Cây đa ông Đề

Cây đa ông Đề
TP - Ông Tạ Đình Đề, nhân vật nổi tiếng một thời với nhiều thăng trầm, biến cố cá nhân, vừa được Nhà nước ta truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Cây đa ông Đề ảnh 1

Trật tự lẫn lớp lang số nhà đường Láng Hạ (Hà Nội) không hiểu sao cứ lộn tùng phèo làm khổ không ít cho người lạ mỗi khi bất chợt phải hỏi thăm? Tỷ như nhà số 9 đùng cái thành nhà 31, nếu như không biết nó là địa điểm của Xí nghiệp cao su đường sắt thì còn là tìm mệt!

Sở dĩ tôi biết được địa điểm Xí nghiệp ấy là do hồi còn ông Tạ Đình Đề! Đâu như hai lần ông dẫn tôi xuống cái cơ ngơi đầu tiên mà ông gây dựng có  tên Xưởng cao su đường sắt. Những năm đầu chín mươi, nhà cửa Láng Hạ đã bắt đầu đông chật và lấp ló những ô thửa quy hoạch.

Và bây giờ, thổ trạch ở xứ này là miếng gan miếng tiết. Mét vuông mặt tiền vàng bốn số 9 tính có cả chục cây! Cứ như ông Đề cho hay thì đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, bên hông mé Tây Hà thành này hẳn còn trống hoác.

Giăng giăng những ruộng rau muống chen với ao đầm và ngổn ngang mồ mả đa phần vô chủ. Thảng hoặc mới loi thoi vài ba nếp nhà tạm của dân coi rau hoặc làm nghề thu nhặt phế liệu từ các bãi rác. Ông Đề đã xin cấp trên lúc đó là Tổng cục Đường sắt cho xây dựng xưởng cao su trên cái mặt bằng trống hoác ấy. Có lẽ cái số ông Đề có duyên hay phải gắn với ngành đường sắt?

Mười lăm tuổi, cậu bé Tạ Đình Đề trốn nhà đi làm cu ly trên những chuyến tàu hỏa nối Vân Nam với Hải Phòng. Mười bảy tuổi được giác ngộ cách mạng, được gặp những yếu nhân của cách mạng Việt Nam hoạt động ở Côn Minh, rồi con đường dẫn ông đến đại bản doanh của quân đội Mỹ đóng ở Côn Minh thời ấy và làm tình báo cho Mỹ trong liên minh chống phát xít nhẩy dù xuống Huế ra sao...

Báo chí đã nói kha khá... Nhắc nhiều đến cả thời gian ông là Phó Ban tình báo Liên khu III dưới trướng của tướng Hoàng Sâm, rồi Đội trưởng Đội Biệt động thành Hà Nội. Hòa bình, thiếu chi ngành để chuyển, việc để làm nhưng Tạ Đình Đề lại chuyển về ngành đường sắt!

Là đang nói dở đến khúc nhôi ông Đề tạo dựng cơ nghiệp mới những năm đầu bảy mươi trên bãi trống Láng Hạ. Cụ thể là năm 1971, ông Đề cho tôi hay là phải chuyển 380 ngôi mộ vô chủ và lấp bốn cái ao để làm nền cho xưởng cao su. Phải tôn một lối đi  từ Đê La Thành xuống xưởng mà bây giờ lối ấy đã thành đại lộ Láng Hạ!

Thẳng tính ngang tàng phóng túng nhưng Tạ Đình Đề không phiêu lưu trong kinh kế. Bằng chứng là vợt bóng bàn định mức trên cho mần thử hai mươi cái/ngày. Thấy bán chạy ông Đề nâng lên trăm cái. Rồi mấy ngàn chiếc mỗi ngày khi vợt bóng bàn duy nhất made in Vietnam sản xuất tại Xưởng cao su Đường sắt của ông Tạ Đình Đề xuất biên đi 9 nước XHCN.

Danh tiếng Xưởng cao su Đường sắt loang xa. Ông Đỗ Mười thời ấy ghé qua chầm bập vỗ vai ông xưởng trưởng Xưởng Dụng cụ cao su kiêm Trưởng ban Kiến thiết  cơ bản và trưởng ban Thể dục thể thao Tổng Cục đường sắt Tạ Đình Đề  thằng này  khá lắm, khá lắm!

Nhưng thuở ấy, thiên hạ đang phẳng lì đang mênh mông bao cấp mà ông Đề lại nhô lại nhỉnh lên những là lương tháng 13. Những là khoán sản phẩm đến tay người lao động. Những là kết hợp Ba lợi ích... Và cả việc đưa đám mãn hạn tù, đào ngũ vào làm công nhân của Xưởng. 

Những cái khá lẫn được ấy để dẫn tới một kết cục là buổi sáng ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề cùng ông phó Nguyễn Văn Luật bị còng tay ngay tại Xưởng, bị giam cứu tận hai năm để điều tra. Rồi để có phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề và đồng bọn với tội danh tham ô tài sản XHCN nổi tiếng 6 ngày ròng rã từ mồng 7 đến 12 tháng 6 năm 1976.

