Nghĩ về vụ “Áp giải học sinh giữa sân trường”:

Bác sĩ và nhà báo

Trích đoạn công văn 696 của Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk
Trích đoạn công văn 696 của Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk
TP - Mới đây, cả nước xôn xao chuyện học sinh Đỗ Quang Thiện lãnh án tù có dấu hiệu oan sai vì vụ “tai nạn giao thông” hi hữu với ông Lê Phước Thọ.   

Vấn đề được phản ánh qua loạt bài Kỳ án “Áp giải học sinh giữa sân trường” của báo Tiền Phong. Tôi là một bác sĩ công tác tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã hơn 20 năm, muốn chia sẻ cùng bạn đọc cái nhìn của người trong cuộc về câu chuyện này.  

Ngày ấy (20/9/2012), ông Lê Phước Thọ vào khoa Cấp cứu BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk với ghi nhận ban đầu có một chút nhầm lẫn bởi tình cảnh oái oăm lúc đó là do ngã xe, bị tai nạn giao thông.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân Thọ: Lơ mơ, liệt nửa người cùng kết quả chụp CTscanner sọ não là bị xuất huyết não… Với tinh thần trách nhiệm, tập trung cao về chuyên môn, trực phiên đó là bác sỹ Bùi Văn Khoa (Sn 1971, công tác tại khoa Cấp cứu BV Đa khoa tỉnh từ 2004) đã thăm khám rất kỹ, hỏi người đưa ông Thọ vào nhập viện (mà sau này mới biết chính là cháu Thiện) rất tỉ mỉ về cơ chế té ngã của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ Khoa trao đổi thêm với tôi về tình trạng bệnh để đưa ra hướng chẩn đoán và điều trị đúng nhất. 

Với bề dày kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm công tác tại Khoa Cấp cứu, chúng tôi nhận định: Bệnh nhân không hề bị tổn thương trên đầu, cũng không dấu vết xây xát nào trên cơ thể, CTscanner sọ não cho thấy xuất huyết ở vùng bao trong cùng với kết quả xét nghiệm máu có nồng độ cồn rất cao: 20,3mmol/L.

 Từ các căn cứ này, bác sĩ trực nhận định, đây là một ca đột quỵ do bệnh lý, không phải do chấn thương sọ não, cho chuyển bệnh nhân vào khoa Nội tổng hợp điều trị. Nhờ chẩn đoán chính xác, điều trị đúng hướng, dùng đúng thuốc, 10 ngày sau, bệnh nhân đã ổn định, được BV Đa khoa giới thiệu chuyển tiếp qua Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh để điều trị phục hồi chức năng.

Với bệnh nhân này, chỉ cần bác sĩ trực hời hợt và vội vàng chẩn đoán là ông Thọ bị chấn thương sọ não, miễn phù hợp với lời khai ban đầu ông Thọ bị tai nạn giao thông, thì đã dẫn đến nỗi oan không thể cứu được đối với một học sinh 16 tuổi, chỉ vì tốt bụng cứu người khi gặp nạn mà “làm ơn mắc oán”. 

Thật may, bác sĩ trực ở khoa Cấp cứu đã làm việc với tinh thần và thái độ hết lòng vì người bệnh, không hề bị các tác động bên ngoài chi phối. Từ những kết quả thăm khám, điều trị chính xác ban đầu đó, sau này khi BV Đa khoa nhận được yêu cầu giải thích rõ nguyên nhân bệnh lý của ông Thọ, mới có đầy đủ căn cứ hồ sơ bệnh án mà kết luận với Viện KSND thành phố Buôn Ma Thuột, như công văn phúc đáp 696 đã khẳng định: Đây là bệnh nội khoa, không liên quan tai nạn giao thông, có thể đột quỵ xuất hiện làm cho bệnh nhân té xe trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường

Nghề thầy thuốc là cứu người, lương y phải như từ mẫu. Nhưng không chỉ cần như từ mẫu, mà chúng ta còn rất cần và nên coi trọng những người thầy thuốc có chuyên môn giỏi, có lương tâm và trách nhiệm với nghề, giúp ích cho mọi người trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe và cũng có thể đem lại sự công bằng cho người khác, như đã góp phần soi sáng uẩn khúc cho em Đỗ Quang Thiện. Hy vọng rằng, trong phiên tòa giám đốc thẩm sắp tới, em Thiện được tuyên vô tội, đồng nghĩa với việc Khoa Cấp cứu của chúng tôi cùng báo Tiền Phong đã minh oan cho một con người.?

Thiết nghĩ, nếu những cơ quan tố tụng liên quan trong vụ án này ngay từ đầu cũng làm việc một cách công tâm, với tinh thần trách nhiệm và phân tích kỹ từng chi tiết như bác sĩ trực cấp cứu đã làm với bệnh nhân Thọ, thì sự vụ đã được giải quyết một cách nhẹ nhàng, không phải tốn bao công sức, giấy mực của biết bao người. Em Thiện đã không phải ngồi tù, bố mẹ Thiện cũng không mất ăn mất ngủ ròng rã hơn 2 năm trời để ngày ngày đi kêu oan cho con…

Th.s-Bs Nguyễn Ngọc Thịnh 

(Phó khoa phụ trách chuyên môn, 

Khoa Cấp cứu BV Đa khoa  tỉnh Đắk Lắk)

MỚI - NÓNG