Bão Chanchu: Gặp người vừa trở về từ cõi chết

Bão Chanchu: Gặp người vừa trở về từ cõi chết
TP - Đầy 1 tuần nữa là vừa tròn 3 tháng kể từ đại tang bão Chanchu. Điều khó tin nhất đã xảy ra: Có một ngư dân mất tích bỗng lù lù về làng trong sự ngỡ ngàng của vợ con, chòm xóm...
Bão Chanchu: Gặp người vừa trở về từ cõi chết ảnh 1
Anh Hương cầm tấm ảnh thờ của mình bên cạnh mẹ già, vợ và hai con nhỏ.

Ngư dân đó là anh Nguyễn Văn Hương. Hay còn gọi là Phương, 36 tuổi, quê ở thôn 3 xã Quế Ninh - một xã ở tít trong núi sâu thuộc huyện Quế Sơn - Quảng Nam...

Nửa đêm bồng con xuống núi tìm xác chồng

Đường vào nhà anh Hương dù ngoằn nghoèo ngoắt nghéo trong xóm núi, đoạn vào nhà phải bỏ xe cuốc bộ một đỗi xa, nhưng lại rất dễ tìm, vì người đi đường chưa kịp hỏi, đã chỉ: “Nhà hắn ở chỗ nớ, chỗ nớ...”.

Xế trưa, trong nhà đã thấy đông dày... phóng viên đang xúm xít hỏi chuyện người “mất tích” trở về! Bà mẹ già 77 tuổi Đinh Thị Ngà cùng người vợ Nguyễn Thị Nương (36 tuổi) và 2 đứa con gái nhỏ nước mắt rơm rớm đi lại lăng xăng nói cười ngơ ngác như vẫn chưa tin vào cái anh chàng Hương bằng xương bằng thịt đang ngồi kia.

Câu chuyện dừng ngang đoạn vì chị Nương kể về việc nửa đêm bồng đứa con mới 8 tháng tuổi xuống Đà Nẵng vào nhà xác bệnh viện tìm chồng.

“Bữa nớ khi đài báo đang ồn ào về bão Chanchu, thì gần tối có hai anh công an và cán bộ xã đến nhà tôi, hỏi mấy câu rồi bỏ đi. Mấy anh đi được một đoạn, linh cảm tôi thấy có gì lạ quá, tự nhiên sốt ruột liền chạy đuổi theo mấy ảnh để hỏi.

Mấy ảnh mới kể vừa xem tivi, nghe thông báo nhận dạng xác nạn nhân có đặc điểm giống chồng tôi quá, nên ghé hỏi thăm. Tôi nóng ruột quá liền bồng đứa nhỏ bắt xe xuống Đà Nẵng, 12 giờ đêm mới tới. 3 giờ sáng tôi vào nhà xác, gặp mấy chị cũng đang tìm chồng.

Chồng tôi có xăm chữ ở hai cánh tay, và bụng có vết mổ, rất giống một cái xác ở trong đó. Kiểm tra lần đầu, tôi nghĩ đó là chồng mình. Khóc miết, tôi lục lại cái xác lần thứ hai cho chắc chắn, vì chồng tôi có ngón chân cái bị vẹo.

Nhưng mấy anh canh nhà xác nói xác ngâm nước lâu ngày rồi bị rữa, làm sao biết chính xác được. Tôi càng nghĩ, thôi đúng là chồng mình rồi. Nhưng rồi linh tính làm sao đó khiến tôi kiểm tra cái xác lần nữa.

Kiểm tra thật kỹ, thì thấy chồng mình trán cao, tóc ít, không giống với cái xác kia. Thế là đợi sáng gọi điện về làng báo cho bà con đừng dựng rạp làm đám ma nữa, chồng con mất tích rồi, rồi bồng con về ...”.

13 ngày trôi dạt và bí ẩn của gần 100 ngày mất tích

Bão Chanchu: Gặp người vừa trở về từ cõi chết ảnh 2
Anh Hương vừa được đoàn tụ cùng vợ và hai con gái

Nhân vật chính của câu chuyện, “ngư dân xứ núi” Nguyễn Văn Hương vẫn ngồi kia chậm rãi trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Có lẽ sau gần 3 tháng, sự khốc liệt của bão tố đã bắt đầu nguôi dần trong dáng vẻ và giọng nói chắc nịch khỏe mạnh ấy, trả lại sự bình tĩnh kể cả khi kể về 13 ngày lênh đênh sống chết giữa biển cả.

Hương nói thẳng anh là thuyền viên “đi chui” trên tàu cá của bà Lê Thị Huệ ở Thanh Khê - Đà Nẵng mà anh chỉ nhớ 2 số đuôi của tàu là 03 (thực tế chiếc tàu bị chìm của bà Huệ biển số DNA 90053, do anh Nguyễn Út Thanh chồng bà Huệ làm thuyền trưởng, cả thảy có 32 thuyền viên, đều được xác định là chết và mất tích sau bão – PV).

Một người quen đồng hương tên là Bảy (ở Quế Phú, Quế Sơn) đã bảo lãnh cho Hương xuống tàu đi bạn (làm thuê), đây cũng là chuyến đầu tiên Hương làm cho tàu bà Huệ.

Hương kể: Khoảng rạng sáng ngày 18/5/2006, bão tố nổi mạnh quật chiếc tàu chìm nghỉm. Khi trồi lên, Hương may mắn vớ được một chùm can nhựa (đựng nước ngọt trên tàu), liền túm lấy, lấy dây buộc can cột quanh bụng, rồi cứ thế thả mặc cho sóng dữ dập vùi.

Vốn xuất thân từ anh thợ hớt tóc ở xóm núi, từ 10 năm trước, cuộc sống khó khăn đã khiến anh phải rời cây kéo, đi vào nghề biển xa lạ. 10 năm lang thang làm thuê cho các tàu cá khắp từ Cà Mau tới miền Bắc, biết bao lần anh đối diện với cái chết.

Như trong cơn bão số 5 năm 1998, khi ấy Hương đang làm thuê trên tàu của ngư dân Cà Mau, bão tố tơi bời, chỉ còn cách bờ có 6 hải lý mà cả 8 anh em trên tàu phải chèo chống suốt 2 ngày 2 đêm mới cập được bờ.

Nghề biển, có những cái chết hết sức vô lý. Có lần, ở biển Thanh Hóa, buổi trưa rảnh rỗi không ngủ được, Hương và mấy bạn làm thuê ra mạn thuyền ngồi uống trà, thõng chân xuống biển.

Bất chợt một bầy cá xà ở đâu xuất hiện, đớp lấy chân một người lôi tuột xuống, thoáng chốc chỉ còn thấy bọt máu sủi lên ...  

Một ngày một đêm thì bão tan, anh bắt đầu nổi trôi trên biển trong đói khát và nắng cháy. Thỉnh thoảng thấy một chiếc tàu lớn của nước ngoài đi qua, anh cố sức vùng vẫy kêu gào nhưng tất cả đều vô ích.

Mỗi lần như vậy, nước mắt Hương lại trào ra tuyệt vọng. Tới ngày thứ 5, anh bỗng phát hiện trong đống can có can còn nước ngọt. Anh liền cởi chiếc áo pull đang mặc trên người nhét vào can rồi lấy ra mút lấy mút để, xong vặn nắp can lại.

Những giọt nước ngọt quý giá ấy nuôi sống anh thêm mấy ngày nữa, đến khi cơ thể bắt đầu lở loét, sức lực cạn kiệt, thiếp đi lúc nào không biết.

Những lúc bừng tỉnh, Hương lại cố sức vẫy tàu, nhưng có lẽ cái đống can nhỏ nhoi trôi dạt giữa đại dương ẩn bên trong một con người cũng nhỏ bé không kém khiến những con tàu lớn xuyên đại dương không để ý.