Qua 6 ngày xét xử, chủ tọa Phùng Lê Trân dõng dạc tuyên tại tòa tha bổng Tạ Đình Đề cùng 5 bị cáo khác...

Bữa ấy không phải đợi đến khi tòa tuyên trắng án, mà một số công nhân của Xưởng Cao su những là đối tượng mãn hạn tù những là đào ngũ do Lưu Quang Vũ (thi sĩ họ Lưu nổi tiếng sau này, khi ấy đang lang thang cơ nhỡ được ông Đề nhận vào làm). Sau này vở kịch Tôi và chúng ta, Lưu Quang Vũ có mượn ông Đề một ít chất liệu của sự kiện động trời vụ xử Tạ Đình Đề để cấu thành.

...Tôi đang trên lối đi nhà số 9 Láng Hạ của xưởng mà 33 năm trước ông Đề bị còng tay ra xe nhà chức việc. Và sáng nay, cũng trên lối đi xưa dẫn vào hội trường của Xí nghiệp cao su đường sắt, lát nữa sẽ diễn ra sự kiện trao tặng phần thưởng cao quý của Nhà nước cho ông Tạ Đình Đề: Huân chương Độc Lập hạng III.

Hẵng còn dư dả thời gian mới tới buổi lễ, tôi thong thả lần đến gốc đa Tạ Đình Đề. Đâu như dạo mùa nắng năm 1993, khi ông Đề đưa tôi xuống thăm xưởng, đáo qua nơi làm việc cũ  cho biết như ông rủ, tôi đã được ông giới thiệu về cây đa này. Những năm chín mươi ấy, cái thứ thụ mộc ấy đã ra dáng lắm báo hiệu cho những gì lực lưỡng đồ sộ nay mai.

Ngay khi đặt móng xây Xưởng, buổi ấy tôi không hỏi kỹ cơn cớ nào, động cơ chi nhưng ông Đề cho hay ngay khi đặt móng xây xưởng, vào mùa thu năm 1971, ông đã tự tay trồng cây đa này! Cũng chỉ là một thứ tiện tay để đánh dấu thời điểm thành lập Xưởng cao su đường sắt.

Cây đa ông Đề ảnh 2
Tạ Đình Đề (bên phải) và Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo ở quê nhà Thanh Oai, Hà Tây (ảnh tư liệu gia đình Tạ Đình Đề)

Cái giống đa cao bằng nửa sải tay ngày ấy nay đã to tày ôm và vươn chĩa nhiều nhánh lực lưỡng. Đã buông những khoảng rợp râm mát cho nhiều người ngồi. Nếu như cơ ngơi của mấy hiệu thuốc Tây lẫn nhà hàng đặc sản ngay bên cạnh không choán đi khoảng không gian quanh gốc thì cây đa Tạ Đình Đề còn bề thế nữa! 

Anh Trần Văn Khiêm, Giám đốc Xí nghiệp cao su Đường sắt bây giờ dẫn tôi vòng sang nhà hàng đặc sản. Nhân viên nhà hàng thấy chúng tôi niềm nở chào mời nhưng thất vọng ngay khi thấy anh Khiêm lẫn khách cứ vọc vọi tìm kiếm chi đó dưới gốc đa!

Phải vần ba bốn cái bình gas to tổ chảng, tấm biển chữ vàng dưới gốc mới lộ ra Cây đa ông Tạ Đình Đề, Giám đốc đầu tiên trồng kỷ niệm ngày xây dựng nhà máy cao su Đường sắt. Các thế hệ tiếp nối đã giữ gìn và chăm sóc. Tấm biển này đời GĐ Trần Văn Khiêm làm.

Dạo ông Khiêm làm biển, có tin rầm lên rằng ông Khiêm đang xây tượng ông Đề!? Các nhà chức việc cất công về tìm hiểu sau thấy nhõn mỗi tấm biển bèn động viên cây đa này ngoài đường ngoài chợ thiên hạ cũng phải giữ gìn huống hồ là cái cây ông Đề trồng trong cơ quan.

Câu chuyện với GĐ Khiêm bất ngờ lộ ra một băn khoăn rằng không biết có giữ được cây đa bác Đề nữa không! Đâu như sắp tới, Xưởng nay là Xí nghiệp cao su Đường sắt chuyển sang Yên Viên hay Đông Anh. Toàn bộ mặt bằng nghe đâu phải bàn giao để người ta xây nhà cao tầng hay siêu thị chi đó.

Mà chao ơi, cái sự xây cất quy mô nhường ấy, trong cơn lốc của cơ chế thị trường kia, liệu cây đa ông Đề có cơ sống sót? Thêm cảm thêm gần tâm sự của anh Khiêm khi anh cho hay, năm nào gần Tết, anh với Ban lãnh đạo XN cũng về Thanh Oai thắp hương cho ông Đề.

Qua anh Khiêm, tôi mới biết mộ ông Đề đâu như mộ kết(?) mỗi năm mỗi to. Đã chín năm kể từ ngày ông biệt dương thế về nằm giữa cánh đồng Đại Định quê hương, vì là mộ kết nên người nhà chưa sang cát vội!

