Chiều linh Thạt Luổng

Chiều linh Thạt Luổng
TP - Tôi được tận thấy tại ngôi chùa cổ kính linh thiêng Thạt Luổng ở thủ đô Viêng Chăn - được coi là thủ đô Phật giáo của nước Lào một sự kiện trọng đại. Đó là Đại Lễ cầu siêu và tưởng niệm 49 nạn nhân thiệt mạng do tai nạn máy bay tại Pakse ngày 16/10/2013.

> Lào công bố mức bồi thường cho nạn nhân rơi máy bay
> Thấy 26 thi thể trong vụ rơi máy bay Lào

Đại Đức Phong Samaleuk (bìa trái)
Đại Đức Phong Samaleuk (bìa trái).

Đầu tư... tâm linh

Tôi giơ máy để ghi lại tấm hình số lượng giày dép bày tại cửa ra vào tạm gọi là chùa phụ That Luổng được xây cất sau này trước mặt tiền chùa chính That Luổng giành cho việc Phật sự lẫn cúng tế. Phía trong chùa đã hiện diện từ 3 giờ chiều, ngần ấy giầy dép thì phía trong cũng ngần đó các Phật tử tín đồ về dự Đại Lễ cầu siêu.

Chiều linh Thạt Luổng ảnh 2
Đại Đức Phong Samaleuk
Đại Đức Phong Samaleuk.
 

Non ngàn đôi giầy dép như thế. Non ngàn Phật tử tín đồ cùng, đại biểu quan khách của Chính phủ, nhà nước Lào, của thủ đô Viêng Chăn, những ban ngành đoàn thể và Trung ương Liên minh Phật giáo Lào. Nghe nói lễ cầu siêu này có ông Bunnhang Volachit, Ủy viên Bộ Chính trị Phó Chủ tịch nước Lào cùng Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Lào và Bộ trưởng Bộ GTVT đến dự...

Chợt nhớ đến Lễ Cầu siêu cho những người tử nạn giao thông ở chùa Phật Tích Tiên Du Bắc Ninh dạo tháng 9 vừa rồi có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự. Buổi cầu siêu trọng thể ấy, nói là kết hợp với Ủy ban an toàn GT Quốc gia và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam nhưng hầu như một tay BIDV lo cả từ khâu tổ chức đến tài trợ. BIDV, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam mà cụ thể là ông Trần Bắc Hà là người khá sốt mến với việc hương khói tâm linh. Nghe nói ông từng cất công việc cung nghinh xá lợi về cho cơ quan BIDV! Lo việc cho cơ quan nhưng ông không quên việc nước.

BIDV và cá nhân ông Hà đã cúng tiến đồ thờ cùng thư viện cho Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Na Khon Thái Lan. Số tiền từ thiện an sinh xã hội mà BIDV chi dùng ở Lào đến nay đã hơn 1 triệu USD. BIDV là đơn vị từng đầu tư từ năm 1999 sang Lào, ông Trần Bắc Hà cũng là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào.

Đại Đức Phong Samaleuk làm lễ cầu siêu
Đại Đức Phong Samaleuk làm lễ cầu siêu.
 

Ngay khi tai nạn máy bay ở Pakse xảy ra, ông Hà đã chỉ đạo ngay cho Công ty bảo hiểm Lào Việt - LaoViet Isurance (LVI) khẩn trương phối hợp với Hãng hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines) và các bên liên quan thực hiện các việc cứu nạn, tìm hiểu nguyên nhân vụ nạn, giám định, đánh giá tổn thất. Trong thời gian giám định, BIDV cũng đã cử người thăm hỏi và chia buồn, trao quà ủng hộ các gia đình trong phi hành đoàn thiệt mạng.

Chỉ trong 2 tháng, các thủ tục liên quan đến việc bồi thường tổn thất cho Lao Airlines và gia đình các nạn nhân đã cơ bản hoàn tất. Chính ông Trần Bắc Hà đã đề xuất việc tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau của thân nhân các nạn nhân bị thiệt mạng. Và luôn thể làm cái việc công bố trao bồi thường.

Theo đó tại buổi lễ, LVI trao số tiền trị giá 22 triệu USD bồi thường thiệt hại phần thân máy bay cho Lao Airlines và sẵn sàng chi trả bồi thường cho thân nhân các gia đình hành khách bị nạn theo Luật pháp nhà nước Lào. Đề xuất đó của ông Trần Bắc Hà đã được Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm ở Lào đồng ý và hoan nghênh.

Cẩn thận hơn, trước buổi lễ, ông Hà và một số anh em đại diện cho Ngân hàng Lào Việt cùng LVI đã tới dâng hương tại chùa Phật Tích, một ngôi chùa Việt Nam ở Viêng Chăn và thắp hương tại nơi tưởng niệm Bác Hồ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào (nơi thờ tự này cũng do BIDV đầu tư) để kính cáo việc thiện của mình.

Ấn tượng Đại pháp chủ

Trong lòng ngôi chùa rộng thênh nơi các tín đồ ngồi ken chật hướng về phía đàn chính. Trong số tín đồ có đại diện gia đình những người bị nạn thuộc các quốc gia Lào, Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Pháp do Công ty bảo hiểm Lào Việt mời đến dự lễ.

Chiều linh Thạt Luổng ảnh 5
Các Phật tử tụ hội trước Lễ cầu siêu
Các Phật tử tụ hội trước Lễ cầu siêu.

Phía đàn lễ đối diện, trên đó 50 vị sư nghiêm ngắn trong thế tọa sen tay chắp trước ngực. Hòa thượng Thích Minh Quang trụ trì chùa Phật Tích ở Viêng Chăn cũng có mặt tham gia hành lễ. Một sợi dây màu trắng, vàng được rải tới từng vị trí của mỗi vị sư. Họ giữ sợi dây trong thế tọa sen trong lúc hành lễ cầu siêu. Nghe nói với động thái này vong linh các nạn nhân sớm được siêu đăng Phật quốc.

Tất thảy sự sẵn sàng trang nghiêm ấy còn phải đợi một nhân vật quan trọng nữa thì mới bắt đầu. Đó là Đại hòa thượng pháp chủ, ngài Phong Samaleuk.

Rồi ngài cũng xuất hiện. Một chiếc xe màu trắng từ từ tiến vào sân chùa. Hơn một chục vị sư áo vàng đã chờ sẵn đỡ lấy một vị sư vóc hạc mình ve. Tôi suýt bật lên tiếng thốt ngạc nhiên bởi lâu lắm rồi mới được diện kiến một nhà tu hành có vóc dáng không thể gầy hơn như tạng dạng các vị La hán chùa Tây Phương như thế... Thần thái ngài hết thảy toát lên từ đôi mắt to với nhỡn lực khá mạnh. Bộ y phục tu hành xứ Triệu Voi chắc khó có thể có công năng làm ấm thân thể lại lộ ra hai cánh tay khẳng khiu màu mốc. Vị đại đức khoan thai gạt nhẹ tay các tùy tòng, ý ngài từ chối động thái dìu đi rồi nhẹ nhàng cầm lấy cái ba toong rạp người xuống thư thả bước.

Đại pháp chủ Phong Samaleuk còn có tên khác, Piyadhiro. Đây là cả một câu chuyện dài mà phạm vi bài báo này không ôm được. Hình như chưa bao giờ tôi được chứng kiến một người cao tuổi (năm nay ngài bằng tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 103 tuổi) mà còn chống được gậy với động thái lúc thư thả, khi phăm phăm bước như thế? Ngài đi tu từ năm 15 tuổi. Địa bàn Đông Dương đối với ngài không lạ vì đã đặt chân khắp. Một dịp khác sẽ hầu bạn đọc 4 lần các cuộc gặp gỡ giữa vị Đại đức này với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi đàn lê
Nơi đàn lễ.

Tuổi tác ấy, sức vóc ấy thế mà ngài đâu có loanh quanh ở Viêng Chăn làm Phật sự? Với cương vị là chủ tịch Hội Phật giáo Lào, ngày 28/9/2013 ngài sang tận Srilanka ngồi với các vị tăng thống, tăng trưởng chủ tịch Hội Phật giáo đến từ 60 quốc gia trong buổi khai mạc Lễ hội Phật giáo Châu Á. Tổng thống Srilanka xúc động cung kính đỡ vị đại đức pháp chủ Lào, người cao tuổi nhất trong số nhà tu hành đến vương quốc Srilanka mời ngài an tọa. Rồi trước đó ngài (không rõ đi bằng phương tiện gì? Chắc là máy bay) ngày 5/9/2013 ngài đã đến TP. Hồ Chí Minh, thân tới nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình cùng với Hội đồng điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam dự Lễ tốt nghiệp chương trình cử nhân Phật học cho tăng ni khóa VIII ( 2009- 2013). Nội chi tiết ấy, chứng tỏ ngài lâu nay có mối thâm giao với các đạo hữu xứ Việt như thế nào!

