Không thành lập Hội đồng Hiến pháp

Không thành lập Hội đồng Hiến pháp
TP - Sáng 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Ủy ban Dự thảo) báo cáo trước QH một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các ĐBQH.

> Chưa quy định 'quyền được chết' vào Hiến pháp
> Phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Theo ông Phan Trung Lý, sau khi tiếp thu, Dự thảo chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5).

Trước nhiều ý kiến nhân dân, của một số cơ quan, tổ chức hữu quan và ý kiến của nhiều chuyên gia tán thành về quy định Hội đồng Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo cho biết tại kỳ họp thứ 5, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án “tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không thành lập Hội đồng Hiến pháp”.

Cho rằng đây là vấn đề mới và còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo, đồng thời cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp.

Vẫn thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội

Ủy ban Dự thảo khẳng định quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan. Tuy nhiên Ủy ban Dự thảo cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 thành “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Về các nội dung cụ thể, liên quan đến hiến định vai trò của kinh tế nhà nước, Ủy ban Dự thảo giải thích, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1, điều 51: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội

Ông Phan Trung Lý cho biết có ý kiến đề nghị không quy định Chính phủ là “cơ quan chấp hành của Quốc hội” nhằm tạo điều kiện để Chính phủ chủ động trong quản lý, điều hành nền hành chính quốc gia, mặt khác trong chức năng “hành pháp” và “hành chính” đã thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ chấp hành Hiến pháp, luật do Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, “Ủy ban Dự thảo nhận thấy việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội là phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Ủy ban Dự thảo cho rằng quy định này không ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo của Chính phủ trong quản lý, điều hành mà ngược lại làm cho Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Theo chương trình kỳ họp, sáng 23/10, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ, ngày 5 và 18/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường và sáng 28/11 các ĐBQH sẽ biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Đa số tán thành giữ tên nước như hiện nay

Về tên nước tại Điều 1 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ông Phan Trung Lý cho hay qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của ĐBQH, đại đa số ý kiến tán thành giữ tên nước như hiện hành. Lý giải về điều này, Ủy ban Dự thảo thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG