Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến ( 27/2/1947-27/2/2017):

70 năm ngọn lửa Tây Tiến

Chị Bùi Phương Thảo ( giữa) thăm hỏi và chúc Tết các cựu chiến binh Tây Tiến giờ đã trên dưới 90 tuổi như ông Nguyễn Hoàng Sâm, ông Nguyễn Xuân Sâm, ông Ngô Đình Nhung, ông Nguyễn Văn Khuông.
Chị Bùi Phương Thảo ( giữa) thăm hỏi và chúc Tết các cựu chiến binh Tây Tiến giờ đã trên dưới 90 tuổi như ông Nguyễn Hoàng Sâm, ông Nguyễn Xuân Sâm, ông Ngô Đình Nhung, ông Nguyễn Văn Khuông.
TP - “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm...”, những câu thơ trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng cho chúng ta biết được sự khó khăn, gian khổ mà các chiến sỹ Tây Tiến đã vượt qua. Thế nhưng, qua câu chuyện của các cựu chiến binh Tây Tiến mà tôi có dịp gặp gỡ, đó chỉ là một phần trong muôn vàn gian khổ mà họ  đương đầu.

Đội quân nhiều không

Ông Nguyễn Xuân Sâm là một trong số 160 thành viên đầu tiên của Đội võ trang trinh sát miền Tây, tiền thân của Trung đoàn 52 Tây Tiến sau này. Ông được anh em bầu là tiểu đội trưởng, rồi chính trị viên đại đội 135, tiểu đoàn 60, trung đoàn 52 Tây Tiến. Năm nay, ông vừa bước sang tuổi 90, nhưng ký ức người lính Tây Tiến của 70 năm trước vẫn in đậm trong tâm trí ông.

Ông Sâm kể, ông tham gia Thanh niên Mặt trận Việt Minh từ khi còn là cậu bé 14-15 tuổi. Tháng 8/1945, Đội võ trang trinh sát miền Tây được thành lập, do đồng chí Lê Hiến Mai làm tham mưu trưởng và thành viên nòng cốt ban đầu gồm 160 người.

Ông Sâm cho biết: “Sau ngày 2/9/1945, chúng tôi chính thức lên đường. Lúc đó tôi mới 17 tuổi, là học sinh của một trường tư thục ở phố Hàng Chuối, thuộc thành phần  tiểu tư sản. 90% người tham gia Tây Tiến lúc đó là tiểu tư sản. Ngày 20/10/1945, chỉ 2 tháng sau khi thành lập, chúng tôi đánh trận Mường Láp, Hủa Phăn ( Lào) và đã giành chiến thắng oanh liệt. Năm 1947,  Đội võ trang trinh sát miền Tây được sáp nhập với một số đơn vị khác thành Trung đoàn 52 Tây Tiến”.

Theo ông Sâm, bài thơ “Tây Tiến” đã nói lên được nỗi gian khổ của người lính Tây Tiến, nhưng mới chỉ lột tả được một phần. “Chúng tôi  ra đi với nhiều cái không: Không thuốc men,không lương thực, không  tiền bạc, không  biết tiếng dân tộc. Mỗi người chỉ có một khẩu súng . Có một y tá đi theo đoàn, nhưng chỉ có thuốc đỏ để sát trùng, chứ không có kim tiêm”, ông Sâm nhớ lại.

Ông kể tiếp: “Thời đó làm gì có gì đâu. Cứ tay không mà lên đường. Bản thân tôi chỉ một chiếc áo sơ mi và hai quần soóc. Mà vải thời xưa là vải đay, chứ làm gì đã có vải bông, nên đàn hồi và giữ nhiệt rất kém. Tôi phải nhờ ông Tất Lập, người có chứng chỉ Paris về cắt may, may giúp hai cái quần soóc thành một cái quần dài. Lúc đó, ở trong rừng rú, cũng không có kim chỉ, phải dùng  dây điện thoại để khâu và làm chỉ”.

Ông Giang Hồng Phúc, thanh niên  Hà Nội theo đoàn quân Tây Tiến từ năm 17 tuổi, nay đã ngót 90, trải hầu hết cuộc đời binh nghiệp của mình ở mảnh đất Hòa Bình kể: “ Nhân dân Hòa Bình đã đùm bọc, giúp đỡ anh em chúng  tôi, những cán bộ đi hoạt động. Nhà dân gạo hết sắn hết, có con gà bằng nắm tay cũng đem ra nuôi cán bộ…Nghĩa tình ấy tôi không thể nào quên được”.

