Du lịch chưa được lợi từ di sản xanh

Du lịch chưa được lợi từ di sản xanh
TP - Có một điều mới mẻ, khi cụm từ Di sản xanh xuất hiện trong Ngày di sản năm nay. Dù xuất hiện giữa bối cảnh không “xanh” chút nào, nhưng người ta vẫn kỳ vọng di sản xanh sẽ được phát huy hơn nữa để phục vụ du lịch trong thời gian tới.

> Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Tràng An, di sản xanh hấp dẫn du khách bậc nhất miền Bắc. Ảnh: trần thanh
Tràng An, di sản xanh hấp dẫn du khách bậc nhất miền Bắc. Ảnh: trần thanh.

Gần một tuần diễn ra tại Trung tâm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), Tuần văn hóa “Di sản xanh, nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên” được Bộ VH -TT&DL tổ chức với khá nhiều hoạt động, hội thảo nhằm giới thiệu thêm giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Việt Nam.

Đặc biệt là các di sản thiên nhiên đã được UNESCO công nhận di sản thế giới, và một số di sản đang đề nghị. Tuy nhiên, có lẽ hy vọng khá lớn cùng những di sản thiên nhiên (thường lớn cả về diện tích lẫn độ phong phú, đa dạng) đã chưa thể truyền tải được ở không gian của Trung tâm VHNT Việt Nam.

Cách bài trí đơn điệu ngoài phông ảnh chụp căng rộng đề tên các khu di sản xanh như Vịnh Hạ Long, Cù Lao Chàm, quần đảo Cát Bà… cùng một số hiện vật hay một số sản phẩm du lịch bày kèm theo chưa đủ sức giới thiệu khu di sản xanh đó có sức hấp dẫn đến nhường nào.

Trong khi đó, trong 3 khu nhà trưng bày triển lãm về di sản xanh trong tuần lễ liên tục có đám cưới, (lâu nay Trung tâm cho thuê làm điểm tổ chức ăn cưới). Vì vậy, các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn rối nước dù có trống, nhạc, đối thoại lớn đến đâu cũng không át được tiếng…chạm cốc, một hai ba dô.

Cuộc hội thảo được chờ đợi có tên “Văn hóa trong bảo tồn và phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam” trong Tuần văn hóa di sản xanh.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Chủ tịch Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (UBQG MAB), giá trị cốt lõi của các khu dự trữ sinh quyển trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới là nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên, nơi thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Tổ chức cuộc hội thảo này trong khuôn khổ Tuần văn hóa di sản xanh, BTC kỳ vọng hướng tới sự phát triển các khu DTSQ thế giới ở Việt Nam với cách tiếp cận mới. Trong cách tiếp cận này, văn hóa vừa là mục tiêu đạt tới của tất cả các khu DTSQ, đồng thời là công cụ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển.

Nhiều năm qua, Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) được các tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng. Năm nay, phía Nam có đua bò Bảy Núi, ngoài Bắc là dày đặc các hoạt động, lễ hội tổ chức tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu văn hóa du lịch Tràng An-Bái Đính (Ninh Bình), Ngày hội văn hóa Tây Bắc, Hòa Bình…

Chỉ trong vòng 10 năm, Việt Nam có 8 khu DTSQ được thế giới công nhận: Rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM); vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước); quần đảo Cát Bà (Hải Phòng); đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, Kiên Giang, Tây Nghệ An; Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Mũi Cà Mau.

Ông Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư kí UBQG MAB Việt Nam cho biết, Việt Nam tham gia trong mạng lưới toàn cầu các khu DTSQ (hiện có 610 khu DTSQ của 117 quốc gia) đã tạo nên hình ảnh một Việt Nam năng động, sáng tạo và nhân văn. Tuy nhiên, việc bắt kịp những giá trị trí tuệ của nhân loại trong việc sử dụng các khu DTSQ như một cách thể hiện hài hòa giữa con người và thiên nhiên trong phát triển bền vững đang còn là thách thức rất lớn mà chúng ta và thế hệ mai sau phải vượt qua.

Hầu hết các khu di sản và sinh quyển trên đều có thể tạo cơ hội hấp dẫn du lịch trong và ngoài nước, nhưng Việt Nam mới chỉ dừng ở góc độ bảo tồn. Trong khi đó, công tác bảo tồn thường gây mâu thuẫn với người dân- lực lượng luôn có ý định khai thác “vốn” trong các khu DTSQ.

Việc sử dụng, khai thác khôn khéo các “đặc sản” nổi tiếng từ các khu DTSQ để vừa phát triển du lịch sinh thái, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương chưa có nhiều khả thi.

Ở một số nơi như Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Cà Mau… có các tổ chức, hộ gia đình tạo nên mô hình du lịch trải nghiệm (homestay) thu hút được lượng khách nước ngoài hoặc giới trẻ tham gia, nhưng mô hình nhỏ lẻ, không bền vững.

Còn ở khu DTSQ Tây Nghệ An có nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái-tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng lại chưa được đầu tư thỏa đáng, các tour du lịch đơn điệu, chưa hợp lý; năng lực dịch vụ kém, môi trường chưa sạch, đẹp…

Ông Nguyễn Viết Cách, Trưởng ban thư ký khu DTSQ châu thổ sông Hồng - khu DTSQ liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á dựa trên cơ chế đồng quản lý - cho hay, thực hiện theo cách đồng quản lý này có thể nhìn rõ mối liên kết khai thác, phát huy di sản khá hợp lý, như ở châu thổ sông Hồng có nền văn hóa đa dạng với nhiều loại hình kết hợp múa rối, hát dân gian, ca trù, chầu văn…mặt khác có thể dựng nên các tour tuyến du lịch kiến trúc nhà thờ, du lịch chùa chiền, tâm linh kết hợp du lịch trải nghiệm thiên nhiên… Thấy tiềm năng, nhưng chưa làm được. Đến nay hoạt động khai thác vẫn tự phát, mạnh ai nấy làm.

Trong 8 khu DTSQ kể trên, dễ điểm mặt được hai cái tên là Cù Lao Chàm và quần đảo Cát Bà đang là điểm đến của đông đảo người dân và du khách. Trong đó, năm 2013 UNESCO đang xem xét hồ sơ đề xuất công nhận Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.

Ông Đoàn Văn Cẩn, Ban quản lý quần đảo Cát Bà cho hay, Chương trình Kinh tế chất lượng đã được triển khai tại Cát Bà từ năm 2006 như: phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm, triển khai mô hình nuôi trồng thủy hải sản an toàn gắn với du lịch…Với một số thành tựu cùng những hành động thực hiện trong tương lai, Cát Bà sẽ tạo dựng được “thương hiệu”, điểm đến hấp dẫn, an toàn của một khu du lịch di sản xanh của du khách trong và ngoài nước.

Để bảo tồn di sản xanh, di sản thiên nhiên hay di sản văn hóa nói chung ở Việt Nam, có lẽ, cần sự quan tâm và cách làm cụ thể hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG