Làm sao chứng minh thủy điện sai?

Làm sao chứng minh thủy điện sai?
TP - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu chủ đầu tư của thủy điện Đăkmi 4 là IDICO hỗ trợ cho một số hộ dân Phước Sơn có nhà bị sạt lở sau trận mưa lớn ngày 14 - 15/11, kèm xả lũ của Đăkmi 4.

> Dân chờ chính quyền vào cuộc
> Phải công khai quy trình vận hành hồ thủy điện

Lũ lụt vừa rồi nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở Quảng Nam. Ảnh: Hoài Văn
Lũ lụt vừa rồi nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở Quảng Nam. Ảnh: Hoài Văn.

Điều đáng nói, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận chưa chứng minh được thiệt hại là do thủy điện, nhưng đây là dịp để “thủy điện thể hiện sự thiện chí với người dân, cộng đồng”. Vấn đề là đã bao giờ thủy điện “bày tỏ thiện chí” chưa?

Trở tay không kịp

Từ năm 2009, khi thủy điện A Vương nhấn nút xả lũ, huyện Đại Lộc, Điện Bàn chìm trong biển nước, người dân đã nhận ra vấn đề. Sự việc nghiêm trọng đến mức, ngay sau đó Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công thương và UBND tỉnh Quảng Nam đã có một cuộc đối thoại vô cùng gay gắt với chủ đầu tư ngay tại nhà máy thủy điện A Vương.

Ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh lúc đó đã bức xúc kể tội, cho rằng thủy điện chính là thủ phạm gây nên trận lũ sau cơn bão Ketsana. “Mưa không bằng năm 2007, nhưng do thủy điện xả lũ, Đại Lộc chìm nhanh trong biển nước và bùn”.

Đại diện thủy điện ngay lúc đó, ráo hoảnh: “Chúng tôi xả đúng quy trình”. Ông Dương Chí Công, GĐ Sở TN&MT tỉnh lúc đó đã cảnh báo: “Nếu A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4 và Đăkmi 4 xả cùng lúc thì đó sẽ là thảm họa”.

Bên trong tổ điều hành đạp thủy điện A Vương. Ảnh: Nam Cường
Bên trong tổ điều hành đạp thủy điện A Vương. Ảnh: Nam Cường.

Bốn năm sau, câu chuyện xả lũ lại nóng với trận lũ vượt đỉnh vừa rồi, chỉ khác một điều, cảnh báo của ông Dương Chí Công đã trở thành hiện thực. Có chăng, người dân hạ du đã quá quen với lũ lụt, thiên tai nên… bớt phàn nàn hơn trước! Cụ Nguyễn Quang Chín (80 tuổi, ở xã Đại An, Đại Lộc), kể: Nước lên nhanh khủng khiếp, chỉ chưa đầy 1 buổi chiều, nước đã lên tới ngang cửa. Dân không kịp trở tay, chỉ lo thoát thân, bảo toàn tính mạng. Mới đây, khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về thăm và làm việc, ông Nguyễn Văn Trúc – Chủ tịch UBND huyện đã đề nghị Chính phủ phải yêu cầu các thủy điện có nghĩa vụ, chia sẻ lợi ích với vùng hạ du.

“Người dân đã hứng chịu quá đủ thủy điện xả lũ rồi, đề nghị Chính phủ không cho xây thêm nữa”. Lãnh đạo huyện cũng như nhiều người dân đều ca thán chuyện thủy điện xả lũ. Yêu cầu tăng thời gian cảnh báo lũ sớm hơn chứ 2 tiếng thì không kịp sơ tán.

Câu chuyện ở Đại Lộc cũng chính là nỗi khổ của hàng vạn dân vùng hạ du các thủy điện ở miền Trung vừa hứng chịu đợt lũ vừa rồi, từ Sông Tranh, Sông Vu Gia, Thu Bồn tới sông Ba (Phú Yên), sông Vệ
(Quảng Ngãi).

Mong chia sẻ là chính!

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc thừa nhận, chưa bao giờ các nhà máy thủy điện có động thái hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau bão lũ chứ đừng nói đến chuyện đền bù, bồi thường.

Ngoài ra, chưa bao giờ lãnh đạo huyện có công văn hay văn bản chính thức nào yêu cầu các thủy điện phải bồi thường hay có trách nhiệm với thiệt hại cả.

“Ai cũng biết là lũ lụt nặng thêm có phần trách nhiệm của thủy điện. Tuy nhiên, biết là một chuyện, chứng minh, phân định rõ phần nguyên nhân từ thủy điện thì ai làm cho? Không ai cả. Bởi thế, bảo họ đền bù hay khắc phục là rất khó”.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó GĐ Sở NN&PT NT Đà Nẵng đồng quan điểm, cho rằng cần phải có một cơ quan chuyên trách kiểm tra vấn đề xả lũ của thủy điện.

“Phải nói sòng phẳng là các thủy điện vừa rồi, đặc biệt Đăkmi 4 đều xả thấp hơn lượng nước thượng nguồn về hồ. Do mưa quá lớn, hồ đầy nên họ phải xả liên tục lưu lượng cao, điều này góp phần lũ hạ du lên nhanh. Tuy nhiên, họ xả như thế là đúng quy trình nên khó mà bắt bẻ được. Vấn đề là ngay khi có tin báo mưa của Đài Khí tượng thủy văn, các thủy điện có chủ động xả lũ cắt lũ trước hay không?”.

Ông Thắng cho rằng, khó có thể yêu cầu tỉnh Quảng Nam có một công văn “rát” hơn bởi lấy đâu ra chứng cớ thủy điện sai. Bởi vậy, tỉnh mới có động thái, chủ yếu mong chia sẻ là chính.

Vấn đề bây giờ là ai kiểm tra quy trình xả lũ của thủy điện. Nếu quy trình này đúng, tại sao năm nào người dân, lãnh đạo địa phương và các chuyên gia đều quy kết, thủ phạm khiến lũ kinh hoàng hơn là thủy điện?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc với UBND huyện Đại Lộc sau lũ mới đây, nhấn mạnh: thủy điện, hồ chứa xả lũ là chuyện bình thường, đầy thì phải xả. Nó chỉ không bình thường khi xả không đúng với quy trình. Nếu thủy điện xả sai quy trình là phải xử lý. Vấn đề là kiểm tra thủy điện xả có đúng quy trình hay không, coi quy trình đã hợp lý chưa để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG