APEC ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu
TPO - Tuần lễ an ninh lương thực APEC năm 2017 đã được khởi đầu bằng hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững” diễn ra sáng 18/8 tại Cần Thơ.

 Tham dự sự kiện có khoảng 130 đại biểu đại diện lãnh đạo của các cơ quan khí thượng thủy văn từ 21 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 gồm: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…; các nhà nghiên cứu về khí hậu và nông nghiệp, nhà kinh tế nông nghiệp, tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc…

Ông Nguyễn Linh Ngọc-Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, an ninh lương thực luôn được đề cao trong hợp tác APEC, do khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cung ứng khoảng 55% tổng sản lượng nông sản thế giới. Đồng thời, an ninh lương thực là mục tiêu thứ hai trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. “Trong những năm gần đây, APEC đã chú trọng nhiều hơn đến việc giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Đồng thời, an ninh lương thực gắn với nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp các nền kinh tế ứng phó hiệu quả hơn với các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu”-Thứ trưởng Ngọc nói.

 Theo Thứ trưởng Ngọc, hội thảo còn là cơ hội để nâng cao hiểu biết về vai trò của thông tin thời tiết, khí hậu đến an ninh lương thực toàn cầu. Đồng thời, tác động của thời tiết, khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tích ứng.

APEC ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1

An ninh lương thực là một trong 4 vấn đề chính được APEC 2017 ưu tiên

 Ông Đào Anh Dũng-Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nói rằng, ĐBSCL có lợi thế sản xuất nông nghiệp và là nơi sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản chủ lực của Việt Nam, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% lượng thủy sản xuất khẩu và trên 50% rau quả cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình tình thời tiết thủy văn diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong hơn một thập niên qua, đặc biệt là đợt ngập lụt vào năm 2011 và xâm nhập mặn 2016 đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của toàn vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến ổn định xã hội và cộng đồng dân cư.

APEC ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 2

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về biến đổi khí hậu,  những diễn biến bất thường và khó dự báo của thời tiết làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản. “Hiện nay Cần Thơ đang xây dựng nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị quy mô lớn và tăng trưởng xanh. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống kết nối tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường khai thác tài nguyên theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”-ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Tuần lễ còn là cơ hội để Cần Thơ xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch địa phương. Cụ thể sẽ tổ chức các hội chợ, triển lãm nông sản sạch và an toàn; triển lãm các mô hình tiêu biểu ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp tại những điểm diễn ra sự kiện. Đồng thời, phối hợp với các  địa phương trong vùng ĐBSCL thiết kế tour du lịch mang đậm bản sắc miệt vườn sông nước và lồng ghép với tham quan những mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái tiêu biểu của vùng.

 Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” do Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với UBND TP.Cần Thơ và Ban Thư ký APEC tổ chức diễn ra từ ngày 18 – 25/8. Trong thời gian này diễn ra trên 20 cuộc họp, hội thảo, hội nghị, trong đó, “Hội nghị cấp Bộ trưởng” sẽ thu hút đông đảo lãnh đạo cao cấp của các nền kinh tế thế giới cùng hơn 500 đại biểu tham dự. Ngoài hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững”, còn có nhiều hội thảo quan trọng khác, điển hình như hội thảo Thách thức với an ninh lương thực và an ninh nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu khu vực APEC…

APEC năm 2017 đưa ra 4 chủ đề ưu tiên, gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên thứ tư do Việt Nam đề xuất và nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên APEC.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.