Băn khoăn sau 'cơn lốc dẹp vỉa hè' của quận 1

Ông Đoàn Ngọc Hải trực tiếp xuống đường chỉ đạo chiến dịch giành lại vỉa hè ở quận 1.
Ông Đoàn Ngọc Hải trực tiếp xuống đường chỉ đạo chiến dịch giành lại vỉa hè ở quận 1.
TPO - Chiến dịch giành vỉa hè Sài Gòn của Phó Chủ tịch quận 1, TPHCM Đoàn Ngọc Hải được ví như một cơn lốc với hàng loạt những động thái quyết liệt, dứt khoát nhằm lập lại trật tự đô thi, trả vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, đằng sau cơn lốc đó vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Tránh “bắt cóc bỏ dĩa”

Quyết tâm trả lại vỉa hè cho người đi bộ là hành động hợp lòng người trong những ngày qua tại TPHCM. Nhưng vẫn còn đó nỗi ưu tư. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) cho rằng phần lớn những người lấn chiếm vỉa hè vì lý do mưu sinh. "Việc lấn chiếm diễn ra hàng ngày đã tạo thành thói quen. Khi lực lượng chức năng rút đi hoặc chấm dứt chiến dịch, có chắc họ không tái phạm", tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà nói.

Băn khoăn sau 'cơn lốc dẹp vỉa hè' của quận 1 ảnh 1

Xử lý những xe ô tô vi phạm.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam), tình trạng lấn chiếm vỉa hè tràn lan như hiện nay là hậu quả của việc xử lý không kiên quyết từ hàng chục năm trước. "Việc quận 1 xử lý nghiêm những hành vi lấn chiếm vỉa hè là rất đúng và nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Tuy nhiên, những chiến dịch như của quận 1 sẽ duy trì được bao lâu? Lực lượng nào duy trì và giải pháp nào duy trì để không xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”", tiến sĩ Nguyên băn khoăn. 

Theo tiến sĩ Nguyên, cần phải có phương án giúp đỡ cho những người buôn bán trên vỉa hè, kiếm tìm cho họ sinh kế khác, không phải lấn chiếm vỉa hè để mưu sinh. “Phải căn cứ vào trình độ, đời sống, kinh tế của mỗi khu vực quận, huyện để có phương án, lộ trình thích hợp thì mới giải quyết được”, TS Nguyên nói.

Quyết liệt nhưng phải đúng luật

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ của quận 1 là việc làm đáng hoan nghênh và cần nhân rộng.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp quyết liệt nhưng phải đúng luật.

“Có thể lực lượng chức năng xử đúng về hành vi vi phạm nhưng lại thực hiện không đúng về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm như lập biên bản, ra quyết định xử phạt, thời gian tự nguyện thi hành hoặc quyết định cưỡng chế… Thực hiện không đúng về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm,  cũng có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Chánh nói.

Ngày 28/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 nhìn nhận, sau chiến dịch này, quận 1 sẽ có những giải pháp khác để lập lại trật tự lòng lề đường.

“Về lâu dài, quận sẽ có những giải pháp chắc chắc nhưng xử nghiêm và xử nặng là hiệu quả nhất. Ở Singapore, họ phạt nặng hơn mình nhiều lần. Đây là cách hiện đại nhất mà các nước tiên tiến đã làm”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết hiện nay quận 1 đã kiến nghị UBND TPHCM cho phép thực hiện thí điểm sử dụng công nghệ của các nước tiên tiến để thu phí đậu xe ô tô theo giờ ở một số tuyến đường của quận nhằm hạn chế việc xe cộ đậu dừng dưới lòng đường gây ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường vào giờ cao điểm.

MỚI - NÓNG