến khu Việt Bắc - 5 tỉnh phía Bắc Hà Nội, sau những trận chiến đấu kịch liệt trên đường phố với quân Pháp.

Thế là 7 năm tàn khốc bắt đầu, 7 năm trong đó 92.000 binh lính trong đội quân viễn chinh của Pháp đã bị chết cùng với một số không rõ người Việt Nam.

Ba năm đầu tiên, ông Giáp tiến hành chiến tranh du kích đồng thời ông xây dựng quân đội chuẩn bị cho cuộc phản công.

Một điều đáng chú ý là người Mỹ rất ít học tập sai lầm của người Pháp vì các quy tắc mà ông Giáp sử dụng đối với cả hai cuộc chiến tranh này chỉ là một. Đầu tiên quấy rối quân địch “tiêu hao” hậu phương và lực lượng dự trữ của địch, buộc họ phải triển khai các đội quân đóng chốt để bảo vệ căn cứ và vùng ngoại vi; đồng thời tiến đánh các đơn vị địch bằng một lực lượng có ưu thế áp đảo.

Nếu địch tập trung quân, du kích sẽ biến vào rừng núi, để cho quân địch bắn vào chỗ không người. Ông Giáp viết: “Kẻ địch mạnh ư? Ta tránh chúng. Kẻ địch yếu ư? Ta đánh chúng. Nơi nào có du kích là có mặt trận, thường sau phòng tuyến địch. Cuối cùng đối phó với trang bị tối tân của chúng, chúng ta có chủ nghĩa anh hùng không bờ bến”.

Còn nữa

James Fox
The Sunday Times Magazine -1972

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG