Bản Đôn còn mấy... con voi?

Bản Đôn còn mấy... con voi?
Chỉ trong một năm qua, Bản Đôn -  cái nôi của nghề săn bắt, thuần dưỡng, cung cấp voi ở nước ta - đã có tới 6 con voi bị chết, nhiều voi bị bán đi. Dân Bản Đôn kêu cứu: Với đà này không lâu nữa Bản Đôn sẽ không còn voi!

Qua điện thoại, giọng Ama Huệ phó bí thư xã Ea Wel (Buôn Đôn - Đăk Lăk) buồn thiu: Một voi nữa của Bản Đôn vừa chết, đó là voi đực một ngà của Ama Tiên. Du khách đến với Hội voi Đăk Lăk cách đây khoảng nửa năm hẳn còn nhớ hình ảnh chú voi to khỏe mang số 19 tên Y’Blum. Y B’Lum khác thường với cái ngà độc nhất và thi đấu rất ấn tượng : mạnh mẽ trong môn ném gỗ, khéo léo ở trò đá banh, thi bơi vượt sông Y’Blum cũng về trong tốp đầu. 

Năm tháng sau dịp trổ tài đó, Y B’Lum đã trở thành voi ... thiên cổ. Ama Huệ xoè ra sáu ngón tay: Sau Hội voi năm ngoái, voi của Y Chi chết, voi của Y Tăng chết. Còn trước đó  mấy tháng có hai voi chết là voi của Ama Chới và Ama Đer. Bây giờ là voi của Ama Tiên. Nếu kể cả một voi con của Ama Nir chết vì bị đẻ non thì trong năm qua Bản Đôn có 6 voi bị chết. Con số 6 voi nhà chết chỉ trong một thời gian ngắn sẽ càng làm cho người ta giật mình nếu nghe Ama Huệ tính đi tính lại số voi sống ở Bản Đôn: tất cả chỉ còn lại 14 voi,  trong đó 8 voi đã già, có con già đến nỗi mắt đã lòa và có lẽ cũng sẽ về với đất trong nay mai.

Hầu hết voi Bản Đôn phục vụ cho ngành du lịch, làm việc theo ca kíp y như công nhân nhà máy. Suốt ca trực voi đứng chờ khách, chở khách vượt sông, đi dạo trong rừng . Đến hết ca voi được thả vào rừng với hai chân bị cùm vì chủ voi không muốn voi di chuyển xa , e đến ca trực không kịp đưa voi về.

Trong khi mùa khô Tây Nguyên kéo dài hơn 6 tháng,  rừng khộp rụng    hết lá, lớp thực bì bị những người bảo vệ rừng chủ động đốt cháy và các con suối đều khô cạn, thức ăn và nước uống cho voi trở nên khan hiếm. Với cái cùm ở chân, voi chỉ có thể nhích từng bước ngắn , rất khó kiếm  đủ thức ăn.

Người dân địa phương cho biết voi còn phải kéo gỗ thuê. Tình hình khai thác gỗ quý hiếm diễn ra ngày càng  phức tạp nên voi rất đắt sô. Mỗi chuyến kéo gỗ chủ voi được trả hàng trăm nghìn đồng. Có voi bị chủ bắt kéo gỗ suốt ngày. Nhiều voi kiệt sức vì lao động liên tục và đói khát . Trong số 6 voi chết kể trên, có 2 voi mới hai ba chục tuổi , là độ tuổi sung sức nhất của voi.

Bị săn trộm cũng là nguyên nhân khiến số lượng voi ở Bản Đôn sụt giảm nhanh chóng. Đơn cử như trường hợp của Ama Thoong Đi , cách đây hơn 1 năm, ông cột voi ở gần sông, đến sáng ra chỉ còn thấy bộ lòng nằm lại. Con voi  đã bị bọn trộm bắn chết, dùng cưa xẻ thịt. Căn cứ vào những dấu vết còn để lại hiện trường, dân quanh vùng nghi thịt con voi xấu số đã được chất lên một chiếc xe cẩu chuyên tải gỗ chở đi.

