Bám biển Hoàng Sa bằng tàu vỏ thép

Ngư dân Phan Thu bên tàu vỏ thép. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân Phan Thu bên tàu vỏ thép. Ảnh: N.Q.V
TP - Tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam vừa được bàn giao; giấc mơ bám biển Hoàng Sa bằng tàu vỏ thép đã thành hiện thực.

Con tàu hiện đại     

Ngày 17/11, tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam được Cty TNHH Một thành viên Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Tổng Cty Sông Thu, Bộ Quốc phòng) bàn giao cho chủ tàu Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình).

“Con tàu trị giá 14 tỷ đồng. Cách đây vài năm, trong giấc mơ đẹp nhất của đời mình, tôi cũng không mường tượng có lần được lái một con tàu như vậy. Vậy mà, chừ thì chính tôi đã là chủ của con tàu này”, ông Thu xúc động nói. Ông lần theo cabin tàu, bước nhẹ lên cột cờ đang phấp phới lá cờ Tổ quốc. “Lâu quá rồi chưa đến lại Hoàng Sa, nhớ quá đỗi. Mình sẽ lại vươn khơi ngay thôi”, ông nói khẽ. Ông bịn rịn nhìn cột cờ rồi nhẹ nhàng bước vào buồng lái. Ở đó, nhiều người đang đứng ngay hàng thẳng lối để nhìn ngắm thiết bị trên tàu. Ông Thu ngồi vào ghế lái, cầm vô lăng huơ một vòng tròn như lái tàu thực thụ đang hiên ngang rẽ sóng.

“Mình đã cầm vô lăng cưỡi sóng đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa đã hơn 15 năm nay rồi. Mình cũng từng lái những con tàu lớn, rành rẽ vượt qua tàu Trung Quốc, thẳng từng luồng đi trên biển. Nhưng đây là con tàu mới, con tàu vỏ thép lớn nên cứ lâng lâng. Tối qua không ngủ nên vẫn còn lơ mơ”, ông Thu tâm sự. Ông nói sẽ phải tìm hiểu kỹ hơn các thiết bị hiện đại trên tàu, đặc biệt là thao tác dò cá bằng máy định vị, sử dụng radar, la bàn vệ tinh.

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Phan Thu mang số hiệu QNa 95997, có công suất 822 CV, hành nghề lưới rê hỗn hợp. Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn, giải thích về từng bộ phận lớn, nhỏ trên tàu, từ máy phát điện, hệ thống chiếu sáng cao áp, khoang lạnh, máy định vị đến radar, hải đồ điện tử. Dầu mỡ, nhiên liệu dự trữ đủ cho tàu hoạt động liên tục 1.500 hải lý. Lương thực, thực phẩm, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác đáp ứng được hành trình hơn 20 ngày.

“Chúng tôi bàn giao tàu vỏ thép cho anh Thu với hy vọng lớn rằng, khi đưa vào khai thác hải sản, tàu cá sẽ chứng minh được các tính năng ưu việt về mọi mặt. Đó là độ lướt sóng, độ an toàn, tốc độ di chuyển, tàu quay trở nhanh, đi biển dài ngày, chịu được sóng lớn, khai thác xa bờ dài ngày mà vẫn bảo quản sản phẩm tốt như lúc mới vớt hải sản từ biển lên”, đại tá Tuấn nói.

Hướng về Hoàng Sa

Từ tàu vỏ thép của mình nơi quân cảng Đà Nẵng, ngư dân Phan Thu dõi mắt ra khơi. “Con tàu này trị giá 14 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi đã là hơn 13 tỷ đồng rồi. Chừ thì chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bám biển quanh năm để thu được những mẻ cá đầy”, ông nói.

Với ông Thu, tình người trên biển là đáng quý nhất, thấy ai gặp hiểm nguy là chẳng màng thiệt hại, lao tàu đến ứng cứu. Có việc nhỏ mới dẫn đến chuyện lớn. “Trung Quốc uy hiếp ngư dân xứ Quảng quá chừng. Chúng lăm le độc chiếm biển Đông thì mình cũng phải góp sức mọn bằng một việc chi đó để giữ gìn bờ cõi trên biển. Vậy thì, không tính toán chi nhiều, tiếp cận ngân hàng, vay vốn đóng tàu, cùng anh em quanh năm bám biển”, ông nói.

Bao năm qua, vừa theo nghề câu mực khơi, ngư dân Phan Thu vừa miệt mài theo học nghề lưới rê hỗn hợp. “Lưới rê hỗn hợp có thể khai thác được đàn cá ở tầng nổi lẫn tầng đáy. Ưu điểm lớn nhất của nghề này là bám biển quanh năm. Tận dụng mọi thời điểm sản xuất trên biển mới thu được hiệu quả cao”, ông Thu cho biết. Thương người, yêu biển, đánh bắt giỏi, ông Thu được bạn biển kính phục, nhiều người gọi ông là thủ lĩnh. Ông Thu không nhận mình có tố chất cầm cương, chèo lái mà cố công hun đúc tình yêu nghề, yêu biển đảo quê hương trong mỗi người.

“Mỗi chuyến biển là một trận tranh đấu. Mình chống chọi, vượt qua tai ương để thu được những mẻ lưới đầy. Mình hiên ngang sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc thì các tàu Trung Quốc cũng sẽ kiêng dè, ít dám gây hấn. Mình phải giữ cho bằng được ngư trường truyền thống Hoàng Sa, để mà còn tiếp nối nghiệp biển cho đến muôn đời sau”, ngư dân Phan Thu tâm sự.

Sau khi tàu vỏ thép của ông Thu đi vào hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Quảng Nam sẽ có hơn 50 tàu vỏ thép hiện đại khác tham gia bám biển Hoàng Sa, Trường Sa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tàu vỏ thép QNa 95997 được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, ngư dân Phan Thu đã được ngân hàng BIDV Quảng Nam cho vay 13,5 tỷ đồng. Tàu dài 25,2m, rộng 6,5m, chiều cao mạn tàu 3,1m, độ mớn nước 2,1m. Khoang lạnh tàu có 3 hầm nhỏ với tổng thể tích 70m3, cách nhiệt PU để bảo quản tốt sản phẩm trong thời gian 20 ngày. Tàu được trang bị radar có tầm quét 32 hải lý, máy định vị kết hợp hải đồ điện tử tích hợp thiết bị định dạng.

MỚI - NÓNG