Ăn Tết chỉ sợ thực phẩm bẩn: [Bài 1] Ăn để sống, ăn để chết?

Ăn Tết chỉ sợ thực phẩm bẩn: [Bài 1] Ăn để sống, ăn để chết?
Mùa tết, thông tin về thực phẩm bẩn dồn dập. Đến mức, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phải đề nghị các lực lượng Quản lý thị trường xem xét, chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự những vụ vi phạm nghiêm trọng.

Cục An toàn thực phẩm vừa công bố trong năm 2015 có 200 vụ ngộ độc thực phẩm, nạn nhân là 5.000 người, trong đó có đến 30 chết sau khi ăn. Cũng thông tin từ ngành y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 người mắc bệnh ung thư. 30% trong số đó có nguyên nhân từ thực phẩm.

Những con số đúng như lo lắng của ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, “chưa bao giờ đường từ bàn ăn đến nghĩa địa lại ngắn đến như vậy”.

Bao nhiêu người đang ăn thịt thối, mỡ bẩn?

Cách đây chưa lâu, người tiêu dùng bị một phen bàng hoàng khi các lực lượng chức năng ở Bình Dương bất ngờ bắt giữ được 5 tấn thịt heo đã nổi hạch, chảy nước vàng, có mùi hôi thối đang chuẩn bị được đưa đến thị xã Thuận An để bán vào các chợ ở khu có nhiều công nhân và người lao động nghèo. Trong số ấy, có nhiều thịt heo chết, thịt đang trong giai đoạn phân hủy.

Thế nhưng, không phải cứ người thu nhập thấp mới phải mua thịt giá rẻ và gánh chịu rủi ro ăn phải thịt thối, kém chất lượng. Ngay cả những người có tiền cũng đang là nạn nhân. Bằng chứng là vừa mới đây, tại Bình Phước, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ gần một tấn thịt heo thối của một cơ sở kinh doanh ở xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có chưa trữ nhiều dụng cụ để xịt sơn vào lông heo để làm giả heo rừng lai. Số thịt và xương heo còn tồn được chứa trong các thùng xốp, trữ lạnh, chờ để đưa đi tiêu thụ vào dịp tết nhưng lại bốc mùi hôi thối, có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số thịt heo. Điều này đồng nghĩa không kiểm soát được số thịt có đươc kiểm dịch khi giết mổ hay không.

Như tại Thường Tín (Hà Nội), khi nhóm phóng viên theo chân một xe tải chở 40 con heo, thâm nhập một lò mổ, cả 40 con heo đều được giết mổ không tuân theo bất kì quy trình kiểm tra thú y nào. Khi xe chở heo đến lò mổ, trạm kiểm dịch thú y đóng cửa im lìm. Hoạt động giết mổ heo diễn ra trong cả đêm. Nhưng phải đến khi gần sáng, cán bộ trạm thú y thuộc huyện Thường Tín mới có mặt. Chỉ bằng hai cú lăn con dấu kiêm dịch lên miếng thịt heo, cán bộ thú y điềm nhiên thu phí và ra về. Với cách kiểm dịch này, thì heo có bị bệnh hay không, có đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, chắc chỉ có 40 con heo ấy mới biết được. Món thịt heo trong mâm cơm của mỗi gia đình có phải thịt sạch hay thịt bẩn, tất cả chỉ là hên xui.

Rủi ro trên chính mâm cơm

Rau xanh, thịt, cá… là những thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn của các gia đình. Thế nhưng, chính những cơ quan chức năng kiểm soát thị trường lại đang thừa nhận đang gặp khó trong việc kiểm soát chất lượng. Bữa ăn, với rau, thịt, cá là nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho sức khỏe con người. Thế nhưng, những nguy cơ bào mòn, tổn hại sức khỏe người tiêu dùng lại đang hiện hữu trên mâm cơm của không biết bao nhiêu người. Bởi thực tế, rau xanh thì có đến 40/120 mẫu mang kiểm kiểm nghiệm cho kết quả còn tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Nguyên nhân của thực trạng này là do thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, không tuân thủ bất cứ nguyên tắc hay hướng dẫn sử dụng nào của nhà sản xuất. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, khi kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở 11.000 hộ nông dân, có đến 20% trong số đó vi phạm quy định.

Với thịt gia súc, gia cầm thì không chỉ là thịt thối, mất vệ sinh, mà còn có cả thịt độc hại. Kết quả kiểm nghiệm 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm thì có đến 61,6% không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. “Người sản xuất của ta ý thức quá kém. Khi chỉ vì mục đích để làm vàng sản phẩm thịt gà thì người ta sử dụng chất vàng ô, một loại chất cấm để làm thay đổi ADN và gây ung thư. Nguy hại như vậy mà vẫn vô tư đưa vào sử dụng”, bà Lê Thị Hồng Hảo, phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm thực phẩm (Bộ Y tế) lo lắng.

Ăn Tết chỉ sợ thực phẩm bẩn: [Bài 1] Ăn để sống, ăn để chết? ảnh 1

Sản xuất quẩy bằng dầu đen, dầu bẩn tại Hoài Đức, Hà Nội.

Ăn Tết chỉ sợ thực phẩm bẩn: [Bài 1] Ăn để sống, ăn để chết? ảnh 2

Ông Đỗ Hữu Tuấn, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định, có quá nhiều cơ sở chăn nuôi làm ăn gian dối, khó kiểm soát. Trên thực tế, có đến 80% số mẫu thức ăn chăn nuôi lấy kiểm nghiệm cho kết quả có chứa chất tạo nạc, chất tăng trưởng thuộc nhóm chất bị cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất và người chăn nuôi vẫn bất chấp để sử dụng vì lý do thịt heo dùng chất cấm lại ngon mắt và được giá hơn heo không dùng chất cấm.

Bột ngọt “made in Vietnam” sản xuất tại Trung Quốc

Không chỉ rau thịt, nhưng nguyên liệu chính cho bữa ăn của mỗi gia đình đang bị bủa vây bởi nguồn thực phẩm bẩn, mà nguy cơ còn đến từ cả những gia vị trong nấu ăn. Ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi là đầu mối trung chuyển hàng tiêu dùng cho nhiều tỉnh khu vực miền Bắc – đang tấp nập vào mùa hàng tết.

 Không khó để tìm thấy bột ngọt loại hai, tức sản phẩm có nhãn mác, bao bì theo tên của hàng chính hãng, nhưng thực chất được đóng gói tại Thổ Tang. Khi chúng tôi có mặt tại đây, chính những người bán hàng này cho biết, loại bột ngọt Ajinomoto đang bán chỉ có điểm khác biệt duy nhất là mép trên của bao bì dập thủ công nên còn lọt những ô có không khí lem nhem, chứ không được dập cả bốn đường mép bao bì như của nhà sản xuất. Theo tiết lộ của các têu thương, đa số đều mua bột ngọt Trung Quốc về đóng bao bì của các hãng lớn.

Cách làm này cũng đang được áp dụng tại TP HCM, khi Chi cục quản lý thị trường địa phương này vừa kiểm tra và phát hiện một cơ sở dùng bột ngọt Trung Quốc đóng bao bì thành bột ngọt Việt Nam.

Theo Theo Bạch Hoàn (Báo Ngày Nay)
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.