Tươi nguyên ký ức

Tươi nguyên ký ức
TP - Đã lâu lắm rồi, người Việt Nam chúng ta bên cạnh những đau đớn, tổn thất riêng trong mỗi gia đình khi có người thân vĩnh biệt mới lại cùng chịu đựng một nỗi buồn mất mát chung…

> Người xứ Lạng tiếc thương tiễn đưa Đại tướng
> Đại tướng trong ký ức “tư lệnh” chiến trường Quảng Bình

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân thiếu tướng Trần Tử Bình. Ảnh: Tư liệu gia đình
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân thiếu tướng Trần Tử Bình. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Biết rằng có một ngày bác Văn - Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sẽ vĩnh biệt chúng ta, nhưng khi ngày ấy đến, tất cả vẫn thấy bàng hoàng. Làm bạn với anh Võ Hồng Nam (con trai út của Đại tướng) nhiều năm, hai gia đình lại là chỗ thâm giao, những ngày này kỷ niệm về bác Văn cứ hiện lại trong tôi.

Nghĩa trọng tình thâm

Đầu năm 1967, cha tôi (Tướng Trần Tử Bình một trong 10 vị tướng được phong lần đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam) từ Trung Quốc trở về gấp để họp Trung ương và Bộ Chính trị chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt khi đối phương bắt đầu tăng cường lực lượng quân sự vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Những ngày họp bàn căng thẳng, nhiệm vụ nặng nề phân công cho từng tập thể, cá nhân, trách nhiệm đè nặng lên vai của mỗi người là một áp lực rất lớn. Cha tôi bị cảm đột ngột và bất ngờ ra đi mãi mãi vào ngày mùng 3 Tết Đinh Mùi, 11 tháng 2 năm 1967.

Gia đình tôi như rơi xuống vực sâu của sự mất mát quá lớn, đặc biệt là mẹ tôi không biết sẽ phải sống tiếp thế nào với một đàn con tám đứa còn nhỏ dại, không còn người chồng là chỗ dựa. Đến an ủi và chia sẻ với gia đình chúng tôi những ngày ấy có Bác Hồ, bác Tôn, bác Văn và các bác, các chú trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Tôi nhận thấy rất rõ: thế hệ cán bộ đầu tiên của sự nghiệp cách mạng luôn vô cùng gắn bó, thân thiết, quý trọng nhau như người ruột thịt vì họ mang chung một dòng máu của những người lập nên một đại nghiệp vĩ đại. Họ đã từng cùng bị giam cầm trong nhà tù đế quốc; đã từng dũng mãnh, trí tuệ giành chính quyền; đã từng chia nhau gian khổ trên các chiến trường để đi đến một đại thắng Điện Biên Phủ lịch sử; rồi lúc này lại cùng nhau phân chia nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh đánh Mỹ. Họ đã quen có nhau, cùng nhau, tin nhau, san sẻ với nhau. Thế nên, việc cha tôi đột ngột ra đi làm cho các bác, các chú buồn thương lắm.

Người dân đứng bên đường phố Hà Nội khóc tiễn đưa linh cữu Đại tướng Ảnh: Như Ý
Người dân đứng bên đường phố Hà Nội khóc tiễn đưa linh cữu Đại tướng Ảnh: Như Ý.

Những ngày sau tang lễ mẹ tôi thức trắng đêm vì mất ngủ cùng nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng. Thế là, dường như có một sự thống nhất nào đó rất “đặc biệt”, cứ từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, sau giờ làm việc luôn có một người trong số bác Tôn, bác Văn, bác Phạm Văn Đồng, bác Hoàng Quốc Việt hoặc bác Trường Chinh qua nhà tôi, còn các cô, chú khác khi có thời gian cũng tranh thủ ghé qua, “lịch” này kéo dài trong khoảng 3 tháng liền.

 Với những người thuộc thế hệ cách mạng đầu tiên đó, bên cạnh tình đồng chí cao cả thiêng liêng, bác Văn và các chú, bác còn có một tình cảm gắn bó ruột thịt và những tiếng xưng hô “anh em” thân tình biết bao! 