Bi tráng “Tiếng cồng quân y”

Cựu Trưởng ban liên lạc CCB Tây Tiến , bà Nguyễn Thị Thanh Liêm khi tham gia đội quân Tây Tiến mới chỉ là bé gái 11 tuổi ở Sầm Nưa. Bà làm liên lạc viên khi quân Tây Tiến đến đây. Sau đó về Hòa Bình, bà Liêm được theo học lớp y tá để chăm sóc bệnh nhân tại quân y  xá Châu Trang, nơi gần 200 bệnh binh đã lần lượt qua đời ở đây vì dịch sốt rét trong giai đoạn 1947-1949.

“Cứ một tiếng cồng vang lên là báo hiệu một đồng chí đã ra đi. Ban đầu, mỗi liệt sỹ còn được đắp một manh chiếu và mang đi chôn, sau chiếu cũng không còn”.

Ông Nguyễn Xuân Sâm

CCB Tây Tiến bùi ngùi kể

Bà Liêm kể: “Khi chăm sóc bệnh nhân ở Quân y xá Châu Trang, làm gì có đủ thuốc kí ninh để cho anh em uống khi sốt rét. Tôi cứ phải vào rừng chặt cây đắng, bà con gọi là cây kí ninh, băm ra cho anh em uống. Hoặc một viên ký ninh hòa vào nước cho mười anh em uống, gọi là để trấn an tinh thần chứ làm sao giải quyết được cơn sốt rét”.

Cũng tại trạm xá Châu Trang này, bà Liêm chứng kiến bao đồng đội đã ra đi trong âm thanh của tiếng cồng đưa tiễn. Tiếng cồng ấy đã được ghi lại trong bài hát “Tiếng cồng quân y” của nhạc sĩ - liệt sĩ Như Trang. Mỗi lần nghe lại bài hát này, bà Liêm không ngăn được dòng nước mắt bởi đó là âm hưởng của thời hào hùng, bi tráng.

Ông Nguyễn Xuân Sâm cũng kể thêm, ông cũng chứng kiến cái chết của đồng đội. Đau xót hơn, đa phần chiến sỹ chết vì sốt rét hơn là đánh trận bởi không có thuốc chữa. Bản thân ông Sâm cũng suýt chết vì sốt rét, nhưng nhờ có thuốc lá của người dân tộc chữa trị kịp thời mà ông qua khỏi.

Ông Sâm bùi ngùi: “Sáng tôi lo đi chôn một đồng chí, trưa một đồng chí, chiều lại một đồng chí. Cứ một tiếng cồng vang lên là báo hiệu một đồng chí đã ra đi. Ban đầu, mỗi liệt sỹ còn được đắp một manh chiếu và mang đi chôn. Sau chiếu cũng không còn, mỗi tiếng cồng vang lên là ngậm ngùi đưa đồng chí của mình đi chôn”.

Không chỉ chết vì dịch sốt rét, ông Sâm còn chứng kiến người đồng đội của mình chết rét... vì không chịu được cái rét cắt da, cắt thịt ở vùng núi phía Bắc. Ông Sâm nhớ lại, hôm đó, đến nước cũng đông cứng lại, một đồng đội của ông đang đứng gác và từ từ gục xuống.

Tấm lòng của kiều bào Lào

Ông Nguyễn Văn Khuông, năm nay 95 tuổi, hiện đang sống ở Phố Vọng, Hà Nội là một trong những kiều bào có nhiều đóng góp cho Trung đoàn Tây Tiến. Ông sinh ra ở Thái Bình nhưng theo bố mẹ đi làm ăn sinh sống ở Sầm Nưa, Lào từ khi ông mới 7 tuổi. Chỉ với chiếc xe đạp, ông đã cùng một số thanh niên Việt kiều đạp xe từ  Lào sang Việt Nam đưa thư cho các lãnh đạo Việt Minh.

70 năm ngọn lửa Tây Tiến ảnh 1

Tượng đài Tây Tiến tại Mường Lát, Thanh Hóa.

Ông Khuông kể: “ Chúng tôi đạp một mạch hai ngày, hai đêm thì tới Mộc Châu. Cấp trên dặn chúng tôi, khi nào mệt thì vào rừng nghỉ, khỏe thì đi tiếp, không được phép ghé vào nhà dân. Chính vì thế, chiếc xe đạp của chúng tôi thồ đầy đủ các nhu yếu phẩm như dụng cụ sửa xe và lương thực. Thư thì được bọc trong tấm thiếc  và nhét vào dưới yên xe”.

Ông Khuông còn nhớ như in lần dẫn bộ đội Việt Nam tới giải phóng Sầm Nưa và tình cảm của bà con Lào dành cho bộ đội nồng ấm như thế nào. Ông kể: “Bộ đội ta lúc đó có độc một bộ quần áo, ai có gì mặc nấy, người áo sơ mi, người áo bà ba, người quần dài, người quần cộc. Sau nhiều ngày đi bộ hành quân, ai cũng ướt sũng và rét. Các chị em người Lào vội mang củi đến đốt lửa cho bộ đội sưởi. Có người mang quần áo, chăn màn ủng hộ bộ đội”.

Tháng 6/1946, quân Pháp chiếm lại được Sầm Nưa, nhiều Việt kiều Lào đã được đưa về Việt Nam, trong đó có bố mẹ, vợ con ông Khuông. Riêng ông được cử ở lại để xây dựng cơ sở và làm liên lạc. Mãi tới năm 1957, ông Khuông  được về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, được đi học bổ túc công nông, học trung cấp ngân hàng và làm trong ngành ngân hàng cho tới lúc nghỉ hưu.

Tiếp sức ngọn lửa Tây Tiến

Ngày 27/2 năm nay, trung đoàn 52 Tây Tiến  kỷ niệm 70 năm thành lập  và cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ra đời Ban liên lạc CCB Tây Tiến. Sở dĩ, ngọn lửa Tây Tiến vẫn được duy trì đến hôm nay là nhờ có Ban liên lạc CCB Tây Tiến mà vị Trưởng ban đầu tiên là đồng chí Hùng Thanh, nguyên chính trị viên đầu tiên của trung đoàn 52 Tây Tiến. Hiện nay, Ban liên lạc CCB Tây Tiến đã được tiếp nối bởi con em Tây Tiến do chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng làm Trưởng ban và dưới sự dìu dắt của Ban Cố vấn gồm các CCB Tây Tiến đã trên dưới 90 tuổi như ông Nguyễn Hoàng Sâm, Trưởng ban và các Ủy viên như ông Nguyễn Xuân Sâm, ông Nguyễn Văn Khuông.

Dù bận nhiều công việc, nhưng chị Thảo không quản ngại khó khăn tham gia các hoạt động của Ban liên lạc CCB Tây Tiến. Có thời gian, cả tháng không ngày nghỉ nào chị ở nhà. Chị Thảo đã ba lần cùng một số thành viên trong Ban liên lạc mang ba lô, túi xách, kẹo lên tặng cho các em nhỏ ở trường tiểu học Tây Tiến, Mường Lát, Thanh Hóa.  Mọi ngóc ngách ở Hòa Bình, Mộc Châu, có những nơi dân phượt còn lè lưỡi, chị cũng đã đi hết. Chị tự hào, giờ đây nhiều người, trong đó có các bạn trẻ vẫn  biết và nhớ đến Tây Tiến. Nhiều bạn phượt đi Mộc Châu nhất định phải leo  lên bằng được tượng đài Tây Tiến để thắp hương cho các liệt sỹ.

Chị tâm sự: “ Bây giờ các cụ đều ngoài 90 rồi, không phải bác nào con cái cũng đồng ý cho tham gia hoạt động của Ban liên lạc. Động lực để tôi khắc phục mọi khó khăn hoạt động giữ lửa truyền thống  Tây  Tiến,  đơn giản vì tôi mang dòng máu Tây Tiến”.

Chị cho biết, ngoài các hoạt động tri ân, Ban liên lạc sẽ tiếp tục  duy trì công tác khuyến học cho con em ở những vùng đất mà trung đoàn Tây Tiến đã đi qua. Hiện nay đã có 5 trường học  mang tên Tây Tiến từ cấp mẫu giáo đến trung học phổ thông, hầu như trường nào cũng đều rất khó khăn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.