Xe tải lộng hành phố cấm: Trên đóng, dưới mở

Xe tải lộng hành phố cấm: Trên đóng, dưới mở
TP - Quy định cấm xe tải vào các tuyến nội đô, nhưng điều phi lý là ở Hà Nội thành phố cấm, sở, ngành lại cấp phép. Để có giấy phép đi vào phố cấm các chủ xe tải đua nhau gõ cửa cơ quan công quyền.

> Xe tải lộng hành phố cấm
> Cấm xe tải đi trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai

Một tháng 15 lần xin giấy phép

Là đầu mối cung cấp hàng tiêu dùng, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp rau củ quả cho các chợ, siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội, nên hằng ngày anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ trang trại ở thị trấn Phùng (Đan Phượng, HN) thường phải chở rau từ 5h sáng đổ cho các mối hàng trong nội đô. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, việc chuyên chở gặp khó khăn. Anh thường xuyên bị CSGT và TTGT bắt giữ xe với lý do “đi vào phố cấm”.

Muốn tiếp tục chuyên chở hàng, CSGT yêu cầu anh phải đến Đội CSGT số 6 (tại khu vực cửa ngõ phía Tây) xin giấy phép. “Thời hạn chạy 2 ngày mỗi lần cấp, mỗi tháng gia đình tôi phải đến Đội CSGT số 6 xin giấy phép vào phố cấm 15 lần”, anh Tuấn phàn nàn.

Cty TNHH An Bình cung cấp cho gần hết hệ thống cửa hàng nước tinh khiết đóng chai các quận nội thành, hiện Cty có 10 xe tải loại 1,25 tấn chở sản phẩm cho các đại lý về đêm. Nhưng cũng từ năm 2013, để vào được khu vực nội đô, tất cả 10 xe của Cty TNHH An Bình phải đi xin giấy phép vào phố cấm. “Nếu xin ở các Đội CSGT mỗi tháng chúng tôi phải đi lại 15 lần một xe; còn nếu xin trực tiếp ở Phòng CSGT Hà Nội sẽ được 1 tháng”, đại diện Cty TNHH An Bình cho biết.

Tuy nhiên, theo Cty TNHH An Bình, do các xe chở hàng của họ chỉ đi vào nội thành ban đêm, không ảnh hưởng đến giao thông nên việc phải xin phép vào phố cấm là không cần thiết. Còn theo một số chủ xe tải thường xuyên chở hàng vào khu vực nội đô, để đỡ mất công phải đi lại nhiều lần, nhiều chủ xe lên thẳng phòng CSGT xin giấy phép có thời hạn một tháng.

Cũng theo các chủ xe này, nếu các đội CSGT chỉ cấp phép đi 1 đến 2 ngày về đêm thì lên phòng không chỉ xin được giấy phép cả tháng mà còn có thể xin được giấy phép đi vào phố cấm 24/24h. Tuy nhiên, các chủ xe tải này cũng than: để có được giấy phép họ phải mất tiền “nhờ vả” từ 500.000 đồng cho giấy phép đi từ 21h đến 6h sáng hôm sau và 1 triệu đồng cho giấy phép đi 24/24h.

Trên đóng, dưới mở

Theo quyết định 06 của UBND TP Hà Nội, nhằm đảm bảo trật tự, ATGT, vệ sinh môi trường, từ tháng 1/2013, UBND TP Hà Nội quy định: Các loại xe tải, xe công nông, máy trộn bê tông, ô tô chở khách… không được hoạt động trên các tuyến đường đô thị đông dân cư và các tuyến đường QL, tỉnh lộ thuộc địa bàn TP Hà Nội.

Giới hạn các tuyến đường đông dân cư được xác định là vành đai 3, riêng khu vực Hà Đông được xác định bởi các tuyến đường 70 (từ đại lộ Thăng Long đến đường 72), đường 72 (giao đường 70 đến đường Lê Trọng Tấn), đường Lê Trọng Tấn - Phúc La - Văn Phú - Phùng Hưng - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi trở vào.

Tuy nhiên để các xe tải, xe công trường có thể vượt qua ranh giới này, hiện CSGT và Sở GTVT đang tổ chức cấp phép cho các xe tải có nhu cầu. Lý giải việc này, một lãnh đạo Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho rằng, hoạt động này nhằm cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng, siêu thị trên các tuyến phố phục vụ nhân dân.

 Nếu TP Hà Nội có chủ trương cấm xe tải vào nội đô thì chỉ cần cấm đi vào giờ cao điểm đảm bảo cho nhân dân đi lại. Khi thực hiện cấm thì phải cấm triệt để và không có chuyện cấp phép đi vào phố cấm.

Ông Thanh nói

Theo ghi nhận của PV, cùng với xử lý vi phạm giao thông, bộ phận cấp giấy phép vào phố cấm tại các đơn vị CSGT đang có lượng người dân đến nhiều nhất. Riêng vào các ngày cuối tháng, bộ phận cấp giấy phép vào phố cấm của CSGT đông hơn cả. Điều này diễn ra tương tự với bộ phận cấp phép vào phố cấm của Sở GTVT Hà Nội.

Với chức năng được cấp phép cho xe tải trên 10 tấn vào phố cấm, mỗi ngày bộ phận một cửa của Sở GTVT tiếp nhận hàng chục trường hợp đến làm thủ tục xin phép vào phố cấm.

Quyết định 06 của UBND TP Hà Nội đưa ra chỉ làm tăng thêm sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Lâu nay việc đi lại trên các tuyến phố thực hiện theo phương án phân luồng của liên ngành Công an - GTVT, và trên những khu vực cấm xe tải đều có biển báo cấm.

“Quyết định 06 nêu có khoảng 100 tuyến phố nội đô cấm xe tải hoạt động, tuy nhiên hiện nay bất kỳ ai, chủ xe nào muốn đi vào chỉ việc đến Cảnh sát và Sở GTVT xin giấy phép là hoạt động bình thường, thậm chí hoạt động cả 24/24h. Vậy TP Hà Nội ban hành quy định cấm xe tải vào nội đô làm gì để rồi sau đó các sở ngành lại thực hiện ngược lại”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bức xúc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG