B. Gluck: Biết Việt Nam là một hạnh phúc trong cuộc đời

B. Gluck: Biết Việt Nam là một hạnh phúc trong cuộc đời
"Tôi muốn nói rằng được biết về đất nước và nhân dân Việt Nam cũng như sự thay đổi của họ và của bản thân tôi là một hạnh phúc trong cuộc đời".

Cựu phóng viên ảnh chiến trường người Mỹ Barbara Gluck đã tâm sự như vậy trong cuộc trao đổi thân tình với phóng viên TTXVN ngay sau khi bà đáp máy bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Hà Nội.

Bà cho biết một trong những lý do của chuyến thăm Việt Nam lần này là chụp ảnh về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam sau 32 năm cho một bộ sưu tập gồm những bức ảnh của bà chụp trước đây trong chiến tranh và những bức ảnh mới chụp trong chuyến đi này.

Bà nói: "Tôi đang tiến hành chụp ảnh những phụ nữ vĩ đại của Việt Nam. Vì lý do này tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ công chức trong chính phủ, những phụ nữ là nhà báo, bác sĩ và luật sư. Tôi thấy phụ nữ ngày càng có vị trí xã hội cao hơn".

Bà cho biết sau chuyến thăm này bà dự định sẽ tổ chức một triển lãm về những bức ảnh chụp lần này với mục đích "để mọi người thấy sự thay đổi ở đất nước và con người Việt Nam, một đất nước không chỉ vượt qua chiến tranh mà còn phát triển mạnh mẽ. Cuộc chiến đã tôi luyện thêm ý chí và nghị lực của con người Việt Nam".

Bà Barbara đến thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/3 theo lời mời của các bạn Việt Nam để tham dự lễ họp mặt tổ chức tại khách sạn Equatorial TP Hồ Chí Minh cuối tháng 3.

Sắp tới bà cũng sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ nữa của những cựu phóng viên báo chí đưa tin về chiến tranh Việt Nam dự định tổ chức vào cuối tháng 4.

Trong thời gian chiến tranh, bà Barbara đã ở miền nam Việt Nam tổng cộng gần 4 năm (1968, 1969, 1972 và 1973) để chụp ảnh, đưa tin về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Bà nói: "Nghề phóng viên ảnh đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Sống và đối mặt với sự nguy hiểm đã giúp tôi hiểu cuộc đời này sâu sắc hơn."

Trở lại Việt Nam sau hơn 3 thập kỷ, bà Barbara rất có ấn tượng về cuộc sống và những thay đổi nơi đây, bà nói "có nhiều nhà hàng, khách sạn đẹp nhưng cũng có nhiều người vẫn giữ được nếp sống truyền thống." "Tỷ lệ người dân Việt Nam biết chữ rất cao là một điều tuyệt vời. Trẻ em được giáo dục ở tất cả các cấp. Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất nhanh. Người Việt Nam rất chan hòa, rộng lượng, đầy tình thương yêu và tốt bụng".

Được thăm lại một số nơi mà bà đã từng chụp ảnh, bà xúc động nói: "Ngày 19/5/1968, tôi cùng một số phóng viên lên nóc khách sạn Rex chụp cảnh Mỹ ném bom Chợ Lớn và bây giờ tôi lại được tới đó chụp ảnh cũng từ nóc khách sạn này vào ban đêm ghi lại cuộc sống thay đổi nơi đây, những cảnh ô tô và xe máy chạy nhộn nhịp dưới đường".

Trong thời gian ở TP HCM, bà dành nhiều thời gian đến thăm địa đạo Củ Chi. Bà cho biết trước đây bà đã từng nghe nói về địa đạo này nhưng chưa được đến thăm. "Tôi thấy rất ngạc nhiên vì ở đó có nhiều cửa hầm rất nhỏ mà người Mỹ sẽ không thể chui vào được, nhưng người Việt Nam lại có thể dễ dàng làm được việc đó.

Địa đạo Củ Chi là một biểu tượng của sức mạnh, sự bền bỉ và trí thông minh của người Việt Nam. Ở Củ Chi, người ta đã làm những mô hình về hầm tránh bom B52 và các loại bom khác và điều này khiến tôi cảm thấy thật thú vị".

Trong thời gian làm phóng viên ảnh chiến trường ở Việt Nam, bà Barbara là phóng viên nữ chụp ảnh duy nhất đã bay cùng với đội bay B52 của Mỹ ném bom 14 giờ trên bầu trời miền bắc Việt Nam và bà cũng đã ở cùng với một đội du kích Việt Nam tại căn cứ của họ 24 giờ để chụp những bức ảnh chân thực nhất về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.