Ngoài giá trị ở cặp ngà, những bộ phận khác của voi đều bán được tiền triệu: Vòi, đuôi và 4 bàn chân được dùng ngâm rượu, da chữa bệnh đau dạ dày, phổi chữa bệnh đường hô hấp,  thịt có thể chế biến thành các    món đặc sản như ... khô nai , lông đuôi voi được bán làm bùa hộ mệnh, xương voi dùng để nấu cao. Vì vậy bất chấp voi đực hay voi cái, có ngà hay không có ngà, cứ thấy voi nào trong tầm ngắm là bọn trộm hạ ngay. Có giai đoạn một ngày bọn trộm hạ sát tới mấy con voi. Có chủ bị mất voi đau buồn đổ bệnh chết theo voi.

Tình trạng mua bán trao đổi cũng góp phần không nhỏ làm cho xứ sở voi sắp hết voi. Đình đám nhất là phi vụ chuyển 4 voi ra làm tượng ở các cung đình ở Huế cách đây chưa lâu. Báo chí và nhiều người có tâm huyết với việc bảo tồn voi đã lên tiếng can ngăn. Song, những con voi quen sống ở rừng già Yok Đôn vẫn bị đưa ra xích giữa náo nhiệt đô thành .

Mỗi ông Tượng oai nghi chốn Rừng thiêng nay trở thành một con vật cô đơn đứng thẫn thờ ở một góc lăng tẩm, cung điện khác nhau làm vật mua vui du khách. Trong bốn voi ra Huế có 3 chàng voi đực thì  một chàng thường xuyên bị viêm nhiễm vùng chân ngà bởi chiếc ngà này đã bị chủ voi cắt quá sát và không đúng cách trước khi bán.

Đến mùa yêu đương 3 voi đực này lồng lộn quậy phá, mắt đỏ ngầu hung dữ, những người chăm voi ở Huế không còn cách nào khác là cột chúng ngoài nắng để chúng mệt lử không thể quậy được. Con voi cái duy nhất trong đoàn mà có lẽ các nhà chức trách đã tính toán sẽ là đối tượng làm giảm cơn khát ái tình trong lòng các chàng voi đực đã bị chết sau khi ra  đến Huế chưa được bao lâu bởi quá căng thẳng và mệt mỏi trước những tiếng ồn phố thị.

Tội nghiệp con voi bỏ mạng xa xứ, khi lìa đời tuy nó cũng được mời thầy cúng cơm và coi thế phong thủy để đào huyệt, nhưng chắc chắn là tang lễ của nó không được tổ chức long trọng và bài bản như những con voi ở nhà.

Với người dân Bản Đôn, voi là thành viên chính thức của gia đình, vì vậy khi voi chết, người ta khóc voi như khóc người thân. Nghe tiếng trống lớn nổi lên 3 hồi, mọi người trong bản ngưng ngay công việc, cột rượu cần gánh sang nhà có tang voi. Lửa nổi lên , người ta đâm trâu đâm lợn, đánh trống đánh chiêng.

Sau khi các Gru đã làm nghi lễ cúng thần linh và lấy máu lợn rửa trán và chân cho voi, người nhà bắt đầu xúm lại ngồi bên xác voi kể lể thâu đêm suốt sáng cho đến khi tất cả các ché rượu đã được uống đến nhạt thếch, lửa tàn, họ mới chôn cất  voi, đập bể mấy cái ché quý để chia của cải cho kẻ chết, rồi  mới ra về.

