Trùng tu, tôn tạo lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh: Gia tộc phản ứng

Trùng tu, tôn tạo lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh: Gia tộc phản ứng
TP - Không được tham khảo ý kiến về dự án, thậm chí không được mời dự lễ khởi công trùng tu, tôn tạo lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VHTTDL) Quảng Bình làm chủ đầu tư, khiến gia tộc của “người mở cõi phương Nam” phản ứng.

> Tiền tỷ tậu đất hậu sự
> Đại gia Việt chi triệu đô mua quan tài, xây lăng mộ

Chủ đầu tư không tham khảo gia tộc Nguyễn Hữu

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 -1700), làng Đại Phúc, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, là người có công giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam. Mới 20 tuổi, ông được chúa Nguyễn phong chức Cai cơ (một chức quan võ bậc cao) và được phong đến phẩm hàm Lễ Thành Hầu khai quốc công thần tráng võ tướng quân Vĩnh An hầu. Ông qua đời lúc 51 tuổi, do dịch tả tại Mỹ Tho. Vì thương tiếc ông mà Chúa Nguyễn Phúc Chu đã nhịn ăn và không thiết triều 3 ngày.

Đúng 102 năm sau ngày ông mất, người cháu đích tôn của ông, cũng là một tướng võ đã đưa thi hài ông về quê, táng ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Do chiến tranh loạn lạc, mộ phần của ông bị thất lạc. Mãi đến năm 1995, gia tộc và chính quyền Quảng Bình đã tìm thấy và khu lăng mộ của Lễ Thành Hầu được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cả mộ phần và nhà thờ của ông ở quê được Nhà nước đầu tư, tôn tạo khang trang để phục vụ du khách hành hương lễ bái và thờ cúng.

Năm 2012, Sở VHTTDL Quảng Bình lập dự án trùng tu, tôn tạo khu lăng mộ và nhà thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với số vốn hơn 100 tỷ đồng từ trung ương. Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên khu lăng mộ được khởi công xây dựng trước. Tuy nhiên, dự án này đã không được phía chủ đầu tư tham khảo ý kiến của gia tộc Nguyễn Hữu.

Ông Tiến cho rằng, việc đè lên phần mộ của Lễ Thành Hầu một khối đá nặng hàng tấn là không phù hợp với mỹ quan và tâm linh
Ông Tiến cho rằng, việc đè lên phần mộ của Lễ Thành Hầu một khối đá nặng hàng tấn là không phù hợp với mỹ quan và tâm linh.

Ông Nguyễn Hữu Tiến (60 tuổi, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh), hậu duệ trực hệ đời thứ 10, đồng thời là người chăm sóc nhà thờ và khu lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: Việc trùng tu tôn tạo khu lăng mộ, phía dòng tộc không hề hay biết, thậm chí lễ khởi công cũng không được mời.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Hữu Tiến cho biết: Nhà thờ của Lễ Thành Hầu ở quê đã bị xuống cấp trầm trọng, mái ngói bị hỏng, không ngăn được nắng mưa. Ông đã có tờ trình lên huyện, lên tỉnh, tuy nhiên được trả lời là không có vốn, nên gia đình tự khắc phục. Bí quá, ông Tiến đành mang những đồ thờ bằng gỗ và sắc phong của Lễ Thành Hầu về để trong nhà mình để tránh hư hỏng.

Khi hay tin, ông chạy lên thì khu lăng mộ của Lễ Thành Hầu đã bị đơn vị thi công phá bỏ hoàn toàn không còn lại dấu tích gì, thay vào đó là một “rừng đá”, từ hàng rào, nền, lăng mộ... toàn đá xanh. Điều khiến gia tộc Nguyễn Hữu bức xúc nhất là địa thế phong thủy của khu lăng mộ đã bị làm biến dạng hoàn toàn. Con khe nhỏ (tiểu khê) chảy qua trước phần mộ bị lấp đi để tạo nên một hồ nước đọng bằng bê tông có cầu bắc qua. Đặc biệt, phần mộ của Lễ Thành Hầu đã bị dự án dùng một khối đá xanh Thanh Hóa nặng hàng tấn trùm lên, bịt kín.

“Vẫn biết, mồ mả của Đức Ông (Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh) là di tích quốc gia mà không còn riêng gì của gia tộc chúng tôi, nhưng làm gì thì cũng nên tôn trọng lịch sử. Xét về mặt mỹ quan, việc phá bỏ hoàn toàn mô hình cũ để thay vào đó kết cấu toàn bê tông và đá khiến khu lăng mộ nặng nề, lạnh lẽo. Còn về mặt tâm linh, việc lấp đi tiểu khê, đè lên người cụ tảng đá nặng hàng tấn là không ổn chút nào” - ông Tiến nói.

Sẽ báo cáo lên cấp trên

Ông Tiến cho biết thêm, rất nhiều nhà phong thủy, sử học đến viếng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trước đó đều khẳng định, đây là ngôi mộ “kết” nên rất tốt cho dòng tộc. Ngay cả Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà văn Sơn Nam cũng khẳng định điều đó.

Mọi người cho rằng, nếu có trùng tu tôn tạo khu lăng mộ cần tôn trọng những gì đã có. Riêng phần ngôi mộ nên làm hình bán nguyệt, xung quanh viền đá xanh chạm khắc theo nghệ thuật triều Nguyễn, trên nấm nên lát sỏi hoặc trồng cỏ để anh linh của cụ được thông thiên.

Được biết ngay cả chính quyền huyện Quảng Ninh và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa của Quảng Bình cũng không đồng tình với cách trùng tu, tôn tạo khu mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Còn ông Lương Văn Luyến, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Bình cho rằng: Nếu gia đình phản ứng thì nên có văn bản, sở sẽ có trách nhiệm báo cáo lên Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Bình xin ý kiến, nếu các cơ quan này không đồng ý thay đổi thì cũng đành chịu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG