'Bà hỏa' rình rập nhiều chợ ở Sài Gòn

Cháy cửa hàng hóa chất rạng sáng 7/3
Cháy cửa hàng hóa chất rạng sáng 7/3
TP - Hôm qua 7/3, chợ hóa chất Kim Biên ở quận 5, TPHCM đã bị “bà hỏa” ghé thăm. Dù được cảnh báo về nguy cơ cháy nổ ở đây song công tác phòng ngừa cháy nổ vẫn không được quan tâm.

Rạng sáng 7/3, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi cửa hàng hóa chất tại chợ Kim Biên. Theo thông tin người dân phản ánh, khoảng 3 giờ 45 phút, nhiều người dân quanh khu vực phát hiện khói lửa bốc lên từ tiệm hóa chất Trần Tiến số 94 đường Gò Công, phường 13, quận 6.

Ngay lập tức người dân hô hoán cho chủ cửa hàng và sử dụng các biện pháp chữa cháy tại chỗ dập lửa đồng thời điện báo cơ quan chức năng. Nghe tiếng hô hoán, một nhân viên đang ngủ trong cửa hàng đã trèo qua ban công của cửa hàng để thoát thân.

Nhận được tin báo, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã điều động 15 xe chữa cháy của các quận 1, 6, 8 và 2 xe thang cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ đến hiện trường để triển khai công tác chữa cháy. Công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn do cửa hàng chứa toàn hóa chất. 

Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, vụ cháy được dập tắt. Không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ cửa hàng hóa chất Trần Tiến bị thiêu rụi.

“Ở chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh hầu hết quầy sạp dùng loại cửa tôn cuốn che kín toàn bộ khi nghỉ bán nên khi xảy ra cháy bên trong một quầy sạp nào đó, công tác phát hiện kịp thời lúc mới xảy ra cháy là rất khó”.

Anh Hoàng, cán bộ Ban quản lý chợ

Theo ghi nhận của PV vào chiều 7/3, hầu hết các cửa hàng tạp hóa, bán hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên được trang bị PCCC rất sơ sài. Mỗi cửa hàng chỉ có một đến hai bình CO2 mini, ngoài ra không có bất kỳ một vật dụng chữa cháy nào khác. Ngoài ra, nhiều cửa hàng hệ thống điện đã rất cũ, dây điện, bóng điện đã lâm vào tình trạng “hết hạn sử dụng”. 

Nhiều cửa hàng trang bị hệ thống bình CO2 nhưng cất kỹ trong các góc ngách của cửa hàng. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì rất khó khăn để đưa những bình cứu hỏa này ra để dập lửa.

Ông Võ Hùng Tâm, quản lý cửa hàng hóa chất Tân Kim Long ở chợ này cho biết: Cửa hàng có diện tích trên 32m2 và có 2 bình cứu hỏa mini. Tuy nhiên, theo quan sát, hai bình cứu hỏa này đã lâu, các chốt sắt, vòi cứu hỏa đã lâm vào tình trạng gỉ đen. Cơ sở này chuyên kinh doanh hóa chất nhưng hệ thống điện lại sử dụng nhờ của công ty bên cạnh.

Tình trạng cũng tương tự ở cửa hàng kinh doanh hương liệu Hạnh Xuân khi có 2 bình chữa cháy mini được đặt trong góc nhà. Khi PV yêu cầu được xem bình cứu hỏa để ở đâu, nhân viên cửa hàng phải di chuyển nhiều đồ đạc trong cửa hàng mới có thể lấy được bình CO2 ra ngoài.

Bà hỏa rình rập tại nhiều chợ khác ở TPHCM

Theo thống kê từ Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, hiện địa bàn này có hơn 350 chợ và trung tâm thương mại, trong đó có 161 chợ, hàng ngày có lượng lớn người dân đến đây tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên rất nhiều chợ trong số này luôn phấp phỏng nỗi lo “bà hỏa” ghé thăm. 

Không chỉ tại chợ hóa chất Kim Biên, lối thoát chật hẹp và các điểm tiếp nước hư hỏng mà tại chợ Bình Tây (chợ Lớn), ở quận 6, hàng hóa khô chất đống nằm san sát nhau nhưng việc đảm bảo an toàn cháy nổ bị bỏ ngỏ. 

Tại cửa hàng thực phẩm khô số 6 ở chợ này, người bán hàng còn trả lời bình chữa cháy mini không có ý nghĩa gì. “Một khi có cháy nổ thì có lực lượng quản lý chợ và PCCC rồi nên chúng tôi không trang bị bình chữa cháy mini”- người này cho hay.

Ông Lê Hoàng Định - Phó Ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết để “bà hỏa” không ghé thăm chợ trong mùa khô này, cần phải tuyên truyền cho tiểu thương biết về PCCC. “Mỗi ngày, chúng tôi đều có 4 tổ PCCC gồm 20 người luân phiên nhau trực ca, giám sát và nhắc nhở 24/24 các vấn đề sinh hoạt của bà con tiểu thương” - ông Định nói. 

Theo ông Định, ở chợ này có quy định không hút thuốc hay thắp hương ngay tại quầy sạp. Theo quan sát, 16 cửa ra vào chợ này đều có hệ thống báo cháy, bình chữa cháy, máy phát, máy xăng, máy điện và lòng hồ chứa 32 khối nước luôn đầy đủ, sẵn sàng khi có sự cố.

Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM nói: “Qua vụ cháy chợ nghiêm trọng ở Quảng Ngãi, Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cũng đã chỉ đạo tăng cường hơn nữa về kiểm tra, phúc tra, rà soát và kiên quyết xử lý chấn chỉnh những trường hợp vi phạm an toàn PCCC tại các chợ và trung tâm thương mại. Việc làm này diễn ra thường xuyên và không bao giờ được lơ là”.

Quan sát ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, các quầy sạp nơi đây nhỏ, hàng hóa lại trữ quá nhiều, trang thiết bị PCCC tại chỗ thiếu, thậm chí không hoạt động. Ở chợ Bà Chiểu có khoảng 1.500 quầy sạp, tính bình quân mỗi quầy sạp chỉ rộng khoảng từ 1,2- 1,5 m2, lối thoát hiểm lại nhỏ. Ở chợ Tân Bình có gần 3 nghìn sạp chen chúc nhau nhưng nhiều sạp trong số này không có trang bị chữa cháy. Chợ Dân Sinh với hơn 6.500 quầy sạp chen chúc nhau, trong khi lối thoát hiểm vừa thiếu, lại vừa bị che chắn hoặc bị tận dụng vào việc buôn bán.

MỚI - NÓNG
Người dân KĐT Thanh Hà phải lấy nước từ xe stec trong đợt khủng hoảng nước sạch năm 2023
Mở giếng khoan, bổ sung nước ngầm mùa nắng nóng
TP - Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giấy phép nâng cấp công suất khai thác nước dưới đất cho bãi giếng Mai Dịch. Cùng với nguồn nước ngầm dự phòng sẽ cung cấp thêm cho thành phố khoảng 100.000m3/ngđ để phục vụ người dân cao điểm nắng nóng năm nay.