Tôi đến nhà ông Ama Tiên lúc đám tang voi Y B’Lum vừa xong được một ngày. Hỏi ông voi Y B’Lum được chôn ở đâu, ông cười buồn, phân trần: Đáng lý con voi cũng phải được đắp một nấm mộ đất thật cao. Nhưng con voi to lớn quá, thành ra chỉ có thể lấy cành cây đậy lên mình  nó thôi. Hơn nữa nếu có công lấy đất phủ kín được mình voi cũng bị người ta moi ra ngay thôi mà. Hôm nay xác con Y B’Lum cũng đâu còn nằm ở đó nữa ! Thì ra, sau khi những người khóc voi vừa  ra về , một lực lượng hùng hậu những người chuyên đi rừng nghe tin voi chết đã đến và nấp sẵn gần đó liền xông ra, kẻ giành lấy cái vòi, người thì đôi bàn chân v.v... Trong chốc lát nơi voi nằm chỉ còn lại một bãi cỏ bị giày xéo , trống trơn.

Voi chết và bị bán quá nhiều, trong khi voi sinh thì hầu như không có. Từ khi được vua voi Y Thu  truyền nghề săn bắt thuần dưỡng voi đến nay, voi nhà Bản Đôn chỉ mới 2 lần mang thai. Năm 1977, ông ngoại Ama Huệ là Ama Nghênh ở buôn Rếch có con voi cái nuôi đã lâu đẻ được một voi con. 

Khi voi con này lên 8 tuổi , nó đã rời Bản Đôn để lên tàu sang Cu Ba làm quà tặng.  Hai mươi lăm năm sau , đầu  xuân năm 2002 voi cái của Ama Nir có bầu. Ama Nir chăm chút bà chửa vô cùng kỹ lưỡng. Khi mầm sống quý giá trong bụng nó gần 25 tháng, Ama Nir mở cùm chân thả voi vào rừng, dự định 2 con trăng sau sẽ tổ chức tiệc mừng đón mẹ con voi về. Rủi thay, đang mùa động dục của loài voi, mấy con voi đực trong bản đi rông thấy mùi voi cái liền sấn sổ nhào tới. Chúng chòng ghẹo tán tỉnh     làm voi của AmaNir nổi điên đuổi đánh và bị động thai.

Chú voi con bị đẻ non chết sau một tuần chào đời.  Voi con chết, voi mẹ rầu rĩ không màng ăn uống, sức khỏe đã suy kiệt, đến nay khó có thể hồi phục. Những người biết chuyện voi của Ama Nir chết đều tiếc hùi hụi :  Giá mà trong khu Vườn quốc gia Yok Đôn mênh mông có một khoảnh rừng dành riêng cho voi sinh sản ...

Theo Ama Huệ, người đã có kinh nghiệm 50 năm săn bắt thuần dưỡng voi, vào thời điểm dậy thì voi bắt đầu để ý tìm hiểu chọn bạn tình . Những đôi voi đã yêu nhau sẽ chờ nhau suốt đời, rất ít trường hợp voi chịu đi bước nữa. Nhưng phần lớn những cặp voi sau khi  đã mặn duyên lại bị chia tách bởi những cuộc mua bán, trao đổi. Đôi nào may mắn được sống gần nhau thì cũng hiếm có dịp gặp nhau bởi mỗi con một nhà , thường xuyên bận rộn với nhiều công việc cực nhọc, đến khi được thả    vào rừng lại bị cùm chân.

Chuyện phòng the của voi rất kín đáo, chúng chỉ xảy ra ở những vùng rừng không một bóng người, nếu được yêu nhau trọn một mùa mới có thể đậu thai. Hai con voi cái ở Bản Đôn may mắn có con vì chúng và bạn đời cùng được  nghỉ dưỡng thương trong rừng suốt một thời gian dài.   Quá kỹ tính trong việc yêu đương, nên  với 15 con voi hầu hết đã già  của Bản Đôn, việc voi nhà tiếp tục sinh sản cũng khó như voi ... chui lỗ kim.

Năm 2004, trong văn bản dự thảo về bảo tồn voi, Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk có đề xuất các nhà khoa học vào cuộc giúp voi nhà sinh sản. Tuy chưa có ý kiến phản hồi gì của các nhà khoa học, nhưng những ai    biết ít nhiều  về voi cũng hiểu  rằng đó là chuyện rất khó thực hiện. Vào kỳ động dục voi trở nên rất hung dữ, chủ của chúng cũng không dám lại gần, làm sao các nhà khoa học có thể tiếp cận để nghiên cứu ?

