Ai thao túng đất nông lâm trường? - Bài cuối: “Nhóm lợi thế” thâu tóm

Chính phủ yêu cầu rà soát toàn bộ với diện tích đất có nguồn gốc đất nông lâm trường, trong đó có cả diện tích đất giao cho cá nhân, hoặc địa phương đang quản lý.
Chính phủ yêu cầu rà soát toàn bộ với diện tích đất có nguồn gốc đất nông lâm trường, trong đó có cả diện tích đất giao cho cá nhân, hoặc địa phương đang quản lý.
TP - Đất nông lâm trường (NLT) bị buông lỏng quản lý trong thời gian dài, gây lãng phí, thất thoát. Trong cảnh “tranh tối tranh sáng” đó, nhiều diện tích đất NLT bị “nhóm lợi thế” về chức quyền, kinh tế thâu tóm “chỗ ngon” để đầu cơ, trong khi nhiều nơi người dân, doanh nghiệp cần đất sản xuất thật sự nhưng không có.

Rất dễ lọt vào tay quan chức, đại gia

Trong khi việc quản lý đất NTL còn nhiều bất cập, nhiều người dân, doanh nghiệp đang thiếu đất sản xuất, thực tế đã có nhiều quan chức, người giàu lợi dụng mua bán, thâu tóm nhiều diện tích đất NLT.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai (Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ TN&MT) cho biết, việc rà soát đất đai NLT trước đây chỉ thực hiện trên giấy, vì thế, khó nắm được tình hình trên. Trường hợp khi có thanh, kiểm tra theo khiếu nại tố cáo… mới biết có việc đó hay không.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng: “Trong sự quản lý lỏng lẻo đó, không có sự lợi dụng mới là lạ”. Theo ông, việc trục lợi ở nhiều góc độ. Chẳng hạn người được giao khoán có thể mua bán trao tay với người khác, nên người có tiền hoặc quan chức lợi dụng để tranh thủ ôm đất.

Chẳng hạn, đất NLT nằm ở các vị trí gần trục đường giao thông, đất tốt để trồng cây có giá trị như cam, cao su, cà phê… rất dễ lọt vào tay các đại gia, quan chức, nhưng vì mua bán, chuyển nhượng ngầm, rất khó phát hiện. Theo ông Chiến, sau này, khi hoàn thành hồ sơ kỹ thuật-pháp lý, hệ thống thanh tra vào cuộc, mới rõ miếng đất đó
của ai.

Việc mua bán, chuyển nhượng trên, ông Bùi Khắc Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Giống như thời kỳ sốt giá đất ở Hà Nội, một miếng đất hay căn hộ sang tay hàng chục người, nhưng đứng tên vẫn là người ban đầu”.

Theo ông Hiền, việc thao túng trên có thể hiểu là của “nhóm lợi thế”, về thông tin, kinh tế, chức quyền. Còn  bảo “ông quan” nào đó thâu tóm, có lẽ chắc ông ta cũng không đứng tên, nhưng có thể con cháu, thân hữu của họ.

Ông Hiền cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 135 về khoán, trong đó, sẽ tìm cách hạn chế việc này, chỉ có người lao động sản xuất thực sự mới được khoán. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể khai thác đất NLT sản xuất, kinh doanh, Nghị định 118 đã tính đến khâu này.

Theo đó, có 2 mô hình công ty NLT có thể thu hút đầu tư về tài chính, kỹ thuật, quản lý để nâng cao hiệu quả, là công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Khi các công ty hoạt động họ vẫn sử dụng lao động tại chỗ, tất nhiên vấn đề là tối đa hoá và phân chia lợi tức thế nào.

Tổng kiểm tra đất có nguồn gốc từ NLT

Nhìn lại câu chuyện quản lý, sử dụng đất NLT thời gian qua, ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng, vấn đề đất NLT không thể “gỡ” một sớm một chiều. Theo ông, khi có Luật Đất đai (năm 1993), đất đai được mua bán chuyển nhượng, cùng đó, Nghị định 01 (năm 1995) về giao khoán (thời gian tới 50 năm) dù hiệu quả của NLT tăng lên, nhưng vấn đề minh bạch quản lý đất vẫn nổi cộm.

Đến năm 2003, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 28 về sắp xếp đổi mới NLT, trong đó có sắp xếp nguồn lực đất đai. Khi đó, những đơn vị kinh doanh sẽ chuyển thành công ty, hoặc hoạt động theo doanh nghiệp; tiến hành cổ phần hóa.

Một phần NLT chuyển sang đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công ích (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, vườn quốc gia, trạm trại, trung tâm…). Dẫu vậy, vấn đề về quản lý đất đai NLT vẫn chưa đạt yêu cầu, những vướng mắc cơ bản chưa được giải quyết. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị ra NQ 30 (tháng 3/2014), tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông lâm nghiệp (NLN).

Theo ông Chiến, NQ 30 sẽ nhắm vào những công ty được thành lập theo NQ 28, nhưng chưa cổ phẩn hoá, sẽ tiếp tục sắp xếp. Theo đó, sẽ bóc tách những gì chưa rõ ràng về tài sản, tài chính, hạ tầng, đất đai … từ đó, làm cơ sở đánh giá giá trị doanh nghiệp, cổ phần hoá.

Để thể chế hoá NQ 30, Chính phủ có chương trình 686 và Nghị định 118 về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả công ty NLN. Tuy nhiên, với NQ 28, cả NQ 30 cũng như các nghị định, đất đai NLT chỉ là một nội dung, chưa phải là chuyên đề riêng. Vì thế, những bức xúc về vấn đề đất đai, nhất là “gói” mà các NLT trả về địa phương (phần tranh chấp, chồng lấn, vi phạm…) vẫn nóng.

Nhìn thấy vấn đề trên, sau một cuộc giám sát tối cao về đất đai NLT giai đoạn 2004-2014, Quốc hội ra NQ 112 (tháng 11/2015) và Chính phủ có Chỉ thị 11 (tháng 4/2016) để thực hiện NQ về NLT.

Theo ông Chiến, đây là một nội dung lớn, gần như bao trùm, tích hợp toàn bộ những vấn đề thuộc về đất đai NLT từ khi triển khai NQ 28. Theo đó, ngoài phần đất đai do các công ty NLN đang quản lý, lần này sẽ “quét” đến các phần đất đai có nguồn gốc từ NLT trước đây, hiện do các ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; kể cả phần đất NLT trả về địa phương “nguyên khối”  trong 10 năm qua.

Theo lãnh đạo Cục Đăng ký Đất đai, để “tổng rà soát” về đất của các công ty NLT, cũng như các đơn vị, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc NLT, trước tiên phải điều tra, khảo sát, lập hồ sơ kỹ thuật-pháp lý. Tiếp đó là điều chỉnh lại chế độ quản lý đất đai và khâu cuối là xử lý vi phạm.

Theo đó, khi lập hồ sơ kỹ thuật-pháp lý, phải đo đạc, điều tra ranh giới xác lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Dựa trên hồ sơ kỹ thuật- pháp lý đó mới biết cá nhân, tổ chức nào làm đúng- sai, mua bán, chuyển nhượng... thế nào; lúc đó đến phần thanh, kiểm tra xử lý sai phạm. Tuy nhiên, hiện việc triển khai các khâu ở các địa phương rất chậm theo yêu cầu.

Hiệu quả thấp, nhiều sai phạm

Đánh giá của Đoàn giám sát (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) năm 2015, về thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị trong việc sắp xếp, đổi mới NLT quốc doanh (giai đoạn 2004-2014) cho thấy, dù có chuyển biến, nhưng vấn đề quản lý, sử dụng đất NLT còn nhiều bất cập. Trong 10 năm đó, tổng nộp ngân sách của các NLT chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng (tính ra mỗi năm 180 tỷ đồng). Hầu hết các NLT chuyển đổi tên gọi thành công ty, ban quản lý nhưng chỉ “bình mới, rượu cũ”.

Đoàn giám sát đánh giá, việc rà soát hiện trạng đất cũng chỉ mới thực hiện trên giấy tờ, sổ sách, không đo đạc, cắm mốc ranh giới. Phần lớn các NLT khi đổi thành doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc thuê đất theo Luật Đất đai.

Tại một số công ty sau khi được cổ phần hóa, quản lý đất đai tiếp tục lỏng lẻo. Một số NLT phần lớn diện tích đất trước đây giao khoán cho người lao động nhưng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép trước khi cổ phần hóa, nên không thu hồi được. Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra, trong việc giao khoán đất NLT có nhiều sai phạm, khoán không đúng đối tượng trực tiếp sản xuất. 

MỚI - NÓNG