Trên lối lên hội trường, nơi diễn ra Lễ trao Huân chương Độc lập, tôi gặp lại Tạ Mạnh Tiến, người con trai thứ của ông Đề. Người con trai cả ở TP Hồ Chí Minh lâu nay đang ốm nên không ra dự được. Tôi vui mừng nắm lấy bàn tay chắc chắn của Tiến.

Hai vợ chồng có một sạp hàng bán tạp hóa, đời sống cũng đỡ. Có lẽ đã qua rồi những ngày buồn và một Tạ Mạnh Tiến rất kiệm lời lầm lì lử khử. Trót lấy mấy lít xăng ở xưởng để đưa người yêu đi chơi dịp quốc khánh năm 1985, Tiến bị kết tội phá hoại bị vặn hỏi đủ điều. Họa vô đơn chí. Thời gian đó ông Đề cũng vừa bị bắt.

Bố bị giam, con bị gọi lên gọi xuống! Từ một chàng trai nhanh nhẹn, Tiến thoắt trở thành thể trạng tâm thần. (Nhiều bận tôi đến nhà ông Đề thì lần nào cũng chứng kiến cảnh ông con trai thứ lầm lỳ lử khử... Rồi bà vợ ông Đề thở dài và cái cách ông Đề cố tếu táo cho không khí nhà cửa đỡ nặng nề!).

May mắn thay, những năm tật bệnh ấy rồi cũng qua. Tội danh ông Đề không phải phản động, không phải gián điệp! Ông Đề được tha. Nhưng phải dằng dặc gần bảy năm lao lý. Nhớ vẻ hài hước của ông mỗi lần nhắc đến lần gặp nạn thứ hai ấy.

Ông thường nói ông là tú tài (nghĩa là tái tù!). Rồi có chỉ thị khôi phục lại những quyền lợi hợp pháp cho ông. Ông được công nhận danh hiệu lão thành cách mạng, cán bộ hoạt động trước năm 1945 và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Bên những người thân bạn bè của ông, thấy những vị lão thành cách mạng thời gian cùng ông hoạt động ở Côn Minh (mà trước đây, ông thường dẫn tôi đến thăm) nay gần như vãn cả. Chỉ còn một hai vị. Mà cũng đã yếu lắm không đến chia vui ngày hôm nay được.

Rồi người vợ thuở tao khang của Tạ Đình Đề cũng đã theo ông về cõi bốn năm nay. May gặp lại được ông Lộc, em vợ ông Đề. Ngó ông Lộc, tôi lại nhớ đến chuyện ông Đề kể ngày nào về gia cảnh cụ Đặng Thị Huyền tức nhà tư sản Nghĩa Tường giàu có tiếng ở số 8 Hàng Ngang.

Nhà Nghĩa Tường có một người con gái, bà Đặng Thị Thọ sau này trở thành vợ ông Đề. Nhà Nghĩa Tường vốn chỗ thân tình lẫn hàng xóm  gia đình ông Trịnh Văn Bô. Theo gương  hàng xóm, ông bà đã từng hằng tâm hằng sản với cách mạng trong từng thời kỳ với hàng chục vạn đồng bạc với mấy căn nhà.

Chuyện cô con gái nhà tư sản ấy theo không Tạ Đình Đề một lần ra chiến khu úy lạo là cả một câu chuyện thú vị! Không khí buổi gặp lại rôm rả hơn khi câu chuyện khó dứt ra với cụ Quách Hải Lượng, nguyên đại tá, tùy viên Quân sự Việt Nam tại Trung Quốc nhiều năm vốn bạn vong niên với Tạ Đình Đề.

Tôi thú vị khi biết vị cựu đại tá này vừa hoàn thành bản thảo cuốn Tạ Đình Đề, tuyển biên hàng trăm trang gồm những tư liệu quý về Tạ Đình Đề. Ông cũng đã làm cái việc nối mạng họ Tạ khắp nước. Như ông cho hay, họ Tạ là dòng họ lớn xưa đã có nhiều nhà khoa bảng trí thức. Đặc biệt thời hiện đại có nhiều người tham gia cách mạng.

Như Tạ Uyên, Bí thư xứ ủy lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ. Những Tạ Quang Bửu, những Tạ Quốc Luật (người bắt sống tướng De Cattri), Tạ Thị Kiều, Tạ Quang Tỷ, Tạ Thái An (thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo),  Tạ Ngọc Phách ( Trung tướng Trần Độ) vv... và vv...

Cụ Lượng rủ rỉ lẩy một câu Kiều trời còn để có hôm nay/tan sương đầu ngõ vén mây giữa giời! Thôi thì bao trầm luân oan khuất, nếu không có đổi mới với hanh thông tiến trình dân chủ thì dễ gì mà thời gian ông Đề trong tù cũng được tính là thời gian công tác liên tục? Rồi hôm nay vào dịp sinh nhật 90 năm của Tạ Đình Đề, ông đã được truy tặng Huân chương Độc lập...

Trước lúc vào buổi lễ, có một thoáng hình như tất thảy đều ngước lên vòm đa Tạ Đình Đề. Những búp lộc thoắt ngời lên trong nắng...

Ghi chép của Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.