Trước nguy cơ xứ voi sẽ chẳng còn voi, Gru Ama Kông, Ama Huệ, Ama Đer và những người từng  góp nhiều công sức xây dựng làng đảo Bản Đôn thành một vùng văn hoá đặc sắc độc nhất vô nhị của nước ta đã bức xúc nêu ý kiến nhờ báo chí chuyển đến các cấp có thẩm quyền: Vườn Quốc gia Yok Đôn rộng hàng trăm nghìn héc-ta  tiếp giáp với vùng rừng khộp mênh mông của nước bạn Cam-pu- chia, ở đó từng đàn voi rừng vẫn kéo nhau qua lại. Tại sao không khuyến khích những người có voi cái ở độ tuổi sinh sản thả voi vào rừng để chúng hoà nhập với bầy đàn sinh con đẻ cái trong môi trường hoang dã quen thuộc, đổi lại họ được cấp phép thuần dưỡng hai voi con?

Bằng cách này, không những số lượng voi nhà ở Bản Đôn sẽ được duy  trì, mà nghề săn bắt thuần dưỡng voi vốn là một nghề truyền thống độc   đáo duy nhất chỉ còn lại ở đây cũng không bị mất đi. Còn gì bằng một tua du lịch sinh thái cưỡi voi lội qua dòng Sê-rê-pôk đoạn có đến bảy nhánh thác trải rộng hàng nghìn mét, vào ngắm cảnh rừng nguyên sơ rộng nhất nước, nghe các Gru thổi tù và kể chuyện săn đuổi voi. Đặc biệt là được trực tiếp chứng kiến cảnh những nài voi khéo léo nhanh nhẹn toàn thân lã chã mồ hôi kiên trì vừa đánh đòn đau vừa an ủi vỗ về để biến  ông tượng đồ sộ hoang dã thành một voi  hiền lành ngoan ngoãn biết vâng lời con người !

Bởi vậy, nếu vẫn giữ lại được nghề thuần dưỡng voi kết hợp với tổ chức du lịch, chắc chắn Bản Đôn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách bốn phương.

Còn nếu nhất quyết không cho các Gru ở Bản Đôn được đổi voi nhà lấy voi rừng để bảo tồn đàn voi và giữ lại nghề truyền thống, thì đã đến lúc   các nhà chức trách phải nghĩ đến chuyện gom góp những con voi nhà đang sống rải rác trên khắp cả nước thả vào một khu nhất định của Vườn Quốc gia Yok Đôn, tạo điều kiện cho chúng có môi trường sống gần như hoang dã để được tự do yêu đương sinh con đẻ cái.

Như 3 con voi đực hiện nay ở Huế, chúng sẽ chết dần chết mòn mà không thể để lại cho đời một hậu duệ nào nếu cứ phải đứng làm tượng mãi ở những lăng tẩm cung điện. Một người trong ban quản lý 3 con voi  này còn cho biết nếu tính trên phương diện kinh doanh thì việc nuôi voi ở Huế là lỗ to, nhưng dù đã quá mệt mỏi và tốn kém họ vẫn phải tiếp tục chăm chút 3 ông tượng này  để góp phần  bảo tồn bản sắc văn hóa Huế !(?) Nếu 3 voi này được đưa về thả vào vườn quốc gia Yok Đôn cùng nhiều voi khác, thì Huế vẫn không mất bớt du khách nào vì chắc chắn chẳng ai đến Huế với mục đích ... xem voi.

Trong khi đó, nếu voi Bản Đôn có  đủ nhiều và được tạo điều kiện sống đủ tốt sẽ đẻ được con đàn cháu đống, nước ta lại có một vùng du lịch văn hóa độc đáo hấp dẫn du khách mang thương hiệu  Xứ Voi !

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.