9 trường hợp ung thư, ngành y tế nói chưa bất thường

9 trường hợp ung thư, ngành y tế nói chưa bất thường
TP - Thừa nhận các mẫu nước lấy từ giếng các hộ dân sống xung quanh bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) chứa chất có khả năng gây ung thư, cũng như đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh này và các bệnh lý khác song lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Ung bướu TPHCM khẳng định chưa phát hiện bất thường.

Sáng 28/7, khu vực bãi rác Đông Thạnh vẫn bốc mùi hôi nồng nặc.

Ngồi trước căn nhà xập xệ tại ấp 3 (xã Đông Thạnh), bà Phan Thị Liễu (74 tuổi) cho biết, bà đến đây ở từ năm 1977. Cả nhà bà có 5 người chết vì bệnh ung thư. Thậm chí trong nửa năm có 3 người lần lượt chết. “Chồng tôi chết tháng 5, tháng 7 thì đến con rể, sang tháng 11 đến lượt mẹ chồng”, bà Liễu cho biết.

Ông Trần Hữu Ước (ngụ ấp 7, xã Đông Thạnh) cho biết cả ba người trong gia đình đều mắc bệnh. Ông bị u tuyến tiền liệt, vợ ông bị u vú còn con trai thì bị viêm phế quản mãn tính. Nhiều hộ dân cho biết, hàng chục năm nay vẫn phải dùng nước giếng khoan. 

Gần đây, nguồn nước bị ô nhiễm, mỗi lần tắm là da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Chiều 28/7, làm việc với UBND TPHCM, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo kết quả khảo sát mới nhất, cả 4 mẫu nước lấy từ giếng các hộ dân đều không đạt độ PH và clo dư, trong đó 3/4 mẫu không đạt về hàm lượng amoni. Amoni kết hợp với ô xy không khí chuyển hoá thành nitrat và nitric, ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển ô xy của hồng cầu, do đó bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị bệnh thiếu máu.

“Hiện nay có một số bà con sử dụng nước ngầm, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy không có dấu hiệu bất thường về ung thư nhưng ngành y tế phải quan tâm đặc biệt đến sức khoẻ, định kỳ 6 tháng/lần phải khám và điều trị miễn phí cho bà con”. 

Ông Lê Văn Khoa

Phó Chủ tịch UBND TPHCM

“Hai chất này còn có thể kết hợp với một axit amin trong cơ thể tạo ra chất có thể gây ung thư. Cả 4 mẫu nước không đạt chỉ tiêu về hàm lượng nhôm, có thể gây ra bệnh liệt rung. 2 mẫu có hàm lượng nitrat vượt ngưỡng cho phép. 1 mẫu có hàm chì vượt ngưỡng. Chì sử dụng lâu ngày có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến chức năng thận”, BS Hưng cho biết. Tuy nhiên, BS Hưng cho rằng, kết quả khám sức khỏe cho 1.793 người dân hai xã Đông Thạnh, Nhị Bình cho thấy chủ yếu mắc các bệnh mãn tính ở người cao tuổi, như viêm khớp, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ... So với tỷ lệ chung của huyện Hóc Môn thì không có gì đặc biệt.

   

Về bệnh ung thư, qua khảo sát, khu vực bãi rác Đông Thạnh có 9 trường hợp, gồm ung thư gan, phổi (4 trường hợp), vú, tử cung, tủy, đại tràng, dạ dày… Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện Ung bướu, tình hình ung thư tại bãi rác Đông Thạnh không bất thường.

Cụ thể: TPHCM có chương trình ghi nhận ung thư từ năm 1986 đến nay, mỗi năm đều có số liệu cho từng vùng. Số liệu tại thời điểm kiểm tra thấp hơn so với số liệu ghi nhận. Tại TPHCM, suất độ thô về ung thư là 153 nam/100.000 dân và 125 nữ/100.000 dân. Tại bãi rác Đông Thạnh so với tỷ lệ chung thì không cao hơn.

Đóng cửa vĩnh viễn

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, bãi rác Đông Thạnh đóng cửa từ 2002 nhưng chưa phủ đỉnh ngăn nước mưa xâm nhập nên làm phát sinh nước rỉ rác gây ô nhiễm. Ngoài ra, nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong bãi rác vẫn đang hoạt động nên cần di dời về Khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), đồng thời xử lý lượng rác đang chôn lấp lộ thiên.

“Hiện nay, có nhà đầu tư nước ngoài và một nhà đầu tư trong nước đã đăng ký xử lý môi trường và bãi rác sau chôn lấp. Lo ngại lớn nhất của Sở là đào rác lên xử lý sẽ phát tán mùi hôi. Cả ba đơn vị đang lập dự án, trong đó có một đơn vị có kinh nghiệm xử lý rác tại Hàn Quốc. Họ làm tới đâu thì có bạt vùi lấp”, bà Mỹ cho biết.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa chấp thuận xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại mới, công nghệ hiện đại tại Phước Hiệp trong thời gian 12 tháng để đóng cửa vĩnh viễn bãi rác Đông Thạnh.


MỚI - NÓNG