Bán 7 tàu 'hoang' ở nước ngoài để trả lương thủy thủ

Bán 7 tàu 'hoang' ở nước ngoài để trả lương thủy thủ
Những con tàu neo đậu dài ngày ở nước ngoài dự kiến được bán hết trong tháng 6 để công ty trang trải nợ nần và thanh toán lương cho thuyền viên, theo lãnh đạo Vinalines.

Bán 7 tàu 'hoang' ở nước ngoài để trả lương thủy thủ

> Những người vướng vòng lao lý vì Dương Chí Dũng

> Tài sản trăm tỷ 'vạ vật' trên biển vì cơ chế 

Những con tàu neo đậu dài ngày ở nước ngoài dự kiến được bán hết trong tháng 6 để công ty trang trải nợ nần và thanh toán lương cho thuyền viên, theo lãnh đạo Vinalines.

Một trong những con tàu đang nằm bất động tại nước ngoài của Vinashinlines. Ảnh: Thủy thủ đoàn cung cấp
Một trong những con tàu đang nằm bất động tại nước ngoài của Vinashinlines. Ảnh: Thủy thủ đoàn cung cấp.
 

Chủ trương bán 7 con tàu trị giá hàng nghìn tỷ đồng neo đậu dài ngày ở nước ngoài của Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin - Vinashinlines (một thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines) đã được thông qua. Trao đổi với chúng tôi chiều 19/3, lãnh đạo Vinalines cho biết về cơ bản Tổng công ty đã đàm phán xong với các bên liên quan.

"Hiện các chủ nợ đã đồng ý chấp nhận chia sẻ những khó khăn, tổn thất và tháo lệnh bắt giữ tàu. Còn về người mua, chúng tôi đã tìm được một số khách hàng”, lãnh đạo Vinalines cho hay. Tuy nhiên, vị này khẳng định, quan điểm của Vinalines cũng như Chính phủ sẽ không phải là bán tống bán tháo. "Khó bán giá cao nhưng cũng sẽ không thấp hơn giá do hội đồng thẩm định đưa ra", lãnh đạo Vinalines nói.

Dự kiến, từ nay đến giữa năm, việc bán các con tàu trên sẽ hoàn tất. Trước đó, một nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, việc bán tàu sẽ phải hoàn thành trước tháng 6 năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Liên quan đến khoản hỗ trợ các thuyền viên đang trông giữ tàu nơi đất khách, lãnh đạo Vinalines cho biết, tổng công ty vẫn đảm bảo chứ không có chuyện bỏ mặc. Gần đây nhất, giữa tháng 2, Vinalines gửi tổng cộng hơn 381 triệu đồng cho các thuyền viên trên các con tàu dự kiến bán của Vinashinlines. Trong đó, thuyền viên tàu New Phoenix được gửi gần 91 triệu, Sea Eagle 51 triệu, Diamond Way 59 triệu, New Horizin 104 triệu. Ngoài ra, còn 2 tàu neo đậu trong nước là Green Sea và hệ thống Flash...

“Đôi khi chúng tôi có gửi muộn hơn một vài ngày hoặc tiền có thể đến chậm do một vài yếu tố khách quan vì gửi qua các đại lý chứ không có chuyện bỏ rơi thuyền viên. Có những lần, chúng tôi còn gửi tiền hỗ trợ của 2 tháng liền”, vị này cho hay.

Theo lãnh đạo Vinalines, hiện mức hỗ trợ tiền ăn đối với các thuyền viên trông tàu ở nước ngoài là 6 USD một ngày (khoảng 120.000 đồng).

Đối với tiền lương của các thủy thủ, lãnh đạo Vinalines cho biết, một số đơn vị cá biệt xảy ra tình trạng nợ lương kéo dài do không có nguồn thu. Theo Đề án tái cơ cấu Vinalines đã được phê duyệt,  Vinashinlines sẽ được cho phá sản trong năm nay. Tuy không tiết lộ về thời gian và lộ trình làm thủ tục phá sản nhưng lãnh đạo Vinalines cho biết chủ trương này đã được thông qua.

"Nếu công ty này phá sản, hoàn tất bán tàu thì quyền lợi thuyền viên và người lao động là số một. Sẽ không bao giờ có chuyện người thủy thủ rời tàu khi không nhận được lương, tuy nhiên, phải bán được tàu mới có tiền trả", vị này cho hay.

Theo lãnh đạo Vinalines, hiện lương của các thuyền viên được tính theo chức danh. Lương thủy thủ khoảng 600 USD một tháng, phó 3 khoảng 1.000 USD, thuyền trưởng khoảng 2.000-3.000 USD tùy từng tuyến. Một số tàu chở dầu, lương của thuyền trưởng có thể lên 4.000-5.000 USD một tháng.

Không chỉ phải hỗ trợ tiền ăn cho các thủy thủ trông "tàu hoang" của Vinashinlines, mà một số khoản tài chính khác như tiền đóng bảo hiểm xã hội của công ty này, hiện nay Vinalines cũng phải gánh vác. Trong khi đó, vị này cho hay, cũng như nhiều ngành nghề khác, kinh tế khó khăn nên việc kinh doanh hàng hải không mấy thuận lợi. "Trước đây, có những tàu, chúng tôi cho thuê giá khoảng 100.000 USD nhưng nay giảm xuống chỉ còn 30.000 USD. Doanh thu giảm, nhưng chúng tôi không dám cắt giảm lương nhân viên", vị này cho hay.

Hiện có 7 con tàu thuộc biên chế Vinashinlines cùng gần 100 thủy thủ đang mắc kẹt ở nước ngoài. Nhiều lần, từ nơi đất khách, các thuyền viên gửi đơn kêu cứu về nước do điều kiện sống thiếu thốn và nợ lương nhiều tháng (có người bị nợ tới 18 tháng). Tuy nhiên, lãnh đạo Vinashinlines cho biết, sinh hoạt phí của các thuyền viên sẽ được đảm bảo nhưng chuyện nợ lương chỉ có thể giải quyết khi bán tàu.

Theo Ngọc Tuyên
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG