Ban hành văn bản sai: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm tốt công tác cải cách TTHC để mang lại sự đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm tốt công tác cải cách TTHC để mang lại sự đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
TP - “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi ban hành văn bản sai, không phù hợp. Nếu chúng ta chặn được cái đó thì dần dần sẽ tháo được những lực cản đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói tại Hội nghị về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp ngày 25/12.

Ban hành sai để phục vụ cho quyền lực

Đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho rằng, dù có những cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu ca nhiều về TTHC.

Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận, cải cách TTHC còn nhiều tồn tại hạn chế. Trong đó, việc công bố, công khai TTHC chưa bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Hiện tượng yêu cầu thêm các giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ theo quy định vẫn còn diễn ra phổ biến. Việc thẩm định các văn bản pháp luật có thời điểm còn chưa chặt chẽ, dẫn đến TTHC trên nhiều lĩnh vực còn phức tạp và tiếp tục là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân...

“Theo yêu cầu của Chính phủ chúng ta phải cắt giảm TTHC đạt được con số 95%. Nhưng gần 2 năm nay rồi chúng ta chỉ đạt được con số 85%. Vì thế mong các bộ, ngành cố gắng, phấn đấu năm 2015 cắt đạt 95% TTHC. Chứ cứ báo cáo với dân suốt ngày ở con số 85% thì dân sẽ không hài lòng đâu”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Hà Hùng Cường

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong cải cách TTHC, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, đây là việc làm rất khó vì có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm nhất định. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến TTHC còn phiền hà là do mới chỉ nói mạnh, giải quyết mạnh về phần ngọn, chưa tập trung vào phần gốc.

“Sở dĩ chúng ta phải cải cách vì khi ban hành đã không hình dung hết được những tác dụng xấu của các văn bản, thủ tục đó. Cộng với đó là tinh thần trách nhiệm trong công tác soạn thảo chưa cao. Cố tình ban hành những cái hạn chế để phục vụ cho quyền lực của cơ quan mình. Nếu mình làm từ gốc, giải quyết những vấn đề đó tốt thì chắc chắn giờ đây chúng ta đã không phải ngồi họp như thế này”, ông Dũng nói.

Xử nghiêm người ban hành văn bản sai

Đề cập về giải pháp để cải cách TTHC, ông Dũng cho rằng việc đầu tiên là Bộ Tư pháp phải “gác cửa” hết sức khách quan để không còn xuất hiện những văn bản sai trái. Cùng với đó phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan tham mưu. Theo đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi ban hành văn bản sai. “Nếu chúng ta chặn được cái đó thì sẽ dần tháo được những lực cản đang cản trở sự phát triển của đất nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thì khẳng định, việc cải cách TTHC phải đi kèm với cải cách đạo đức công chức, công vụ. Bởi có cải cách, nhưng khi giao tiếp với dân mà làm không tốt đạo đức công chức, công vụ thì hiệu quả đem lại sẽ rất hạn chế. “Vừa qua chúng ta thực hiện việc đổi bằng lái xe ô tô. Thủ tục đổi thì hết sức đơn giản, nhưng chúng ta thông tin chưa đầy đủ nên số lượng người đến đổi quá đông, dẫn đến quá tải. Sau đó chúng ta chỉnh lại thì mới phù hợp và được người dân đánh giá rất cao”, ông Tú dẫn chứng.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc cải cách TTHC là một công việc rất đụng chạm, khó khăn, khó làm. Nhưng khi chúng ta đã đưa ra khẩu hiệu “chung tay cải cách TTHC” thì phải cố gắng, tập trung chỉ đạo, làm tốt để tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại sự thay đổi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

MỚI - NÓNG