Nhà máy thủy điện xả lũ vì tối đa hóa lợi nhuận

Nhà máy thủy điện xả lũ vì tối đa hóa lợi nhuận
TP - Ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo cho rằng, các nhà máy thủy điện ở miền Trung đều muốn tối đa hóa lợi nhuận nên không có dung tích phòng lũ.

> Xả lũ gây thiệt hại nghiêm trọng phải xử lý hình sự

Do vậy việc xả lũ khi có mưa lớn là điều khó tránh khỏi, và chắc chắn ảnh hưởng đến hạ du.

Đợt lũ vừa qua ở miền Trung, tổng lượng mưa không lớn nhưng lũ lại bằng, thậm chí vượt mức lũ lịch sử 1999, dư luận cho rằng nguyên nhân là do nhiều nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Việc thủy điện xả lũ ảnh hưởng đến hạ du là điều chắc chắn. Ví như ở Huế vừa rồi, mưa ở hạ du không to nhưng nước vẫn dâng cao. Nguyên nhân là mưa lớn ở thượng nguồn tràn về, nhà máy thủy điện buộc phải xả lũ khiến người dân ở vùng hạ du bị ảnh hưởng.

Về đợt lũ lụt đang diễn ra ở miền Trung, dễ dàng thấy, lũ đang dâng mà hồ chứa thủy điện lại xả lũ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vùng hạ du. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng như thế nào cần phải được các cơ quan chức năng định lượng cụ thể.

 “Các dự án thủy điện ở miền Trung đều do doanh nghiệp đầu tư, họ luôn cố gắng tối đa hóa lợi nhuận nên việc xây dựng dung tích phòng lũ không được thực hiện bởi tốn kém và không có giá trị kinh tế”.  

Ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo 

Nhìn nguyên nhân sâu xa, các dự án thủy điện ở miền Trung đều do doanh nghiệp đầu tư. Họ luôn cố gắng tối đa hóa lợi nhuận nên việc xây dựng dung tích phòng lũ không được thực hiện bởi tốn kém và không có giá trị kinh tế.

Ở Quảng Nam chẳng hạn, quy hoạch chỉ ra trên sông Côn phải có dung tích phòng lũ khoảng 300 triệu m3 nhưng khi thực hiện, thấy việc xây dựng hồ làm dung tích phòng lũ quá tốn kém nên điều chỉnh quy hoạch, điểu chỉnh vị trí xây đập để vẫn làm thủy điện nhưng không có dung tích phòng lũ. Vì thế, các nhà máy thủy điện khu vực này không có giá trị trong phòng lũ, cắt lũ. Nước về bao nhiêu, xả bấy nhiêu.

Việc thủy điện miền Trung không có dung tích phòng lũ là lỗi của ai?

Quy hoạch lưu vực các dòng sông đã chỉ ra trên từng hệ thống phải xây dựng bao nhiêu hồ thủy lợi, dung tích phòng lũ trên hệ thống sông là bao nhiêu nhưng việc thực hiện đúng quy hoạch không được chú trọng. Ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn lẽ ra phải xây dựng hệ thống hồ có tổng dung tích 1,2 tỷ m3 để cắt lũ nhưng nhiều năm qua dung tích phòng lũ chỉ đạt 400 triệu m3 nên Hội An, Đà Nẵng không thể tránh khỏi lũ khi mưa to.

Trong khi đó, mấy năm qua, chúng ta chú trọng phát triển thủy điện. Hệ thống các hồ lớn ở miền Trung bây giờ đều là hồ thủy điện mà hồ thủy điện không có chức năng phòng lũ. Bây giờ muốn đảm bảo chức năng phòng lũ chỉ có việc chuyển các hồ thủy điện sang hồ thủy lợi nhưng việc này không hề dễ dàng.

Cảm ơn ông.

Thiếu hệ thống đo đạc, dự báo

Tất cả hồ thủy điện đều phải vận hành theo một quy trình quản lý, tùy thuộc vào quy mô mà phân cấp quản lý khác nhau từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Tôi nghĩ chủ đầu tư không dám làm trái quy trình vận hành nhưng có một bất cập hiện nay là quy trình vận hành mới phục vụ chính hồ chứa đó mà chưa tính đến quy trình vận hành liên hồ chứa trên toàn bộ hệ thống sông.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Việc làm này lẽ ra nên thực hiện ngay khi làm quy hoạch lưu vực sông. Bây giờ hệ thống hồ, đập đã có rồi mới xây dựng quy trình vận hành liên hồ thì khó đáp ứng được các mục tiêu đặt ra. Hơn nữa với các quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành cũng chỉ có quy trình vận hành vào mùa lũ, chưa có vào mùa khô.

 

NGUYỄN HOÀI
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG