Bản tin 8H: Tình báo Mỹ phân tích về máy bay mất tích

Vật thể lạ được phát hiện ở gần đảo Thổ Chu của Việt Nam không phải của máy bay mất tích
Vật thể lạ được phát hiện ở gần đảo Thổ Chu của Việt Nam không phải của máy bay mất tích
TPO - Vật lạ gần đảo Thổ Chu không phải của máy bay mất tích, thủ tướng tạm quyền Ukraine sẽ tới Mỹ, tình báo Mỹ nhận định máy bay mất tích không bị nổ, đổi mới chương trình - sách giáo khoa sẽ dễ thành lãng phí... là những thông tin đáng chú ý.

Vật lạ gần đảo Thổ Chu không phải của máy bay mất tích. Các nhà chức trách Malaysia vừa xác nhận rằng vật thể lạ nổi cách đảo Thổ Chu của Việt Nam khoảng 100km không phải của chiếc Boeing 777-200 bị mất tích hôm 8/3. Trước đó, nhóm tìm kiếm cứu nạn (SAR) phía Việt Nam đã khẳng định vật thể lạ nghi ngờ là mảnh vỡ máy bay. Nguy cơ khủng bố vẫn được đặt lên hàng đầu để điều tra. (Xem chi tiết)


Thủ tướng tạm quyền Ukraine sẽ tới Mỹ. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk sẽ có chuyến thăm Mỹ trong tuần này và dự định gặp một số quan chức Mỹ bàn về tương lai Ukraine. Hồi đầu tuần trước, ông Arseny Yatsenyuk đã có chuyến đi tới Brussel, Bỉ, tham gia các cuộc gặp với các quan chức NATO và EU. Nhà Trắng xác nhận thông tin trên. (Xem chi tiết) 


Tình báo Mỹ nhận định máy bay mất tích không bị nổ. Trong khi các chuyên gia cho rằng, sự mất tích của máy bay Malaysia có thể xuất phát từ một vụ nổ, thì các dữ liệu tình báo ban đầu của Mỹ lại phủ nhận khả năng này. "một hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới" không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ. Có công dân Mỹ trên máy bay và có nguy cơ khủng bố là lý do Mỹ nhập cuộc trong vụ máy bay của Malaysia mất tích. (Xem chi tiết)


Đen đủi tiếp tục đeo bám hải quân Ấn Độ. Hơn 1 tuần sau vụ tai nạn tàu ngầm ngoài khơi bờ biển Mumbai làm 2 thủy thủ mất tích và 7 người khác bị thương, hôm qua 7/3, thêm một sĩ quan hải quân Ấn Độ thiệt mạng khi tham gia vận hành tàu khu trục Yard-701 lớp ISN Kolkata đang chạy thử tại xưởng đóng tàu Mazagaon Dock Limited ở Mumbai. Hệ thống phòng cháy ở khoang buồng lái hỏng khiến khí CO2 nén phụt mạnh ra ngoài, đập vào ngực viên sĩ quan làm người này thiệt mạng ngay tại chỗ. (Xem chi tiết) 


1000 sinh viên tham gia ký họa cầu Long Biên. Gần 1.000 sinh viên chuyên ngành kiến trúc thuộc các CLB kiến trúc - quy hoạch tại Hà Nội ngày 9/3 tham gia Đại hội ký họa cầu Long Biên với chủ đề “Tình yêu còn mãi”. Chương trình do CLB Kiến trúc - Trường Đại học Phương Đông tổ chức, quy tụ sinh viên chuyên ngành kiến trúc ở nhiều trường ĐH ở Hà Nội. Từ 1.000 bức họa, ban tổ chức sẽ chọn 112 bức đẹp nhất tham dự triển lãm Casa Italia HaNoi vào giữa tháng. (Xem chi tiết)


Máy bay mất tích từng bị hỏng cánh. Hãng hàng không Malaysia hôm nay (9/3) cho biết, máy bay Boeing 777-200 đang mất tích từng bị hỏng cánh vào năm 2012, nhưng đã được sửa an toàn để tiếp tục bay. Máy bay mất tích từng va chạm với máy bay khác tại sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải (Trung Quốc), bị hỏng đầu cánh khoảng 1m. Hiện chiếc máy bay vẫn không có tung tích mặc cho mọi cố gắng tìm kiếm. (Xem chi tiết) 


Đổi mới chương trình - sách giáo khoa sẽ dễ thành lãng phí. Theo dự thảo đề án của Bộ GD&ĐT, do tốc độ phát triển quá nhanh của khoa học, kỹ thuật (trong đó có khoa học giáo dục) và sự biến đổi mau lẹ của đời sống, thời gian tồn tại của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được rút ngắn, từ 10 năm cuối thế kỷ XX nay chỉ còn 5 – 6 năm, thậm chí ngắn hơn. Đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm mà chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 5 – 6 năm thì rất lãng phí. (Xem chi tiết)


Mỹ mượn Nhật Bản ghìm Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phục vụ cho lợi ích của Mỹ, ngăn không cho Trung Quốc trở thành cường quốc đại dương toàn cầu thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Washington. Washington đang xúi bẩy một cuộc “xung đột hạn chế” giữa Bắc Kinh và Tokyo như một phần trong nỗ lực làm tê liệt ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương. (Xem chi tiết)


'Nóng' khối ngành công an, quân đội, kỹ thuật. Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra hôm qua ở Hà Nội, các ngành quân đội, an ninh, báo chí, kỹ thuật nhận được nhiều sự quan tâm của học sinh nhất. Bên cạnh đó, khu vực nhóm ngành Khoa học xã hội - nhân văn, Ngoại ngữ, các ngành “hot” hiện nay như báo chí, quan hệ công chúng, giáo dục tiểu học cũng được nhiều học sinh quan tâm và bày tỏ mong muốn dự thi. (Xem chi tiết)

MỚI - NÓNG