Người phi công hàng binh tham gia ném bom Tân Sơn Nhất

Người phi công hàng binh tham gia ném bom Tân Sơn Nhất
Trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 là chiến công xuất sắc của Không quân VN. Trong số những người lập chiến công ấy có phi công Quân đội Sài Gòn giác ngộ cách mạng, Trần Văn On.

Trần Văn On sinh năm 1948, ấp Bình An xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình nông dân. Tính tình anh On hiền lành, ít nói. Năm 1968, On học hết lớp 10, chính quyền Sài Gòn buộc anh đi lính. Do sức khoẻ tốt, anh được đưa sang Mỹ học lái máy bay A37.

Năm 1973, On về nước tham gia Phi đoàn 550 ở Đà Nẵng. Anh On hiểu rõ sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh, nhận ra lẽ phải, nhưng không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Thêm nữa, những chiếc loa tâm lý chiến luôn vẽ méo mó hình ảnh người Cộng sản, nên anh On hoang mang sợ bị trả thù.

Nhưng khi được giác ngộ, và nhất là lúc gần gũi anh em phi công ta, được nghe giải thích chế độ khoan hồng, anh On bừng lên niềm tin cuộc sống, mong muốn lập công chuộc tội. Vợ anh On lúc đó là giáo viên ở quê mới sinh cháu lớn được 2 tháng, anh càng mong cách mạng nhanh chóng giải phóng miền Nam để được sum họp gia đình.

Đêm 27/4/1975 ở Phù Cát, Trần Văn On tình nguyện xin đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Các thủ trưởng quyết định cho Hoàng Mai Vượng cùng Trần Văn On vào sân bay Phan Rang. Và, trận đánh cuối cùng của Không quân Việt Nam vào sào huyệt Nguỵ quyền Sài Gòn đã phá hủy 24 máy bay các loại, tiêu diệt hàng trăm tên địch mà ta không hề tổn thất.

Đây là một trong những trận oanh liệt, sáng tạo của Không quân Việt Nam mà người phi công hàng binh nguỵ Trần Văn On có phần góp sức.

Đi tìm Trần Văn 0n

Nhiều năm trước, anh em trong Phi đội Quyết thắng tìm về thăm nhà anh On ở Gò Công tỉnh Tiền Giang. Lúc ấy, hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Đông con, chúng lại còn nhỏ dại, cả nhà chỉ trông vào nghề nông. Anh em xúc động, buồn và thương On quá nên bảo nhau góp tiền giúp đỡ gia đình anh.

Nhưng rồi cuốn kéo cuộc sống mấy năm nay, các anh cũng không biết tin tức gì của On nữa. Tình cờ, ai đó nói ở Gò Công Đông có gia đình một cựu binh tên là On. Anh em mừng quá vội phóng ôtô xuống tận nơi. Nhưng anh On đấy không phải là người cần tìm gặp, đó là một sĩ quan trinh sát Tỉnh đội đã về nghỉ hưu. Tin tức về Trần Văn On vẫn mờ mịt...

Mọi người trở về TP HCM vài hôm, lòng ai nấy vẫn đau đáu về On. Biết Đại tá phi công Lê Hải, người từng về nhà On mấy chục năm trước, anh em liên hệ, nhưng anh cũng không còn nhớ đường về nhà On.

Anh Hải chỉ biết nhà On giữa cánh đồng trong huyện Gò Công Tây. Anh em gọi điện ngay sang Huyện đội. Vẫn không ai biết. Thật may mắn, khi gọi xuống ủy ban xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây), một chị tên Bích nói trong xã có người nguyên là Phi công quân đội chế độ cũ tên On.

Ngay hôm sau, anh em phi xe máy ngót ngét cả trăm cây số đến tận nơi. Phó công an xã Phan Hồng Phương nhiệt tình đưa anh em đến nhà On. Vừa vào đến ấp Bình An, mọi người nhận ra ngay Trần Văn On, anh em ào đến ôm lấy nhau. Đêm ấy, On kể lại những thăng trầm cuộc đời...

Sau ngày miền Nam giải phóng, anh công tác tại Trung đoàn 937 Cần Thơ. Anh bay thử các máy bay A37 của Mỹ và huấn luyện phi công. Thời gian này, không quân ta tham gia hỗ trợ cùng bộ binh giải phóng các đảo phía Tây Nam tổ quốc. Trần Văn On đã một mình lái máy bay A37 chở bom đánh 3 trận giải phóng đảo Vai, và sau đó lâm trận đánh biên giới Tây Nam.

Đầu năm 1977, do hoàn cảnh gia đình anh đã xin xuất ngũ về địa phương. Lúc ra quân anh chỉ có một tờ giấy chứng nhận của đơn vị thời gian công tác của anh, để trình địa phương. Rất tiếc do thời gian chính quyền xã nhiều lần thay đổi, nên  tờ giấy đó đã không còn được lưu giữ. Anh đã ra Đà Nẵng và Hà Nội để tìm lại những người bạn trong phi đội Quyết Thắng chứng nhận.

Trở về địa phương, Trần Văn On trồng lúa, nuôi heo trên mảnh đất gia đình để lại. Gia đình có 6 người con, rất khó khăn vì con đông, ruộng ít. Nhưng cả nhà gắng vượt qua, chăm chỉ nuôi heo gà, trồng lúa hoa mầu cây trái.

Đợt cúm gia cầm vừa rồi, nhà anh On lại một phen khốn đốn vì mất toi mấy đàn gà. Hiện vợ anh đã thôi dạy học chuyển sang làm tổ vay vốn ngân hàng. 3 con lớn của anh đã đi làm, 3 cháu còn đang đi học (có một cháu học đại học). Năm 2000, anh chị vay ngân hàng để dựng căn nhà cấp 4.

Người hàng binh Trần Văn On đã giác ngộ trong những giờ phút cuối cùng của chiến dịch lịch sử. Phi công Trần Văn On đã kịp thời đóng góp  sức mình vào chiến công vang dội của Không quân Việt Nam.

Hôm mới rồi, Đoàn không quân B70 tổ chức gặp mặt những thành viên Phi đội Quyết Thắng tại sân bay Phan Rang, Trần Văn On đã về dự và được gặp lại tất cả thành viên Phi đội sau 30 năm xa cách. Anh em ôm ghì nhau hồi lâu ngoài sân, mắt ai nấy ngấn lên thật cảm động...

MỚI - NÓNG