Tôi nhớ, thứ Năm hay thứ Sáu, vào buổi chiều, khi nghe tiếng bước chân chậm, chắc vang lên ở cầu thang gỗ là bác Văn cùng cô Hà, vợ bác hiện ra ở cửa tầng hai. Câu đầu tiên bao giờ cũng là: “Hôm nay chị khỏe hơn chưa? Đã ngủ được chưa?” giọng nói rất quan tâm, ấm áp. Bác Văn ngồi xuống chiếc ghế bọc nỉ cạnh chiếc bàn nhỏ còn cô Hà ngồi xuống giường với mẹ tôi, hai chị em cầm tay nhau. “Dạ thưa anh, em cũng khuây khỏa dần anh ạ”. Mỗi lần đến chơi như vậy, ngắn nhất cũng nửa giờ nếu bác Văn bận, còn thường kéo dài đến 1 tiếng. Chuyện bác nói với mẹ tôi nhiều lắm, những kỷ niệm thời kỳ ở Việt Bắc, thời kỳ sau 1954 khi cha tôi làm tổng Thanh tra quân đội, rồi thời kỳ cha tôi chuyển sang làm ngoại giao. Mẹ tôi bao giờ cũng gọi bác Văn là anh và xưng em. Đúng rồi! Với những người thuộc thế hệ cách mạng đầu tiên đó, bên cạnh tình đồng chí cao cả thiêng liêng, bác Văn và các chú, các bác còn có một tình cảm gắn bó ruột thịt và những tiếng xưng hô “anh em” thân tình biết bao!

Khi nỗi đau mất người thân của gia đình tôi vơi dần thì sự khắc nghiệt khác lại ập đến. Giáo sư Tôn Thất Tùng sau khi kiểm tra sức khỏe cho mẹ tôi đã nói kết luận: mẹ tôi bị ung thư ngực. Biết tin, bác Văn đến gặp mẹ tôi và nói: “Trung ương thu xếp cho cô sang Bắc Kinh chữa bệnh sớm, bên kia có nhiều bác sỹ giỏi, cô cứ yên tâm đi điều trị”. Mẹ tôi cứng cỏi nói: “Thưa anh, nếu có chuyện không hay xảy ra, các con của em còn bé quá, em nhờ các anh chăm sóc cho các cháu khôn lớn”. Bác Văn nhìn mẹ tôi yên lặng, rồi nói ngắn gọn: “Các cháu sẽ được chăm sóc, dạy dỗ tốt nhất, con cái của anh Bình là con cái của trung ương’’. Ngắn gọn thế thôi nhưng lời khẳng định của bác Văn đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để mẹ tôi vượt qua căn bệnh nan y, ở lại dương thế, chăm sóc chúng tôi đến tuổi trưởng thành. Bác Văn, cô Hà, tất cả các cô, các bác, các chú của thế hệ đó là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tình cảm và ý chí cho mẹ tôi và chúng tôi.

Những khoảnh khắc đời thường của một vị tướng

Từ cuối năm 1981 tôi hay qua 30 Hoàng Diệu cùng anh Võ Hồng Nam luyện tập môn Vịnh Xuân quyền (do thầy Ngô Sỹ Quý truyền dạy) vào các buổi chiều. Thời điểm ấy cũng là lúc bác Văn thường đi bộ tập thể dục quanh khu vườn nhà. Sau buổi tập, hai anh em hay ngồi nghỉ uống nước và trò chuyện, có khi cả giờ
đồng hồ.

Một lần, bác Văn dừng lại kéo ghế ngồi nói chuyện với hai anh em. Bác là một vị đại tướng vào sinh ra tử trên nhiều chiến trường trong hai cuộc kháng chiến nên tất nhiên bác cũng yêu thích võ thuật, coi võ thuật là một yếu tố hình thành dũng khí của một chiến binh. Hơn thế nữa, bác còn là một nhà lãnh đạo quân sự ở cấp cao nhất, đã vận dụng sáng tạo và tài tình rất nhiều những bài học kinh nghiệm từ kinh điển đến thực tiễn, để cùng quân đội và nhân dân ta giành chiến thắng. Khi thấy anh Võ Điện Biên, anh Nam học môn võ này bác đã nhận xét: đánh gần và dính vào nhau không rời thế này là ta đã hòa vào với đối phương làm một, đó là chiến thuật “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”.

Bao giờ bác cũng hỏi thăm sức khỏe của mẹ tôi, khi thấy tôi là đứa con út giờ này cũng đã trưởng thành bác rất vui: “Thế là mẹ cháu hết lo lắng rồi nhé!”. Bác ôn lại những kỷ niệm với cha tôi, trong thời gian kháng chiến đến lúc hai người phải chia tay vì theo sự phân công của Bác Hồ, cha tôi nhận nhiệm vụ gấp tiếp nhận trường sỹ quan quân chính kháng Nhật, rồi trường võ bị Trần Quốc Tuấn và trường sỹ quan lục quân; khi bác là Bí thư thì cha tôi là Phó bí thư Quân ủy Trung ương; vụ xét xử Trần Dụ Châu mà cha tôi và bác Chu Văn Tấn thay mặt chính phủ quân đội thực hiện, vụ H122 giải oan cho các cán bộ bị bắt nhầm… Bác Văn ngồi đó, mắt nhìn ra xa, như đang giở lại từng trang ký ức. Tôi vô cùng khâm phục trí nhớ của bác, khi nói là chính xác tới từng sự kiện. Cả cuộc đời bác đã cùng làm việc với hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, làm sao bác có thể nhớ rõ từng kỷ niệm về một nhân vật đến thế. Hình như, tôi đã suy luận ở một tầm rất thấp, ở mức bình thường! Ở giai đoạn đặc biệt đó, những người đồng chí đồng đội phải trực diện với thử thách, thách thức với từng người cũng chính là thử thách của cả tập thể, họ cùng kề vai sát cánh giải quyết, và khi người ta cùng nhau hành động sẽ ghi nhớ rất lâu. Tôi thầm nghĩ ở những nhân cách lớn, có đầy đủ niềm tin vào đồng chí mình thì những ký ức sẽ theo mình mãi mãi.

Tôi theo học đông y của cụ Thiên Tích. Một lần anh Võ Hồng Nam bảo tôi xem mạch cho mẹ vì cô Hà dạo này bị đau lưng, không đi lại được. Khám bệnh thì thấy cô chỉ bị giãn dây chằng sống lưng, bệnh này trị không khó. Tiện thể, tôi xin phép thăm mạch cho bác Văn. Thăm mạch xong, tôi nói: “Sức khỏe của bác rất tốt, chỉ có hơi nhiệt ở hạ tiêu thôi”. Bác Văn hỏi ngay: “Sao cháu biết, cháu căn cứ vào đâu?”. Ôi, với thầy thuốc đông y cái này không khó, nhưng giải thích sao để bác hiểu được các thuật ngữ chuyên môn đây. “Dạ, xích bộ của bác mạch hồng đới xác ạ”. Bác nhìn thẳng vào mắt tôi như vừa nắm lại điều tôi diễn đạt, vừa đánh giá kiến thức của một lương y trẻ. Bác Văn đã sinh ra trong chiếc nôi nho học mà Nho - Y thì gần nhau lắm, bác chỉ cần hỏi và nghe tôi trả lời là cái chân cái giả lộ rõ ngay.

Hôm nay, tôi lại đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, nhưng không phải để luyện tập với anh Nam, không phải để thăm bác Văn, cô Hà mà để kính cẩn trước linh ảnh của bác Văn trong ngôi nhà lịch sử đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử cùng với những nhân vật lịch sử. Tôi nắm lấy tay anh Nam để san sẻ bớt đau buồn mà 46 năm trước gia đình tôi cũng đã phải trải qua.

Người dân cả nước vẫn đang chuyển động thành một hàng dài hun hút, chầm chậm và thành kính vĩnh biệt bác Văn - vị anh hùng hiếm có trong lịch sử dân tộc, khi cuộc đời đã đạt đủ Phúc - Lộc - Thọ. Bác Văn sẽ sống mãi trong lòng con dân nước Việt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.