Ai bảo vệ hơn 1.000 cây sưa bạc tỷ?

Ai bảo vệ hơn 1.000 cây sưa bạc tỷ?
TP - Gần đây, người Hà Nội sực tỉnh khi lâm tặc săn lùng, đốn hạ những cây gỗ sưa trị giá bạc tỷ. Đã có hàng chục cây gỗ sưa bị lâm tặc đốn hạ trong vài tháng qua. Làm thế nào để bảo vệ những cây gỗ quý này, và ai là người bảo vệ?

>> Tạm dừng khai thác tất cả các loại gỗ sưa
>> Dùng sưa vì mục đích tâm linh và chữa bệnh?

Điều này thực sự lo ngại, khi mà trên địa bàn Thủ đô còn trên 1.000 cây sưa.

Thảm sát cây sưa!

Đúng một năm trước (tháng 7/2006), báo Tiền phong sau khi nhận được nguồn tin từ giới buôn bán lâm sản đã có bài phản ánh và qua đó ngăn chặn cái chết của cây sưa hàng chục năm tuổi trước số nhà 35 phố Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm).

Những tưởng sau đó các cơ quan chức năng sẽ lưu tâm bảo vệ cây gỗ quý. Thế nhưng, giữa năm 2007, một “trào lưu” truy sát cây sưa đã xảy ra tại Hà Nội, báo hiệu một tương lai đáng lo ngại cho những cây gỗ quý.

Ngày 27/6/2007, một cây sưa đỏ có đường kính 30cm ngay tại ô số 12 vườn hoa Chí Linh đã “mất tích”. 10 ngày sau, 4 cây sưa đỏ quanh hồ Hoàn Kiếm cũng bị  “điểm chỉ”. Chúng bị đánh dấu gốc và lột vỏ. Khi phát hiện, Cty Công viên cây xanh đã tá hỏa tìm giải pháp bảo vệ cây. Mặc dù, 4 cây sưa chưa bị đốn hạ, song không ai dám chắc bọn lâm tặc từ bỏ ý định chặt cây.

Đặc biệt, ngày 30/7, 3 cây sưa đỏ nằm ngay ven trường tiểu học Phương Liên (sát đường Đào Duy Anh) đã bị thảm sát không thương tiếc. Cây lớn bị chặt có đường kính 20cm, cây nhỏ có đường kính 12cm.

Hai ngày sau, cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên nhà G2 khu tập thể Trung Tự cũng bị chặt. Ngày hôm sau, người dân khu tập thể đã ngỡ ngàng khi thấy cây sưa có đường kính gốc khoảng 25cm đã không cánh mà bay.

Cũng trong đêm 1/8, hai cây sưa đỏ đối diện số nhà 20 phố Kim Giang có đường kính từ 13-15cm cũng bị bọn lâm tặc xả thịt. Cùng thời gian này, một cây sưa khác tại đây cùng chung số phận.

Theo báo cáo của Cty Công viên cây xanh Hà Nội, trong 2 tháng gần đây, Hà Nội xảy ra khoảng 20 vụ chặt cây sưa, đặc biệt từ ngày 1/8 đến 20/8 đã có 9 vụ với số cây bị triệt hạ là 10 cây.

Cụ thể, ngày 3/8 một cây sưa đỏ trên đường Hùng Vương-Nguyễn Thái Học bị chặt hạ. Khi bị phát hiện, “cây tặc” bỏ của chạy lấy người. Ngày 8/8, cây sưa đỏ trăm tuổi tại công viên Đống Đa bị chặt. Ngày 10/8/2007, cây sưa đỏ cao 7m tại ngõ 1 phố Phùng Chí Kiên đã bị hạ gục và chở đi. Ngày 14/8, thêm một cây sưa cao 6m (đường kính 18cm) tại khu tập thể Trung Tự bị “khai tử”.

Đặc biệt, trong lúc dư luận đang phẫn nộ về các vụ chặt cây sưa đỏ thì ngày 20/8, một cây sưa đường kính 20 cm trước số nhà 173 đường  Xuân Thủy cũng bị “cây tặc” đốn...

Mong manh số phận của hơn 1.000 cây sưa

Ai bảo vệ hơn 1.000 cây sưa bạc tỷ? ảnh 1
Gốc cây gỗ sưa bị đốn hạ tại ô số 12 Vườn hoa Chí Linh ngày 27/6/2007. Ảnh: Công Sưởng

Chiều 21/8, làm việc với chúng tôi đại diện Sở GTCC Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.250 cây sưa nằm trên 360 tuyến phố, tại 9 quận nội thành. Trong đó cây lớn nhất có đường kính 60cm, cây nhỏ có đường kính 5-7cm.

Tỷ lệ cây sưa có đường kính 30cm trở lên chiếm khoảng gần một nửa.Trong số cây này có khoảng 850 cây nằm trên các tuyến phố, số còn lại nằm  rải rác tại các công viên, ngõ phố và nhà dân.

Chiều 21/8, Sở GTCC cũng soạn thảo văn bản gửi Thành ủy Hà Nội báo cáo về tình hình quản lý, giải pháp bảo vệ cây sưa. Theo văn bản này, để ngăn ngừa việc chặt hạ cây sưa đỏ, Sở GTCC yêu cầu Cty Công viên cây xanh phải phối hợp chặt chẽ với  công an, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương để bảo vệ cây gỗ quý. Đặc biệt phải vận động nhân dân tham gia quản lý và phát hiện những trường hợp phá hoại cây xanh trên địa bàn để xử lý.

Rõ ràng đây là giải pháp không mới và liệu nó có đủ sức mạnh để bảo vệ những cây gỗ quý? Theo nhận định của nhiều chuyên gia, gỗ sưa đỏ có giá đắt nhất khoảng 1 triệu đồng/kg. Như vậy với những cây gỗ nặng vài tạ đến một tấn có giá lên đến cả tỷ đồng.

Thế nhưng, hiện nay Hà Nội lại chưa có kinh phí cho việc bảo vệ những khối tài sản lớn này. Theo một cán bộ Sở GTCC, thành phố hiện chỉ mới chi kinh phí cho việc cắt tỉa cành, đánh số, thay thế cây mới. Vì lẽ đó, đêm xuống cây sưa trên nhiều tuyến phố dường như không ai bảo vệ.

Thêm nữa, do số cây sưa đỏ trồng rải trên 360 tuyến phố nên việc bảo vệ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chế tài xử lý đối với hành vi chặt phá cây xanh tại Hà Nội còn quá nhẹ và chỉ mang tính giáo dục là chính. Với giá trị kinh tế cao, lại nằm hớ hênh trên đường phố, số phận hàng ngàn cây sưa của Thủ đô thật khó giữ? 

Sở GTCC phải tìm giải pháp để quản lý, bảo vệ cây sưa

Trao đổi với Tiền phong vào chiều qua 21/8, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết UBND TP đã chỉ đạo CATP Hà Nội, Sở GTCC và quận Đống Đa phối hợp tìm ra thủ phạm chặt hạ gỗ sưa trên địa bàn quận Đống Đa và một số quận khác của Hà Nội và có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở GTCC xây dựng và ban hành sớm những  quy định về quản lý, bảo vệ, thanh tra giám sát đối với hệ thống cây xanh của Hà Nội, đặc biệt là đối với những loại cây quý như cây sưa.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.