Khoảng trống trách nhiệm

Khoảng trống trách nhiệm
Tp - Vụ việc 6 người chết do uống rượu được sản xuất hàng loạt có nhãn mác đàng hoàng đang gây rúng động dư luận. Giám đốc Công ty sản xuất “rượu nếp 29 Hà Nội” đã bị bắt khẩn cấp để điều tra làm rõ. Hàng chục ngàn chai rượu chứa độc tố methanol cao gấp 3000 lần mức cho phép đã bị thu hồi trên thị trường.

> Kiểm tra mà không phát hiện 'rượu độc' gây chết người
> Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ ngộ độc rượu
> Cục Quản lý thị trường cảnh bảo về 'rượu độc'

Thông tin khai nhận ban đầu cho hay, công ty này đã pha “nhầm” cồn công nghiệp - thứ hay dùng để đánh vécni – với nước để chế ra rượu độc chết người nói trên.

Như vậy, nguyên nhân và hậu quả đã khá rõ ràng: 6 người chết; 10.000 lít rượu độc bị thu hồi; bắt giam Giám đốc và 2 cán bộ phụ trách kỹ thuật. Duy chỉ có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là chưa rõ ràng.

Lạ là, một công ty sản xuất đồ uống mà trong 5 năm (2008-2013) kiểm tra 5 lần thì 4 lần vi phạm, khi thì không có giấy phép sản xuất rượu hoặc rượu kém chất lượng, lúc lại vi phạm VSATTP hoặc nhãn mác. Ấy vậy mà vẫn ngang nhiên tồn tại để sản xuất cả chục ngàn lít rượu độc tung ra thị trường. Đáng chú ý, công ty này còn có sẵn giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP vô thời hạn (từ tháng 5/2009) trước cả giấy phép sản xuất rượu (từ 1/2010) tới hơn nửa năm trời.

Theo Luật VSATTP, trong trường hợp này trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về hai ngành là Công Thương và Y tế. Tuy nhiên cả đại diện hai sở Công Thương và Y tế Hà Nội đều chưa thấy bên nào tuyên bố nhận trách nhiệm, chủ yếu là do “công việc nhiều mà người lại ít”.

Trong khi Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Quang Trung lại lý giải đại ý rằng, cơ quan quản lý nhà nước không thể suốt ngày kiểm tra từng mẻ rượu, và trách nhiệm này phải thuộc về chính công ty sản xuất rượu. Còn nhiều bạn đọc thì cho rằng nếu ở các nước khác, ắt có vị sẽ phải từ chức.

Xin nhắc lại, 6 mạng người và cả chục ngàn lít rượu độc đã được phân phối trên thị trường, trách nhiệm quản lý thuộc về ai? Tin chắc rằng vụ việc sẽ được chỉ đạo xử lý để làm rõ trách nhiệm, tránh những cái chết oan uổng khác cho người tiêu dùng. Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: “Nghe báo đài đưa tin cơ sở mang tên Hà Nội bán rượu gây ngộ độc chết người, chúng tôi cảm thấy thực sự có lỗi. Tôi đã có ý kiến chỉ đạo để xử lý việc này nghiêm nhất”.

Nhớ lại vụ phi tang xác bệnh nhân tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, cả hai vụ đều có một đặc điểm chung là: Các cơ quan chức năng đều bị “qua mắt” hết sức dễ dàng, đều chỉ thực sự phát hiện sai phạm khi chuyện đã rồi. Thẩm Mỹ viện Cát Tường chưa có giấy phép hành nghề vẫn treo biển hiệu to tướng, hoạt động ngang nhiên; Công ty Rượu 29 Hà Nội khai không sản xuất rượu nhưng vẫn chế cả chục ngàn lít rượu độc.

Dường như vẫn còn khoảng trống trách nhiệm ở chỗ này ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG