Băn khoăn với công nghệ 'hút bùn đáy biển'

TP - Sau khi GS.TS Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm điều tra đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra cho biết, có thể áp dụng công nghệ hút bùn của Nhật để làm sạch biển miền Trung, một số chuyên gia bày tỏ băn khoăn về phương án này.

Khó áp dụng phương pháp hút trầm tích

(TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng phòng Sinh thái biển, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Khi biển ô nhiễm thì tự biển mới có thể làm sạch, con người chỉ hỗ trợ quá trình tự làm sạch nhanh hơn. Các ý tưởng nạo vét, hút trầm tích gần như không thể bởi việc này chỉ phù hợp với những thủy vực nhỏ như ao, hồ nội địa hoặc những thủy vực có chế độ thủy động lực yếu như đầm vịnh nhỏ, kín. Biển miền Trung là vùng biển rộng, có chế độ thủy động lực mạnh nên khó có thể can thiệp bằng phương pháp nạo vét trầm tích. 

Thứ nhất, do chế độ động lực mạnh nên chất thải đã bị pha loãng, phân tán trên phạm vi rất rộng lớn. Việc tìm và hút chất độc là khó khả thi về nguồn lực, phương tiện, tài chính. Thứ hai, nhờ quá trình tự làm sạch nên môi trường nước sẽ nhanh chóng khôi phục chất lượng, còn chất thải lắng đọng, lớp bề mặt cũng đã bị rửa trôi, phân tán, phần còn lại đã vùi sâu trong trầm tích nên tác động của nó là cục bộ và mức độ tác động cũng hạn chế. Nếu nạo vét sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ nền đáy lẫn môi trường nước của khu vực đồng thời gia tăng tác động của nó (đưa chất độc bị chôn vùi vào trầm tích tái lơ lửng trong nước và trên bề mặt).

Chúng ta có thể xây dựng một số rạn nhân tạo tại một số khu vực phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi và tái tạo nguồn lợi. Đối với rạn san hô, có thể tiến hành phục hồi rạn như chúng ta đã làm ở một số vùng trong thời gian qua.

Cần tạo điều kiện tốt nhất cho san hô tự phục hồi

(PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)

Nếu môi trường trong sạch trở lại, các hệ sinh thái biển sẽ dần khôi phục theo thời gian. Khôi phục nhanh nhất sẽ là cá, tôm... Các rạn san hô sẽ khôi phục chậm nhất vì tốc độ phát triển của san hô rất chậm, chỉ khoảng 1-2 cm một năm. Tốc độ phục hồi san hô sẽ nhanh hơn nhiều nếu chính quyền và người dân cùng nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái san hô khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Việc khôi phục san hô sẽ xảy ra một cách tự nhiên. Trứng san hô từ các rạn san hô chưa chết sẽ phát tán ra môi trường, trôi đến và bám vào các khu vực san hô đã chết để giúp san hô mọc lại. Tuy nhiên, cần lưu ý, để san hô phát triển khỏe mạnh cần rất nhiều điều kiện.

Thứ nhất là môi trường trong sạch, thứ hai là hệ sinh thái san hô còn nguyên vẹn với đầy đủ các sinh vật trong chuỗi thức ăn để tạo điều kiện cho các sinh vật có lợi cho san hô phát triển và hạn chế sự phát triển của các sinh vật có hại cho san hô. Để san hô hồi phục nhanh và tốt, phải quản lý tốt việc xả thải từ bờ và cấm tuyệt đối các hình thức đánh bắt hải sản cạn kiệt, bắt hết các sinh vật có lợi trong hệ sinh thái san hô như con nhum, cá dìa, ốc tù và và nhiều loài hải sản khác; đánh bắt bằng các biện pháp, phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, xyanua, giã cào, xung điện.

MỚI - NÓNG