An sinh dưới tán rừng

Một lò hầm than bị giải tỏa
Một lò hầm than bị giải tỏa
TP - Vườn quốc gia Mũi Cà Mau ở giữa những tuyến dân cư “hái lượm”. Người dân vào rừng chặt cây, lấy gỗ đốt than, rồi ra bãi biển bắt con giống thủy sản để bán.

> Máu đỏ giữa rừng xanh

Xóm Lò thành xóm Nghêu Tặc

Khu dân cư bên rạch Mũi, đối diện trụ sở xã Đất Mũi là ấp Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) hồi trước được người dân gọi là xóm Lò. Bà con lấy gỗ, hầm (đốt) than, bán.

Vài năm lại đây, xóm Lò đổ xô ra bãi Khai Long cào nghêu giống tự nhiên, cào trên diện tích của các HTX nuôi nghêu nên mang tiếng là xóm Nghêu Tặc.

Dân ấp Kinh Đào Tây là người tứ xứ di cư đến, dựng nhà, kiếm sống. Người dân vào rừng bắt cua, ốc, vọp… hay ra biển giăng lưới, đóng đáy bắt cá tôm, cào nghêu.

Ông Phan Văn Cấm, 70 tuổi, ở ấp Kinh Đào Tây, nói: “Xóm Lò là lò hầm than nhưng chúng tôi không phải là xóm Nghêu Tặc. Bà con ra bãi biển cào nghêu tự nhiên, lộc trời cho, không ăn cắp ăn trộm ai hết”.

Ấp Kinh Đào Tây có 198 hộ, phần lớn bà con chỉ có đất ở, không đất sản xuất nên ấp có 35 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Trưởng ấp Kinh Đào Tây nói: “Bà con ở đây không vào rừng bắt ốc, mò cua, bắt vọp… thì xuống biển giăng lưới, đóng đáy mé. Rừng có gì, biển có gì bà con bắt, bán có tiền là bắt”.

Đỗ Út Lớn, Đỗ Út Nhỏ cùng người dân chạy vỏ lãi ra biển cào nghêu, va chạm với lực lượng bảo vệ, phạm tội “chống người thi hành công vụ”.

Ông Đỗ Văn Thảo làm đơn xin cho các con tại ngoại, chờ xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, TAND huyện Ngọc Hiển tuyên phạt Đỗ Út Lớn 18 tháng tù, Đỗ Út Nhỏ 12 tháng.

Ông Phan Văn Dũng nói: “Bà con không nghề nghiệp, không đất đai, cấm vào rừng xuống biển thì khó, chưa biết tính cách nào”.

Áp lực dân cư lên rừng

Một lò hầm than bị giải tỏa
Một lò hầm than bị giải tỏa.
 

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (VQG) lọt giữa các cụm, tuyến dân cư các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân.

Xã Đất Mũi có hơn 3.690 hộ dân với khoảng 16.000 người ở giữa VQG tỷ lệ tăng dân số bình quân 1-1,5%/năm. Đất Mũi Cà Mau đi ra biển, rừng lấn biển. Dòng người di cư lấn dần theo đất rừng, bãi bồi.

Người dân tại chỗ, di dân tự do khai thác thủy sản vùng bãi bồi, vào rừng bắt cua, lấy cây hầm than.

Ông Nguyễn Văn Mốt (Sáu Mốt) ở ấp Mũi, xã Đất Mũi nhớ lại: “Cha mẹ tôi có ngôi nhà trong vàm Ông Trang, cách đây gần 7 cây số. Anh em tôi lớn lên, lập gia đình, cất nhà lấn dần ra chót Mũi. Ngày trước, tôi làm Trưởng ấp Mũi có hơn 100 hộ dân, nay tách ra thành 4 ấp mà mỗi ấp có vài trăm hộ dân”.

Cư dân khu vực VQG tại các xã Đất Mũi, Viên An (Ngọc Hiển), Lâm Hải, Đất Mới (Năm Căn) và Nguyễn Việt Khái (Phú Tân) có số hộ nghèo hơn 1,3%.

Nhưng nghề nghiệp thiếu ổn định. Khảo sát thực tế của VQG cho thấy xã Đất Mũi có đến 26,9% hộ nghèo, xã Viên An 5%, xã Nguyễn Việt Khái 6,2%.

Các xã này còn 20% người mù chữ, 49% có trình độ tiểu học và 23% có trình độ THPT.

Ông Trương Văn Sệ, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, xã có hơn 1.000 hộ có đất nuôi tôm, số còn lại hơn 2.900 hộ sống dựa vào tài nguyên dưới tán rừng, ven biển. Áp lực dân sinh đè nặng lên việc quản lý rừng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng các sở, ngành, UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và các xã vừa có cuộc khảo sát thực địa và nhóm họp đề giải pháp trước mắt và lâu dài giữ và phát triển VQG.

Ông Trần Quốc Tuấn, GĐ VQG Mũi Cà Mau nói: “90% dân số có nhu cầu cây gỗ cất nhà ở, chất đốt, làm dụng cụ khai thác ven bờ. Đặc biệt, nghề hầm than đước âm ỉ cháy, gây áp lực lên rừng không nhỏ. May, rừng ngập mặn Mũi Cà Mau tái sinh nhanh, phủ lại màu xanh khu vực bị tỉa thưa, chặt chọn”.

Những năm qua, VQG lập dự án phát triển vùng lõi, vùng đệm và phát triển du lịch sinh thái đã hết thời hạn thực hiện nhưng kết quả không đáng kể và tồn tại mâu thuẫn.

Ông Tuấn nói: “Ba dự án trên phải thực hiện đồng bộ để hỗ trợ, phát triển hiệu quả nhưng thực tế triển khai đã đi ngược quy trình nên việc bảo vệ rừng, khôi phục tài nguyên biển càng khó khăn”.

Kể từ khi thành lập, VQG lập dự án bảo vệ, phát triển vùng lõi với tổng mức dự toán hơn 75 tỷ đồng nhưng vì thiếu vốn nên chỉ thực hiện được 22%.

Lão ngư Trần Văn Cấm, ở ấp Kinh Đào Đông (Ngọc Hiển) nói: “Phần đông người dân không đất nuôi tôm, sống chủ yếu dựa vào khai thác ven biển và tán rừng. Người dân vào rừng cũng bị cấm, ra biển cũng bị đuổi thì sao sống? Bãi nghêu giống Khai Long nên cho dân khai thác, có quản lý và thu thuế người mua nghêu giống. Người dân được hưởng lợi từ nghêu giống tự nhiên sẽ giảm chặt phá rừng”.

Ngày 12-4, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Về lâu dài, các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn… quy hoạch cụm tuyến dân cư và tạo việc làm để người dân không còn chặt phá cây rừng hầm than để sống”.

VQG Mũi Cà Mau có tổng diện tích 41.862 ha, trong đó phân khu bảo tồn biển 26.600 ha, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.203 ha, khu vực phục hồi sinh thái 2.859 ha và khu hành chính dịch vụ 200 ha. Vùng đệm có dân cư ở dưới tán rừng hơn 8.194 ha.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG