Bắc Kạn: Những nhà máy... “đắp chiếu”

Bắc Kạn: Những nhà máy... “đắp chiếu”
Trong khi số dự án đầu tư xây dựng nhà máy ở Bắc Cạn ít do vốn đầu tư từ bên ngoài hạn chế thì lại có 2 nhà máy được xây dựng xong rồi… “đắp chiếu”. Hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đang có nguy cơ bị thất thoát…

Bắc Kạn là tỉnh giàu tiềm năng về lâm sản và đất đai, nhưng theo thống kê cuối năm 2004 trên địa bàn tỉnh có tới hơn 50% số hộ trong diện nghèo đói (theo tiêu chí mới). Vì vậy, khi khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Bắc Kạn đặt tại xã Xuất Hóa (T.X Bắc Kạn) và xưởng sản xuất ván ép đặt tại phường Đức Xuân (T.X Bắc Kạn) thì nhân dân rất phấn khởi, vì đồi bãi bạt ngàn bỏ hoang nay sẽ được trồng sắn, có đầu ra, thêm thu nhập và hàng ngàn ha rừng trồng sẽ có nơi tiêu thụ.

Thế nhưng, nông dân càng buồn hơn khi hai nhà máy này được xây xong đã bị… “đắp chiếu” vì không hoạt động được.

Mới đầu là Nhà máy sản xuất tinh bột sắn. Nó được khởi công vào năm 2002 với vốn đầu tư lên tới gần 30 tỷ đồng. Theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2003 hoặc đầu năm 2004.

Thế nhưng, dây chuyền sản xuất tinh bột sắn lắp đặt xong  chỉ chạy được… hơn một tiếng đồng hồ, rồi nằm chết dí ở đó cho đến nay. Với sự hối thúc của tỉnh, cả chủ đầu tư là Cty TNHH Thương mại và chế biến nông sản xuất khẩu Hải Anh và bên bán máy là Cty TNHH Cơ Điện lạnh Tiến Thành ngày đêm sửa chữa, khắc phục hàng năm trời nhưng đến nay tình hình không có gì được cải thiện, máy móc ngày càng han gỉ.

Nguyên nhân chủ yếu là dây chuyền không đồng bộ, nó được lắp ráp từ nhiều chủng loại và vì thế ngay từ lúc chạy thử nhiều ốc vít đã long sòng sọc, rời rạc. Khắc phục mãi mà dây chuyền vẫn không chịu hoạt động, nhà máy vắng ngắt, lạnh lẽo.

UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu chủ đầu tư nhà máy phải thay toàn bộ dây chuyền cũ bằng một dây chuyền chế biến tinh bột sắn mới để lấy lại niềm tin và tiêu thụ cả ngàn ha sắn cho nông dân đang bị thối dần. Nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào để cho nhà máy đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Một cơ sở công nghiệp khác của tỉnh Bắc Kạn, đó là Xưởng sản xuất ván ép Thành Long, do Doanh nghiệp Thành Long đầu tư đến nay cũng đang nằm trong tình trạng… bỏ đó. Lúc đi vào hoạt động, dây chuyền hoạt động “bữa đực - bữa cái” do không có nguyên liệu, càng hoạt động càng thua lỗ đến mức Doanh nghiệp Thành Long không có khả năng trả lương công nhân, hàng hoá xuất bán đến đâu thì bị Ngân hàng đi theo đòi nợ, nguyên liệu đầu vào không có khả năng chi trả, các chủ nợ phong toả tài sản của doanh nghiệp. Công nhân bỏ về, xưởng sản xuất đóng cổng.

Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư không có trình độ chuyên môn, trình độ quản lý mà vẫn nhắm mắt làm liều.

Những Cty “tay không bắt giặc”

Một điều đáng nói khác là hai doanh nghiệp nêu trên hoàn toàn không có năng lực về mặt tài chính và các cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Kạn đều bị hai doanh nghiệp này qua mặt. Vốn đầu tư của hai cơ sở công nghiệp này đều được vay chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Bắc Kạn.

Không có năng lực về tài chính, nhưng ngay từ đầu không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn vẫn cho phép Cty TNHH Thương mại và chế biến nông sản xuất khẩu Hải Anh và Doanh nghiệp Thành Long đầu tư trên địa bàn.

Khi cho phép Cty TNHH Thương mại và chế biến nông sản xuất khẩu Hải Anh đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Bắc Kạn, các cơ quan chức năng không hề biết thực chất Cty này có bao nhiêu vốn, thực tế phần lớn nhà máy được xây dựng là vốn của các ngân hàng và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phần lớn là nợ các đơn vị cung cấp giống, phân bón.

Vì thế, nhân dân ở tỉnh nghèo Bắc Kạn lâu nay đã quen gọi hai doanh nghiệp này là những Cty tay không bắt giặc.

Đằng sau những khoản tín dụng lớn?

Bắc Kạn: Những nhà máy... “đắp chiếu” ảnh 1
Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Bắc Kạn không thể tiêu thụ được nông sản cho nông dân nên họ phải bán ra thị trường mặc dù giá rẻ... như cho. Ảnh: Thế Bình

Cho đến hôm nay, nhân dân tỉnh Bắc Kạn vẫn không thể nào hiểu được vì sao hai doanh nghiệp này lại có thể vay được các khoản tín dụng lớn đến như vậy.

Hiện nay, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Bắc Kạn cho hai doanh nghiệp trên vay vốn thì vẫn đang hàng ngày “đứng” canh tài sản của hai Cty này. Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Kạn đã phong toả bất động sản và xưởng sản xuất ván ép của Doanh nghiệp Thành Long và cũng vẫn Chi nhánh Ngân hàng này đang phong toả Nhà máy sản xuất tinh bột sắn.

Thực ra hai dây chuyền này đã là những đống sắt vụn. Điều đáng nói hơn là chính ngân hàng này đã cho chủ đầu tư vay tiền để mua dây chuyền sản xuất tinh bột sắn chất lượng kém, không thể sử dụng được, đến nay lại đi phong toả dây chuyền đó. Vì thế, dư luận nhân dân Bắc Kạn thật có lý khi nói rằng Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Kạn thả gà ra để bắt.

Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Bắc Kạn phải đi vào hoạt động trong thời gian tới bằng mọi biện pháp để lấy lại uy tín của nông dân. Đó là quan điểm chỉ đạo nhất quán của lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn.

Vấn đề cần rút kinh nghiệm đối với tỉnh Bắc Kạn là phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng năng lực của các nhà đầu tư trước khi cho phép đầu tư trên địa bàn. Nếu không chắc chắn sẽ lại tiếp tục nhận được những… “quả đắng”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.