Ba người “khùng” trên đỉnh Quế

Ba người đàn ông Cơ Tu trong buổi khánh thành khu du lịch sinh thái đỉnh Quế (ảnh lớn), ông Clâu Hạnh - người khởi xướng mở khu du lịch (ảnh nhỏ). Ảnh: NVCC.
Ba người đàn ông Cơ Tu trong buổi khánh thành khu du lịch sinh thái đỉnh Quế (ảnh lớn), ông Clâu Hạnh - người khởi xướng mở khu du lịch (ảnh nhỏ). Ảnh: NVCC.
TP - Mặc bị cho là “khùng”, ba người đàn ông dân tộc Cơ Tu rủ nhau góp hơn 600 triệu đồng để mở khu du lịch sinh thái trên đỉnh Quế. Năm tới, đỉnh núi đẹp không kém Sa Pa này sẽ là ngã tư nối sang Lào với huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam).

Đẹp không kém Sa Pa

Nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mặt nước biển, đỉnh Quế (thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang) được coi là ngọn núi đẹp nhất tỉnh Quảng Nam bởi quanh năm sương mù bao phủ trắng xóa. Gọi là đỉnh Quế vì trước kia, nơi đây toàn là rừng rậm nguyên sinh, riêng một ngọn đồi toàn cây quế. 

Trước kia, người Cơ Tu thường bóc vỏ quế bán cho thương lái để kiếm thêm thu nhập. Từ khi tỉnh cho san ủi một phần rừng để thông đường nhựa nối liền các xã và liên thông ra cửa khẩu với Lào, khu đất rộng rãi bên cạnh không được quản lý, dân làng cũng không ai ngó tới. Nhiều lần nhìn núi non hùng vĩ, khu đất nằm ở vị trí giao thông thuận lợi mà bị lãng quên, ông Clâu Hạnh (thôn Voòng) tiếc đứt ruột.

“Đỉnh Quế vốn là một khu rừng nguyên sinh quanh năm xanh tươi. Đứng từ đây có thể nhìn sang Lào, huyện Nam Giang và A Lưới, mây mù phủ trắng quanh năm mà bỏ không thì quá phí. Tôi cũng đã có dịp đi nhiều nơi, thấy quê mình cũng đẹp không thua kém gì những địa danh nổi tiếng khác. 

Những vùng núi cao như Sa Pa, Hà Giang hay Đà Lạt, người dân sống no đủ cũng nhờ làm du lịch. Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ về việc làm du lịch ở Tr’hy, chọn đỉnh Quế là điểm nghỉ chân cho khách phượt”, ông Clâu Hạnh nói.

“Mô hình du lịch sinh thái do Clâu Hạnh và hai người bạn cùng làm quả thực rất hay. Đỉnh Quế có tầng sinh thái tiềm năng nên việc đầu tư để làm du lịch là hoàn toàn có cơ sở. Huyện cũng đã thống nhất với ba hộ sẽ xây dựng đề án phát triển tổng thể nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mới đầy tiềm năng của Tây Giang”. 

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Đầu năm 2013, ông Clâu Hạnh làm đơn lên chính quyền xã Tr’hy bày tỏ nguyện vọng mượn khu đất ở khu vực đỉnh Quế để làm khu du lịch sinh thái. Do đất để không, nên nguyện vọng của ông dễ dàng được chính quyền thông qua. 

Ngay sau đó, ông cầm cố, vay mượn ngân hàng 150 triệu đồng, cùng số vốn 100 triệu đồng tích cóp bao nhiêu năm rồi thuê máy múc lên san ủi mặt bằng. Thấy ông chi một số tiền “khủng” để đầu tư một dự án không biết trước kết quả, nhiều người dân đi qua lắc đầu ngán ngẩm bảo ông khùng. 

Người thân ông lúc đầu nằng nặc phản đối, nhưng sau đó thấy được tâm huyết của ông nên cũng chấp nhận. Thấy Clâu Hạnh quyết tâm làm, hai người bạn của ông là Ploong Lai và Bling Apú cũng tỏ ý xin góp vốn. Được Clâu Hạnh gật đầu, Lai và Apú vay vốn góp thêm 350 triệu nữa cùng bắt tay làm.

Sau vài tháng san lấp đất, 10 ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống người Cơ Tu mọc lên san sát nhau. Trong đó có 5 ngôi nhà khách phục vụ nghỉ dưỡng qua đêm cho khách du lịch, 2 nhà hàng, 1 nhà kho và 2 khu vệ sinh. 

Nhà khách làm từ gỗ rừng, đổ nền bê tông kiên cố, lát gạch hoa bóng loáng, trang trí hoa văn đậm chất Cơ Tu. Du khách đến tham quan đỉnh Quế, sau đó quay lại chân đỉnh thuê phòng nghỉ qua đêm. Nếu khách có nhu cầu, 3 người dân bản địa đang quản lý khu sinh thái sẵn sàng làm hướng dẫn viên dẫn đường.

Ba người “khùng” trên đỉnh Quế ảnh 1 Trắng xóa mây mù che phủ đỉnh Quế.

“Đặc sản” mây và thác

Có dịp đi lên đỉnh Quế mới thấy được lời ông Clâu Hạnh ví von nơi đây chẳng thua gì Sa Pa là hoàn toàn có cơ sở. Thời tiết ở đỉnh Quế mát mẻ, có những thời điểm lạnh cắt da cắt thịt, khách phải mặc vài lớp áo khoác dày. Vào hai thời điểm sáng sớm và chiều tà, những ngọn núi điệp trùng lúc hiện lúc ẩn dưới làn mây mù vẽ nên một bức tranh mờ mờ ảo ảo tuyệt đẹp.

“Khắp vùng núi này, chỉ có đỉnh Quế mới có thời tiết đặc biệt đến vậy. Mây ở đỉnh Quế sáng sớm kéo dài đến 9-10h sáng mới tan, đứng gần nhau chẳng thấy mặt người. Buổi chiều từ 3h thì mây đã buông, ánh mặt trời chiếu rọi qua làn mây mỏng hắt xuống sườn núi một khung cảnh đỏ vàng lộng lẫy. Khách muốn thưởng thức vẻ đẹp tuyệt mỹ thì phải tranh thủ đi vào hai thời điểm này”, ông Clâu Hạnh cho biết.

Ở phía trên đỉnh Quế là thác suối dựng đứng Ra-ai đổ từ đỉnh A Rùng (giáp Lào), quanh năm nước trong vắt, tung bọt trắng xóa. Cách đỉnh Quế 10km đường nhựa là khu rừng nguyên sinh Pơ mu, trong đó có 725 cây Pơ mu vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Ngoài ra, còn hàng loạt tầng sinh thái gồm các cây gỗ và dược liệu quý như dổi, sến… chưa từng được khai thác.

Chị Tangôn Thị Đào, nhân viên khu du lịch, cho biết: “Khách đến đây khoái không khí trong lành và khung cảnh núi rừng hùng vĩ lắm, đặc biệt là tắm thác. Thấy họ khen quê mình đẹp, mình cũng thấy ấm cái bụng”. Theo chị Đào, phần lớn khách du lịch đến từ Hội An, Đà Nẵng. Du khách nước ngoài cũng có. 

Họ đi theo nhóm, rồi qua đêm ở đỉnh Quế. Hôm chúng tôi đến, có một nhóm phượt từ Hội An lên, họ nhờ chị Đào dẫn đường đến thác Ra-ai để tắm suối; chiều buông, họ về tại nhà dân cùng uống rượu cần và hòa mình vào điệu nhảy điệu “tung tung da dá” quanh bếp lửa với người Cơ Tu.

Ba người “khùng” trên đỉnh Quế ảnh 2 Điểm dừng chân trên đỉnh Quế (thôn Voòng, xã Tr’hy) hằng ngày đón hàng chục khách tham quan. Ảnh: Đào Thanh.
Cùng bà con Cơ Tu làm du lịch

Mới đi vào hoạt động được hơn 8 tháng, khu du lịch sinh thái đỉnh Quế đã bắt đầu thu hút khách du lịch và đem lại nguồn lợi khả quan về kinh tế. Mỗi tháng, khu sinh thái đón trung bình 25-30 khách du lịch đến nghỉ lại, chưa kể khách vãng lai dừng chân nghỉ ngơi, chụp hình lưu niệm.

Mỗi tuần, trừ hết các chi phí, khu du lịch thu về gần 5 triệu đồng. Ông Clâu Hạnh tâm sự, bước đầu như vậy là một tín hiệu mừng, bởi để lôi kéo một du khách vượt đường xa hàng trăm cây số lên đây quả là một điều không hề dễ. Đời sống văn hóa Cơ Tu rất phong phú và hấp dẫn, vậy làm sao để người Cơ Tu làm giàu ngay tại quê hương mình?

Ba gã “khùng” thu mua sản vật núi rừng như mật ong, tiêu rừng, ba kích, quế, gùi, túi, vải thổ cẩm... của bà con rồi trưng bày ở cửa hàng lưu niệm để khi khách du lịch nghỉ chân có thể ghé mua. “Khách họ thích sản vật của núi rừng lắm. 

Ai ghé qua hầu hết cũng hỏi mua một loại mang về. Mình bán giá rẻ nên khách không hề chèo kéo. Có người còn xin số điện thoại để sau này cần nhiều thì đặt gửi xuống dưới xuôi bán cho họ. Có những hôm dân không đi rừng, hàng ít không đủ bán, khách hỏi không có”, ông Clâu Hạnh nói.

Nhóm của ông cũng vừa liên kết với đội cồng chiêng gồm 10 người thôn Voòng để phục vụ khách du lịch khi lên đỉnh Quế. Mỗi lần biểu diễn, đoàn sẽ được trả 500.000 - 700.000 đồng. Tuy vẫn chưa thường xuyên, nhưng hoạt động này cũng đã phần nào tăng thêm thu nhập cho người dân thôn Voòng và quảng bá du lịch bản địa. 

Ông Apú tính: “Khoảng đầu năm 2016, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh du dịch ở huyện Tây Giang, khi đó sẽ cho xây dựng mốc biên giới ở khu vực Chà Nóc (xã Ch’ơm) nối sang Lào. Đỉnh Quế sẽ là ngã tư nối sang Lào với huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Nam Giang, Tây Giang”.

MỚI - NÓNG