Biệt tài của người đàn ông mù

Biệt tài của người đàn ông mù
Ông Vũ Xuân Thanh khiếm thị nhưng thành thạo các việc nấu cơm, chẻ củi, băm rau lợn, bán quán... Dân làng gọi ông là "Thanh cò có mắt thứ ba".

> Từ thôn nữ xinh đẹp thành nữ tướng cướp khét tiếng
> 'Thần y' sống ẩn dật chốn rừng thiêng

Quán tạp hóa nhỏ ở xã Tân Hưng (Lạng Giang, Bắc Giang) là nơi mưu sinh của ông Thanh hàng chục năm nay. Nhờ công việc nấu rượu, bán chè thuốc, ông Thanh nuôi được vợ và hai con học hành tử tế.

Nghe tiếng xe máy quen lúc đang ăn trưa, ông Thanh bỏ đũa đón khách hàng ngày nào cũng đi cào hến qua đây. Ông lấy cái phích xuống bếp rót nước, làm mì tôm cho khách. Lúc khách ăn xong, ông dọn đồ, bày chè thuốc ra mời. Nhìn dáng đi nhanh nhẹn của chủ quán, không ai nghĩ ông Thanh bị mù từ khi mới sinh ra.

Mất đôi mắt nhưng từ nhỏ ông Thanh đã làm tất cả mọi việc. Ảnh: Phan Dương
Mất đôi mắt nhưng từ nhỏ ông Thanh đã làm tất cả mọi việc. Ảnh: Phan Dương.

Chào đời trong một gia đình đông anh em, lại bị khiếm thị từ nhỏ nhưng không vì thế cậu bé Thanh dựa dẫm mọi người. Từ năm lên 6-7, Thanh đã học cách trông em, quét nhà và nấu cơm.

Dù chỉ bé bằng một nửa các bạn, đôi mắt mù lòa nhưng cậu đã trở thành tấm gương sáng làng trên xóm dưới lấy ra để dạy dỗ con cái. Mới 8 tuổi Thanh có thể chăn trâu, bắt cua, bắt cá. Cậu đứng sát bờ ruộng, chỉ cần trâu ăn lúa thì tiếng động phát ra sẽ mạnh hơn nên biết để kéo trâu ra.

Mùa đông, cánh đồng làng chỉ còn trơ gốc rạ xơ xác, bắt buộc phải thả thì trâu mới nhanh no. Cậu bé Thanh đã dỗ dành đám trẻ trong làng: "Trông trâu cho anh, anh mới hát cho chúng mày nghe". Và trong tiết trời lạnh giá của mùa đông, đâu đó trên những cánh đồng một đám trẻ chăn trâu quây quanh đống lửa, háo hức chờ nghe tiếng hát của người bạn mù.

Những buổi trưa hè, Thanh lại đi bắt cua, bắt cá cho gia đình. Một tay bám bờ, một tay cậu mon men bờ ruộng, gặp lỗ nào là móc lỗ đó. Bao giờ giỏ của Thanh cũng đầy trước các bạn. Ở dưới ruộng sâu, đôi tai cậu phát huy hết cỡ để phân biệt đâu là cá to, cá bé, hướng chạy. Lúc xác định được, Thanh quây bùn để cá lọt về gần ống chân mình cho dễ bắt.

Thanh cũng đi học chữ nổi và chẳng chịu thua kém các bạn đồng trang lứa. Đến một ngày cậu nhận ra không thể cả đời phụ thuộc người thân. Thanh đã lang thang khắp các bến xe, bến tàu, những nơi đông đúc để giao lưu với người đồng cảnh ngộ, cất tiếng hát kiếm tiền.

Cuộc sống lang thang nay đây mai đó, một số người định lừa ông Thanh vì thấy ông bị mù. Có lần người bạn ngủ gần định đánh tráo tiền của ông. "Lần đó, tôi có 13 tờ, tổng cộng 90 đồng. Người bạn đổi tiền to bằng đồng nhỏ, vẫn đủ 13 tờ nhưng toàn tờ 2 hào, nhưng tôi phát hiện. Chỉ cần sờ vào tờ tiền, tôi biết chính xác các mệnh giá dựa vào độ dày mỏng, dài rộng", ông kể.

Ông Thanh lôi tập tiền được xếp ngay ngắn trong ví ra rồi phẩy nhẹ. Ông bật mí, những người mù tinh ý sẽ phát hiện ra đâu là tiền thật, tiền nhẹ bằng động tác này. Đồng tiền giả khi phe phẩy phát ra tiếng kêu sột soạt, còn tiền thật có âm thanh nhẹ hơn và không có tiếng sột soạt.

Tuy bị mù bẩm sinh nhưng ông Thanh vẫn tự sinh hoạt được như người bình thường. Ông là người kiếm tiền chính trong gia đình. Ảnh: Phan Dương
Tuy bị mù bẩm sinh nhưng ông Thanh vẫn tự sinh hoạt được như người bình thường. Ông là người kiếm tiền chính trong gia đình. Ảnh: Phan Dương.

Có lần vợ con đi vắng, một mình ông Thanh ở nhà bán lợn. Người mua lợi dụng chuyện ông mù đã đọc hụt số cân, nhưng bị ông phát hiện. "Hàng ngày, tôi nấu cám, băm rau cho lợn. Tự tay tôi cho nó ăn. Cứ vài tuần tôi lại lấy tay đo nó, không lẽ gì bị người khác qua mặt được", ông giải thích.

Trong việc bán hàng, ông cân đo đong đếm chẳng bao giờ nhầm một lạng. Rót rượu, rót nước mời khách cũng thế, chỉ cần nghe tiếng nước chảy là ông đã biết được đầy vơi.

Ông Thanh cưới bà Trương Thị Đồng đã 24 năm. Trước đó, ông Thanh đã có một đời vợ nhưng bố bà Đồng vẫn khuyên con gái lấy ông. "Bố tôi bảo, tuy nó mắt kém nhưng nhìn phúc hậu, lấy nó sẽ không phải khổ", bà cho biết.

Suốt bao năm qua, ông Thanh luôn là trụ cột chính của gia đình. Hiện các con của ông bà đã lớn. Con đầu đã lập gia đình, còn con gái út đang học đại học ở Hải Dương.

Không chỉ tự vươn lên, người đàn ông 53 tuổi này còn giúp đỡ những hội viên trong hội người mù của huyện. Ông dạy chữ nổi, làm tăm, làm chổi, đan lát, làm việc nhà.

Ông Mỵ, người hàng xóm, nhiều lần khuyên ông Thanh bỏ bớt việc cho vợ con làm nhưng ông không nghe. "Tôi biết ông ấy có thể làm mọi việc, chỉ là nhanh hay chậm thôi. Nhưng một số việc ông ấy không nên làm như sửa điện, băm chặt. Có hôm tôi sang nhà đúng lúc ông ấy sửa đường dây điện mà sợ. Thế mà ông ấy bảo hiểu nguyên lý của điện thì có gì mà sợ", ông Mỵ kể.

Theo Phan Dương
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG