Danh, phận

Danh, phận
TP - Ông cựu quan đầu tỉnh miền Trung nọ vừa bị đề nghị tước danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Quá đau cho ông, một người vốn cũng từng có thành tích chiến đấu, nhưng lại “vơ” vào mình quá nhiều thành tích khác của đồng đội, cũng như không ít “chiến công” do ông tưởng tượng ra.

Phúc phận của ông khi đó đương kim lãnh đạo to nhất tỉnh, nên khó ai cản bước việc ông nhận thêm một cái danh (kèm theo lợi) mới. Cấp dưới nhận trách nhiệm đi thẩm định hồ sơ của ông, đố dám hó hé nghĩ ngang nghĩ ngửa. Còn cấp ngang hay cấp trên thì chỉ việc căn cứ vào hồ sơ cấp dưới đưa lên là đủ, “bới” ra làm gì cho phiền toái. Bây giờ mọi rắc rối được quy cho ông Chánh văn phòng thuộc quyền.

Đà Nẵng mới đây tổ chức…bí mật chấm điểm công chức viên chức, lãnh đạo qua mạng. Có nghĩa ai nấy thoát cảnh giơ tay biểu quyết “bình bầu” cho cấp trên và đồng nghiệp đang ngồi lù lù trước mặt. Thế là lập tức tỷ lệ cán bộ đạt loại xuất sắc của cấp sở ngành, quận huyện từ trên 21% trước đó nay tụt xuống còn dưới 5%. Cấp phường xã, cán bộ đạt loại tốt và xuất sắc chỉ còn đúng 1%. Nghe nói mô hình chấm điểm “người giấu mặt” này sẽ được Bộ Nội vụ xem xét để nhân rộng ra toàn quốc.

Nhân mấy con đường vừa được đặt tên bằng “mật mã” tại Hà Nội, và cả TP HCM, không hiểu phận mấy chữ cái và con số cụt ngủn, vô hồn ấy có phúc có phận gì đặc biệt để người ta phong “danh” như vậy? Loạn những con đường mang tên SP1, SP2, LS4, SD1, CD2, AR9… Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố trước nay vốn khắt khe, ngặt nghèo, đâu phải mấy ông vừa làm đường xong là có quyền tự động ghi tên trao bảng? Trong khi nhiều danh nhân còn chờ chưa tới lượt.

Người đời chạy theo cái danh là lẽ thường. Bởi danh luôn kèm theo lợi. Bằng mọi giá phải kiếm danh, mua danh, dù là thứ danh ảo, danh hão bất cần chính danh. Thế nhưng sự đua chen, mua bán cái danh nhiều khi cho ra những thực tế chua chát. Danh là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng phận lại chỉ là công nhân, thậm chí nông dân hoặc thất nghiệp nằm dài. Những tưởng danh sẽ làm thay đổi phận. Ai ngờ lắm lúc mang, mua cái danh hão vào người nhưng vẫn phận bạc như thường. Khi không có tiền chạy việc chạy ghế, không có quan hệ tốt để gửi gắm, nhờ vả, thì phận vẫn chỉ như “con sãi ở chùa”… Chỉ khi chính danh, thực danh, có lẽ mới cứu nổi cái phận.

Ông cựu quan “anh hùng” nọ đã đầy đủ danh-phận người đời hằng mơ ước, chẳng ngờ lúc cuối đời trở nên bi đát. Sẽ chẳng cấp dưới và ai khác dám từ chối hồ sơ khai nhận thành tích của ông khi đang ở đỉnh cao quyền lực, chỉ trừ một người, đó chính là bản thân ông. Nhưng hiếm ai sống trên đời mà biết đủ, và biết dừng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG