Báo động bắt tay 'móc túi' bảo hiểm y tế

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Hiện, tại nhiều bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh (KCB) đang xảy ra tình trạng rút ruột bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.

PV Tiền Phong trao đổi với ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam).

Ông đánh giá thế nào về thực trạng trục lợi BHYT hiện nay?


Việc trục lợi Quỹ BHYT đang diễn ra ở nhiều địa phương, ngày càng phức tạp và đang ở mức báo động. Thậm chí, tại nhiều bệnh viện uy tín cũng để xảy ra tình trạng trục lợi BHYT như tại TPHCM, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng.

Các đối tượng đã rút ruột Quỹ BHYT như thế nào, thưa ông?

Từ phía người bệnh có thẻ BHYT: có thể cho người khác mượn thẻ BHYT để đi khám lấy thuốc bán, để dành; sử dụng thẻ giả, giấy chuyển viện giả; trốn cùng chi trả; làm giả hồ sơ, chứng từ thanh toán trực tiếp... 

“Khi bệnh nhân bị chỉ định quá mức các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, người bệnh sẽ phải đóng thêm phần đồng chi trả, nhất là người nghèo, những đối tượng phải cùng chi trả 20% chi phí KCB”. 

Ông Lê Văn Phúc

Từ phía cơ sở cung cấp dịch vụ y tế (DVYT): chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cận lâm sàng. Đây là hình thức nhiều cơ sở KCB áp dụng vì khó bị cơ quan BHXH phát hiện hoặc nếu có phát hiện được cũng khó xử lý vì các bệnh viện thường ghi thêm các triệu chứng của người bệnh phù hợp với chỉ định chẩn đoán và điều trị...

Cùng đó là việc lập hồ sơ ngoại trú, nội trú khống (không có người bệnh đến KCB nhưng cơ sở KCB vẫn lập hồ sơ để thanh toán với cơ quan BHXH); bệnh nhân đến khám ngoại trú nhưng lập hồ sơ điều trị nội trú để thanh toán với cơ quan BHXH. Hoặc như nhân viên y tế sử dụng thẻ BHYT của người thân để lấy thuốc; làm một xét nghiệm nhưng in ra nhiều kết quả để thanh toán với cơ quan BHXH.

Vậy BHXH Việt Nam đã có biện pháp gì để ngăn chặn thưa ông?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT tại các cơ sở KCB. Trước đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc này. 

BHXH cũng đang đổi mới phương pháp giám định theo hướng giám định tập trung và theo tỷ lệ. Theo đó, chọn xác suất 30% số hồ sơ thanh toán để giám định, tỷ lệ chi phí sai sót của 30% số hồ sơ này sẽ được tính cho toàn bộ số hồ sơ bệnh án. 

BHXH cũng tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho giám định viên BHYT. Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện công tác KCB BHYT tại các cơ sở KCB như: kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám định BHYT.

Cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG