Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật

Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật
TP - Sáng 28/11, bên hành lang Kỳ họp, Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trả lời báo chí về bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

> Nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng
> Không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự

Ông Uông Chu Lưu nói: Bản Hiến pháp (HP) sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng trên cơ sở phát huy dân chủ, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, đề cao quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời phân định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp so với hiện nay.

Điểm mới nhất của bản Hiến pháp lần này là gì, thưa ông?

Nếu trước đây chương V của HP năm 1992 quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì tại HP sửa đổi lần này đã đưa nội dung này lên sau chương chế độ chính trị, đặt ở chương II của bản dự thảo. Riêng bố cục cũng thể hiện tầm quan trọng, vị trí của quyền con người.

Tên chương trước đây là quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, còn bây giờ là quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, đúng như những công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên. Đây cũng là thành quả của hơn 30 năm đổi mới, của sự phát triển đất nước.

Như ông nói, điểm nhấn là chương về quyền con người trong HP sửa đổi. Vậy làm thế nào để những quy định tốt đẹp như vậy được thực thi triệt để trong cuộc sống?

Vấn đề đó đã được hiến định. Thực tế các quyền tự do, dân chủ, lập hội, biểu tình... không chỉ được quy định trong các bản HP lần này mà cả trong những bản HP trước. Tới đây, để triển khai những quyền đó, chúng ta phải ban hành luật để quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục cụ thể.

Yêu cầu về đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn hiện nay rất cấp bách. Bản HP lần này đã có sự đột phá gì?

Tại điều 51 của HP khẳng định mục tiêu, mô hình kinh tế của Nhà nước chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và các thành phần kinh tế được cạnh tranh bình đẳng, được đối xử bình đẳng trước pháp luật.

Các thành phần kinh tế trong đó kinh tế nhà nước, kinh tế đầu tư nước ngoài... đều được Nhà nước bảo hộ và Nhà nước không quốc hữu hóa tài sản hợp pháp của nhà đầu tư, của các nhà sản xuất, của các nhà kinh doanh. Đây là một thông điệp rất quan trọng khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, của các chủ thể, kể cả cá nhân, đều được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm. Đây là quyền thiêng liêng của họ.

Là một thành viên của Ủy ban sửa đổi HP ông còn băn khoăn, tiếc nuối điều gì khi chưa đưa vào bản dự thảo sửa đổi HP - chẳng hạn Chương Hội đồng Hiến pháp đã đưa vào rồi lại đưa ra?

Chúng ta đang triển khai một chủ trương, một chính sách rất lớn đó là kiểm soát quyền lực. Điều 2 nói rằng quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Vậy thì, cơ chế kiểm soát quyền lực dù không đưa Hội đồng HP vào ngay nhưng trong các chương, điều khác của HP cũng đã thể hiện trên tinh thần nguyên tắc đó.

Ví dụ như quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về cơ quan xét xử là tòa án. Trong các chương đó đã quy định, phân định rõ hơn chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mỗi cơ quan và chính sự phân công đó là để tạo điều kiện cho việc kiểm soát quyền lực.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo:

Hiến pháp có nhiều nội dung mới

“Là một trong những người trực tiếp giúp Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và từng đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy nội dung, cũng như mặt hình thức của Dự thảo đã được chỉnh sửa nghiêm túc. Đây là một bản Hiến pháp mới, trong đó phần nội hàm mang nhiều vấn đề mới. Điều đó đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của việc sửa đổi, do đó chắc chắn sẽ quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Trong đó có quyền con người, đây là quyền quan trọng nhất, khi đã được phát huy sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

H.P
ghi

Hồng Phúc
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.