Tấm lưng vốn còng của vị Đại pháp chủ trăm lẻ ba niên chừng như có rạp có thấp hơn khi đến bên các nhà sư đã chỉnh chiện đợi ngài từ trước. Âm thanh một câu kinh chúc lành râm ran thoảng nhẹ khắp đội hình sư.

Chùa Thạt Luổng
Chùa Thạt Luổng .
 

Tất thảy 49 ngọn nến dưới các di ảnh nạn nhân phía sau các nhà sư không ai tới châm đốt gì cả nhưng bất ngờ bùng lóe cháy. Ban nãy một vị trong ban Lễ có ngỏ với tôi, trên đàn Lễ kia 49 vị hòa thượng làm cái việc tiếp dẫn vong linh của 49 nạn nhân trong lễ cầu siêu. Nhưng phải dự phòng một vị nhỡ ra có chuyện gì nên chẵn 50 là thế?

Âm thanh kinh kệ theo các thủ tục cầu siêu lần lượt vang lên. Hệ thống loa dẫn ra ngoài nên khắp sân chùa một không khí đượm vẻ nghiêm trang. Để ý mấy vị người Âu là người nhà nạn nhân hoặc luật sư, người thì chắp tay thành kính như các Phật tử tín đồ khác, người thì chắp tay cung kính trước ngực. Thoáng vẻ mặt trầm mặc của hai luật sư Peter Boys và David Johston ở Công ty Luật Kennedys ở Singapore. Ban nãy trước buổi lễ, tôi có ngồi với họ một lát. Được biết thêm sau cú tai nạn máy bay ART- 72 ở Pakse, như một thứ thử thách lẫn liều thuốc thử, nghiệp vụ của cán bộ trong Công ty bảo hiểm Lào Việt (LVI) được nâng lên rõ rệt. Tôi có cảm giác hai ông LS này không khen nhân viên LVI cái tình mà khen họ cái... lý! Lý ấy là họ đã chịu được sức ép và kiểm chứng của những khe khắt nghiêm cẩn theo thông lệ quốc tế trong nghiệp vụ bảo hiểm.

Bé mọn cùng That Luổng

Đợi hoàn tất các thủ tục cầu siêu phức tạp, tôi lánh ra khoảng sân chùa mênh mang tha thẩn ngó tấm hình Thạt Luổng cổ kính rêu phong chụp những năm tít xa đầu thế kỷ XX. Rồi chiếu cái nhìn so sánh về phía chùa đang nhô lên ngọn tháp vàng hình nậm rượu phía trước sừng sững bức tượng của vị vua anh minh Xêtthathilat. Tổ tiên ngài Xêtthathilat đã từng lập nên vương quốc Lanxang (Triệu Voi) cái thời mà rừng Lào bạt ngàn voi (Ngẫm nghĩ voi đi/ Thác Khôn cười trắng xóa - Thơ Nguyên Hồng.

Chùa Thạt Luổng năm 1889
Chùa Thạt Luổng năm 1889.

Ông vua trẻ Xêtthathilat đã thực hiện nhanh chóng dự định táo bạo dời đô từ Luông Phabang về Viêng Chăn. Việc đầu tiên, nhưng cũng phải ba năm sau 1566, ông vua này mới bắt tay vào việc xây cất quy mô hoành tráng ngôi chùa thiêng That Luổng từ một ngôi chùa bé nhỏ có tên là That Luổng đổ nát xây từ lẩu lâu ngót ngàn năm trước. Không biết bao nhiêu năm thì hoàn thành nhưng chùa mới That Luổng dường như trả lại đúng cái tên theo nghĩa đen của nó. Thạt là chùa. Luổng là lớn.

Một góc chùa Thạt Luổng
Một góc chùa Thạt Luổng.
 

Đồng bạc dưới thời Liên bang Đông Dương của Lào có in hình chùa Thạp Luổng. Sang thời chế độ mới bây giờ, đồng kip của Lào vẫn hình That Luổng linh thiêng.

Chưa có một ngôi chùa nào khuôn viên mênh mông như thế đến mức phải dùng xe hơi chạy vòng quanh cả, Thạt Luổng bao đời vẫn là nơi xôm tụ cho tín độ Phật tử lẫn du khách về chiêm bái. Tương truyền ngọn tháp cao nhất của Thạt Luổng đang lưu cất một cái... đầu gối và một lọn tóc lúc sinh thời của Đức Ca Mâu Ni. Thạt Luổng linh thiêng vì có một phần thân thể Phật gửi gắm. Phải vậy không mà người ta đã chọn ngôi chùa linh này làm phương tiện để chuyển tải thông điệp đến anh linh những người đã khuất để họ lắng nghe và thấu tỏ tấm lòng của người sống?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).