Tới khoảng ngày thứ 10, trong một lần bừng tỉnh, Hương ao ước giá bây giờ có thể đại tiện được, anh sẽ sẵn sàng ăn phân của mình cho đỡ đói. Rồi anh tự thề, nếu may mắn được ai đó cứu, về nhà anh sẽ xuống tóc để tạ ơn.

Đến ngày thứ 13, giữa lúc đang lơ mơ, Hương nghe lao xao có tiếng người, rồi không biết gì nữa. Anh đã may mắn được một tàu cá của ngư dân Bình Định đi câu sỏi ngang qua vớt lên, sau này xác định tọa độ khi đó là 13 độ Bắc – 121 độ Đông.

Sau 2 ngày chân tay Hương mới có thể cử động, nhưng cháo ăn vào thì nôn thốc ra hết. Nằm trên tàu tới ngày thứ 15, Hương mới có thể ăn hết một bát cháo.

Chủ tàu là ông Hai. Nguyễn Văn Hương cho đến bây giờ vẫn không biết đầy đủ tên của ông, cũng như số tàu, chỉ biết là tàu của Bình Định. Anh lý giải, theo tập tục đi biển, khi ra khơi mà không trúng, chủ tàu thường lấy sơn phết che đi biển số tàu (?).

Tàu của ông Hai đi câu sỏi, tức là câu các loại cá mú, cá hồng... ở xa khơi, thường mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 tháng, nay mới ra khơi được 12 ngày, không thể đưa Hương vào bờ ngay được.

Dần dần bình phục sức khỏe, Hương tham gia phụ giúp ông Hai và 13 anh em trên tàu những việc như nấu cơm, kéo cá, muối cá ... Cứ thế, lại lênh đênh trên biển thêm 2 tháng cộng 4 ngày nữa tàu mới vào khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Trong toàn bộ thời gian trên tàu, Hương hầu như không biết tin tức gì về “toàn cảnh” vụ Chanchu. Lúc tàu vào gần bờ, có sóng điện thoại, Hương đã mượn di động của ông Hai để gọi về cho gia đình, mới hay những gì diễn ra trên bờ trong mấy tháng qua.

Ông Hai cho anh 200 ngàn đồng, và đưa thuyền thúng cho anh cập đảo. Phải nằm ở đảo Phú Quý thêm mấy ngày nữa để chờ có tàu đò vào đất liền, rồi cắm đầu lên xe đò về nhà.

“Giữa lúc sống chết, em chỉ nghĩ đến mẹ già và vợ cùng 2 con nhỏ. Vợ em bệnh tật, bị gan siêu vi B giai đoạn 2 rồi – Hương bùi ngùi - Về nhà việc đầu tiên là thắp nhang lên bàn thờ ông bà đã phù hộ cho em sống...”.

“Dự định có tiếp tục đi biển nữa không?” – Tôi hỏi. “Dạ, bà con anh em khuyên bỏ nghề biển. Ở nhà vợ con em đã được chính quyền và bà con gần xa ủng hộ trên 50 triệu đồng rồi, số vốn ấy em dự định xây cái nhà nhỏ ở dưới gần đường và sống bằng nghề hớt tóc, làm nông thôi...”.

"Tui và mấy mẹ con nó vật vã cả tháng trời. Ráng đợi mãi đến rằm tháng 5 (âm lịch, sau bão 1 tháng – PV) không thấy tin tức gì thì lập bàn thờ, chít khăn, cúng cơm, rồi mang một tấm hình của nó lên chùa Khánh Bình để gởi.

Đến bữa hôm nọ, tự dưng nghe bà Hai Thương ở trong xóm, nhà có điện thoại, chạy sang báo tin thằng Hương còn sống, vừa gọi điện về, cả nhà chết sững.

Mấy đứa cháu liền xô đổ bàn thờ của nó, lấy ảnh xuống rồi hồi hộp chờ đợi. Chiều tối ngày 12 tháng 7 âm lịch (ngày 5/8/2006 - PV) thì hắn lù lù tay không trở về. Cả làng đổ ra đón, thôi thì khóc cười um sùm..."

Bà Ngà (mẹ anh Hương) bệu bạo trong nước mắt

MỚI - NÓNG