Việt Nam là Chủ tịch Cấp cao APEC 2017

Việt Nam là Chủ tịch Cấp cao APEC 2017
TP - Chiều 8/10 tại Indonesia, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 bế mạc; các nhà lãnh đạo thông qua hai tuyên bố. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu thông điệp khi Việt Nam được chọn làm Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017.

> Chủ tịch nước gặp lãnh đạo các nền kinh tế APEC
> Chủ tịch nước dự Cấp cao APEC

Ngày 8/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với các trưởng đoàn dự Hội nghị Cấp cao APEC 21. Ảnh: TTXVN
Ngày 8/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với các trưởng đoàn dự Hội nghị Cấp cao APEC 21. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao nước ta tham dự hai phiên họp quan trọng về “Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình” và “Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng - an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng”. Đây cũng chính là những nội dung then chốt của hợp tác APEC năm 2013 cũng như thời gian tới. Các nhà lãnh đạo APEC đã trao đổi sâu rộng về hợp tác ứng phó các thách thức an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng. Lộ trình hợp tác an ninh lương thực APEC đến năm 2020, Sáng kiến hợp tác các vấn đề liên quan đại dương là những thỏa thuận nổi bật được thông qua tại Hội nghị lần này.

Ngay sau khi Hội nghị Cấp cao APEC kết thúc, Cuộc họp Cấp cao các nhà lãnh đạo 12 thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm Brunei, Canada, Chile, Mỹ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Peru, Singapore và Việt Nam, diễn ra tại Indonesia, thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo TPP” và “Báo cáo của các bộ trưởng thương mại TPP”.

Phát biểu tại các phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh kết nối đã trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong thế kỷ 21, do xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam ủng hộ việc thông qua và sớm triển khai “Khuôn khổ kết nối APEC”, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, nhất là kết nối về đầu tư và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó tình trạng khẩn cấp, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch nước cũng đề nghị APEC tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, phối hợp trong triển khai các dự án ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho thương mại, an ninh lương thực, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các thành viên APEC có thể có những đóng góp ý nghĩa đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, đặc biêt trong các chương trình kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Về tăng trưởng bền vững gắn với công bằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới về an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đổi mới và sáng tạo, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực này cần trở thành nội hàm ưu tiên của các cơ chế APEC.

Bế mạc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu” và “Tuyên bố của Hội nghị lần thứ 21 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới”, cùng với các văn kiện kèm theo về “Khuôn khổ kết nối APEC” và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”. Tuyên bố của Hội nghị nhấn mạnh các thành viên APEC nhất trí ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017.

Hội nhập khu vực

Phát biểu trong thông điệp khi Việt Nam được chọn đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, là đầu tàu tăng trưởng và liên kết của thế giới, châu Á - Thái Bình Dương cũng chính là khu vực hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Việc tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào Cộng đồng ASEAN, vào Diễn đàn APEC và các khuôn khổ hợp tác khác ở khu vực giúp Việt Nam giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và tranh thủ các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước. Tiến trình hội nhập cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho các địa phương, cho cộng đồng doanh nghiệp và cho nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, với tư cách chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, chúng ta có được cơ hội quý báu để giới thiệu với cộng đồng quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, có nhiều tiềm năng phát triển. Chia sẻ với bè bạn quốc tế về Tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương, đất nước và nhân dân ta sẽ vững bước đi lên trên con đường hội nhập toàn diện với tinh thần tự tin và sáng tạo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG