70 xe khách phản đối Hà Nội điều chuyển luồng tuyến

Các nhà xe dừng tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ phản đối điều chuyển luồng tuyến
Các nhà xe dừng tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ phản đối điều chuyển luồng tuyến
TP - Sáng 28/2, gần 70 xe khách chạy tuyến Thái Bình, Nam Định - Hà Nội cùng băng rôn, biểu ngữ đã nối đuôi nhau chạy về Hà Nội nhằm phản đối việc điều chuyển luồng tuyến. Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để chặn các xe này lại, đồng thời tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp.

Xe về bến Nước Ngầm gặp khó khăn

Sáng 28/2, khoảng 70 xe khách đã nối đuôi nhau đi từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định về Hà Nội để phản đối việc điều chuyển luồng tuyến. Đây là các nhà xe chạy tuyến Thái Bình, Nam Định – Hà Nội. Các nhà xe này trước đây đều đón khách Hà Nội tại bến Mỹ Đình, nay bị điều chuyển về các bến Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa. Các nhà xe đi đầu đều mang băng rôn trước xe với khẩu hiệu “Đề nghị Chính phủ hãy cứu doanh nghiệp xe khách” để phản đối việc họ bị điều chuyển luồng tuyến gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Trao đổi với Tiền Phong, trung tá Trần Minh Thu, đội trưởng Đội 7, Phòng tuần tra kiểm soát cao tốc – Cục CSGT (phụ trách tuyến) cho biết, nhận được thông báo đề nghị phối hợp của Sở GTVT Hà Nội, từ sáng sớm hơn 35 chiến sỹ cảnh sát trực chốt tại trạm thu phí Liêm Tuyền (Hà Nam) và trạm km188 để dừng xe, hạn chế phương tiện vào thành phố tránh gây ùn tắc cục bộ. Sau 3 giờ đón lõng, khoảng 70 xe khách 45 chỗ ngồi chủ yếu thuộc tỉnh Thái Bình, Nam Định được cảnh sát ra tín hiệu dừng.

Ông Đinh Quang Thắng, Giám đốc Công ty Anh Thắng cho rằng: Điều chuyển luồng tuyến phải theo nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân. Việc điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội vừa qua đã đi ngược lại điều đó. Còn khiến tình trạng “xe dù, bến cóc” phát sinh thêm, tình trạng xe xuyên tâm thêm rầm rộ. Ông Phan Văn Tùng, đại điện một nhà xe Nam Định cho biết: Trong vòng 60 ngày rời khỏi bến Mỹ Đình, chúng tôi đi xe không và cũng về xe không. Xe nào may mắn lắm thì được 1-2 khách! Bên cạnh đó, chi phí bến bãi tại Nước Ngầm cao hơn nhiều so với bến Mỹ Đình dẫn đến chi phí vận tải tăng cao. “Toàn bộ 50 xe đang đỗ ở đây đều vay vốn ngân hàng, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì các doanh nghiệp sẽ phá sản hết”, ông Tùng chua chát nói. Nhiều nhà xe cho biết, do trùng “nốt” xe với bến Giáp Bát nên khách ít khi chọn xe bến Nước Ngầm. “Vào bến Giáp Bát thuận tiện hơn nhiều nên người dân không xuống Nước Ngầm. Đây là điều không công bằng với những nhà xe bị điều chuyển từ bến Mỹ Đình về đây”, một nhà xe cho hay.

Bộ GTVT sẽ đối thoại với doanh nghiệp

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 28/2, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc các nhà xe tập trung phản đối quyết định điều chuyển luồng tuyến của Thành phố là không đúng quy định, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành lập biên bản các trường hợp không tuân thủ việc điều chỉnh. Về đề xuất của các doanh nghiêp, Sở sẽ ghi nhận đầy đủ ý kiến để có cách giải thích, vận động, tuyên tuyền, giải quyết quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. “Chúng tôi thực hiện việc này không vì bất cứ lợi ích cục bộ nào, mà là lợi ích chung”, ông Viện khẳng định. Ngày 1/3, Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường sẽ trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp vận tải. Nếu sau đối thoại các doanh nghiệp vẫn không thực hiện chủ trương, có những hành động phản đối không phù hợp quy định, Sở GTVT sẽ kiến nghị Thành phố có chế tài xử lý với từng vi phạm cụ thể.

Chiều cùng ngày, đại diện Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, địa phương có 2 doanh nghiệp tham gia đoàn xe khách lên Hà Nội phản ánh về việc điều chuyển. Sau khi tiếp nhận thông tin này, Sở GTVT tỉnh Nam Định đã yêu cầu doanh nghiệp lái xe về địa phương tránh gây ùn ứ giao thông. “Quan điểm của Sở tuân thủ, bám sát theo chỉ đạo, kế hoạch điều chuyển luồng tuyến. Ngày 1/3, chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp vận tải tham dự cuộc đối thoại với lãnh đạo Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội”, vị trưởng phòng nói.

Trung tá Trần Minh Thu cho biết thêm, sau khi chủ doanh nghiệp, tài xế di chuyển vào nội thành bằng một số phương tiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Một số xe di chuyển về địa phương sau chỉ đạo của Sở GTVT các tỉnh. Tới tối cùng ngày còn 47 xe khách trên cao tốc và đơn vị phối hợp với CSGT địa phương căng dây, sắp xếp nơi dừng đỗ.

Trước đó, ngày 2/1, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện điều chuyển tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa và ngược lại. Việc điều chuyển đã gây ra phản ứng dữ dội, nhiều nhà xe đã đình công tại bến xe Mỹ Đình.

MỚI - NÓNG