Người phụ nữ bỏ phố vào rừng xây cô nhi viện

Người phụ nữ bỏ phố vào rừng xây cô nhi viện
TP - Ba cô gái Việt Nam và một người phụ nữ dòng dõi Hoàng gia Thái Lan đã xây nên một mái ấm giữa rừng hoang vu, để rồi nơi ấy giờ đây trở thành gia đình của 135 đứa trẻ mồ côi.

Tôi đến thăm gia đình đó và ngỡ ngàng...

Người phụ nữ bỏ phố vào rừng xây cô nhi viện ảnh 1
Xơ Nguyễn Thị Toàn (người đeo kính) cùng các bạn sinh viên dạy học cho trẻ mồ côi

Đốn củi, đào củ mài đi bán và ... đón 16 đứa trẻ về nuôi

Cô nhi viện Thiên Bình ở xã Tam Phước (Long Thành, Đồng Nai) hiện ra trước mắt tôi với những ngôi nhà nhỏ nằm dưới vườn cây xanh mướt. Một làn khói bếp bay lên trong nắng.

Tất cả gợi lên cảm giác yên ấm. Chẳng mấy ai biết ở đây trước kia là rừng rậm, đầy muỗi vắt, thú dữ và trộm cướp. Vậy mà một ngày của năm Mậu Thân 1968, có người phụ nữ trẻ đã từ bỏ phố phường náo nhiệt đến khu rừng rậm này, với một ý tưởng lãng mạn đến viển vông:

Khai phá rừng rậm, xây cô nhi viện, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Ý tưởng ấy được hai người phụ nữ nữa chia sẻ, họ cùng nhau bắt tay vào dựng một mái ấm giữa hoang vu núi rừng.

Xơ Nguyễn Thị Toàn – người phụ nữ bỏ phố vào rừng ngày nào - giờ đã bước sang tuổi “cổ lai hy” - nhớ lại thuở ấy: “Chúng tôi nhận 10 mẫu rừng chồi.

Rừng chồi rậm quá đầu người, nên mấy chị em đi làm phải cầm sợi dây có mấy dải lất phất trên đầu để nhìn thấy nhau. Chặt cây làm nhà lá, đi đào củ măng, củ mài bán lấy tiền mua gạo, chúng tôi đã “liều” đón 16 đứa trẻ mồ côi về nuôi”.

Rừng núi bớt hoang vu hơn bởi có tiếng trẻ nhỏ. Em lớn nhất học lớp 9, em bé nhất còn nằm trong nôi. Nhiều em đã có thể đi làm rẫy, kiếm củi. Đêm về, bên ngọn đèn dầu leo lét, xơ Toàn dạy cho các em từ những chữ cái a,b,c đầu tiên.

Nhưng để 16 trẻ mồ côi không phải đứt bữa, các xơ đã gần như vắt kiệt sức mình. Cuối cùng, một khoảnh ruộng xanh ngắt lúa đã hiện như có phép lạ giữa rừng chồi. Mấy tháng sau, ngôi nhà lá đã thơm mùi cơm mới.

Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng đã cho máy cày vào khai phá, ủi đất giúp các xơ hình thành những mảnh vườn tươi tốt. Cũng vào năm đó, cô nhi viện đón thêm một người phụ nữ thuộc dòng dõi Hoàng gia Thái Lan.

Nói giọng miền Nam đặc sệt, mang một cái tên rất miền Nam – nếu không được giới thiệu trước, tôi không thể biết xơ Bảy là người Thái Lan. Trong câu chuyện xơ Bảy chẳng muốn nhắc nhiều đến dòng dõi Hoàng gia của mình.

Xơ kể: “Bà ngoại tôi người Việt Nam. Năm 1962, tôi qua Việt Nam học tiếng Pháp. Và cô Toàn chính là cô giáo tiếng Pháp của tôi. Sau khi cô Toàn vào cô nhi viện Thiên Bình, tôi đang tu ở Sóc Trăng.

Khi đến Thiên Bình thăm xơ, tôi thực sự cảm động. Tôi quyết định xin ở lại cô nhi viện để cùng các xơ nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Nhưng ngày đầu buồn lắm, xung quanh chỉ có rừng, suốt ngày vượn hót chim kêu, nhưng sau quen dần...”.

Trước mắt tôi, khu vườn của cô nhi viện bày ra những loại cây xanh tốt, lạ mắt. Ổi, lê, táo... tất cả đều thuộc giống không có hạt mà xơ Bảy kỳ công  mang từ đất Thái Lan sang. Các giống cây này được chăm sóc bằng công nghệ hiện đại như ở Israel.

Dưới mỗi gốc cây đều có máy tưới tự động phun nước mỗi ngày.  Các loại quả này giờ đây đã được thương lái về mua tận gốc và bán ở thành phố Hồ Chí Minh như một mặt hàng cao cấp.

Quả ngon, bán chạy đến mức người ta liên tục đến cô nhi viện xin mua giống cây về trồng. Xơ Bảy lại cùng các em mồ côi ươm giống cây để bán.

Xơ Bảy ví mình như một cái cây bám rễ sâu vào mảnh đất cô nhi viện Thiên Bình. Và “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Người phụ nữ dòng dõi  Hoàng gia Thái Lan này không nghĩ tới ngày về, bởi với xơ, đến cô nhi viện Thiên Bình cũng là một sự trở về.

Hơn 30 năm đã trôi qua, 16 đứa trẻ mồ côi ngày nào giờ cũng đã khôn lớn, trưởng thành. Người lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, người đang mưu sinh ở mãi trời Tây, kẻ tình nguyện ở lại Thiên Bình.

Giờ đây cô nhi viện đang nuôi dưỡng 135 trẻ mồ côi và 20 cụ già không nơi nương tựa. Con số đó luôn tăng chứ không giảm, vì cô nhi viện dường như đã trở thành điểm đến của những đứa trẻ mồ côi – “những hạt bụi giữa đời” 

Chính vì thế, lần đến thăm cô nhi viện Thiên Bình, Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc ấy đã rất khâm phục và xúc động trước những điều mà các xơ ở cô nhi viện đã làm được.

Việc người lãnh đạo cao nhất của Đảng đến thăm khiến cho cô nhi viện được biết đến nhiều hơn và các xơ không còn âm thầm, vô danh như “cây quế giữa rừng” nữa.

Người phụ nữ bỏ phố vào rừng xây cô nhi viện ảnh 2

Xơ chăm lo giấc ngủ cho các em mồ côi                      Ảnh: Phùng Nguyên

Những “hạt bụi đời” ở Thiên Bình

Xơ Toàn cho tôi hay: “Bệnh viện tâm thần còn mang trẻ đến đây gửi. Ở bệnh viện tâm thần, trẻ nó trốn đi, nhưng ở cô nhi viện các em không trốn”.

Chẳng hiểu các xơ có “phép thuật” gì mà khi đến đây một vài em mắc bệnh tâm thần bớt đi các triệu chứng, bệnh thuyên giảm. Hình như “phép thuật” chỉ nằm trong hai chữ: tình thương.

Cô nhi viện như một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, các em được học hành và lao động vừa với sức của mình. Tất cả các em đến tuổi đi học đều được đến trường, học phí đều do các xơ đóng góp.

Và hai đứa trẻ mồ côi Tô Thị Trang, Trần Thị Thanh đến cô nhi viện ngày nào giờ đã vào đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Các xơ lại chu cấp cho hai em ăn học như lẽ tự nhiên phải thế. Thanh và Trang đã trở thành tấm gương cho những “hạt bụi đời” ở Thiên Bình ấp ủ giấc mơ đại học.

Buổi tối, các em chia theo lớp, theo nhóm để học bài. Nam nữ ở tách riêng.  Các xơ đang muốn xây mới một số phòng, mở rộng không gian sinh hoạt, tránh những đụng chạm trai gái ở lứa tuổi vị thành niên.

Nhưng không gian chưa được mở rộng đã bị thu hẹp khi mà chính quyền địa phương đã cắt đi một phần đất các xơ khai phá ngày nào cho người ta xây dựng nhà máy.

Đổi lại, họ sẽ xây cho cô nhi viện một dãy nhà cấp 4. Nhà vừa xây xong hôm trước, hôm sau một trận gió đã quật mái tôn bay vèo vèo xuống đất suýt lấy đi tính mạng của các cụ già em nhỏ ở gần đấy. Ngôi nhà tốc mái chỉ vì vài cơn gió đã để lại  trong lòng các xơ nỗi ngao ngán...

Giọng xơ Toàn trầm hẳn: “Vật chất thiếu thốn đến mấy, cô nhi viện cũng đùm bọc nhau để vượt qua, nhưng có những nỗi khổ về tinh thần cứ luôn giày vò. 

Tôi buồn lắm khi mà các em ở cô nhi viện đã đến tuổi mười tám nhưng không được làm chứng minh thư nhân dân. Tôi chẳng biết lý do vì sao. Hay chỉ vì các em mồ côi, giấy tờ cá nhân chẳng có thì không được coi là công dân ư? 

Đòi hỏi giấy tờ gì  ở những đứa trẻ mồ côi, đến cha mẹ, quê quán của mình ở đâu cũng chẳng biết? Ngay cả việc làm giấy khai sinh cũng khó khăn, chúng tôi đi năm lần bảy lượt mới xong. Làm việc thiện nếu không có đức tin thì dễ ngã lòng, buông xuôi vì những chuyện như vậy lắm”.

Buổi trưa hôm ấy ở Thiên Bình, tôi bắt gặp hình ảnh cảm động: Một nhóm sinh viên từ thành phố Hồ Chí Minh đến đang dạy múa hát cho các bé. Những đôi mắt ngây thơ đen láy cất tiếng hát trong veo vút lên.

Anh Nguyễn Hậu – Việt kiều ở Mỹ, im lặng nghe các em hát, mắt rưng rưng xúc động. Anh Hậu bộc bạch: “Mỗi lần về nước mình đều đến Thiên Bình như tìm về gia đình mình vậy. Mình muốn góp một phần nhỏ bé để các em mồ côi có tương lai tươi sáng hơn”.

Ở bên Mỹ anh Hậu đã lập được một quỹ từ thiện do bà con Việt kiều đóng góp. Về Việt Nam anh trao tặng một phần cho Thiên Bình, sau đó lại vác ba lô đi xe khách đến những trại trẻ mồ côi từ Nam chí Bắc để thăm hỏi, giúp đỡ.

Xơ Bảy “đại tổng quản” của cô nhi viện tâm sự: Thu nhập từ bán cây giống và hoa quả, từ chăn nuôi cũng đủ trang trải những sinh hoạt hàng ngày.

Hiện nay cô nhi viện đang nuôi dưỡng 65 em học từ lớp 1 đến lớp 12, chưa kể hai em học đại học, riêng tiền học phí và sách vở đã là quá lớn. Nếu không có sự giúp đỡ của những người hảo tâm như anh Hậu, thì chắc chắn các xơ không kham nổi”.

Nhưng xơ Bảy nói quả quyết như một người mẹ nghèo thương con: “Dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm cho các con đến trường. Đừng gọi 135 đứa trẻ ấy là mồ côi vì Thiên Bình là gia đình và các xơ chính là mẹ”.

Hai hài nhi, một bị bỏ rơi trong rừng cao su, một bị chôn trong rừng tràm được các xơ đưa về nuôi giờ đã vào lớp một. Chỉ riêng điều đó đã từa tựa như một câu chuyện cổ tích mà  các xơ cùng những mảnh đời bất hạnh ở cô nhi viện này đang sống cho một kết thúc có hậu.

MỚI - NÓNG