Báo động trộm cắp điện

Báo động trộm cắp điện
TP - Tình trạng trộm cắp điện đang diễn ra ở mức đáng báo động khi ngành điện phát hiện được hàng nghìn vụ với nhiều chiêu thức tinh vi, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng và làm tăng nguy cơ mất an toàn trong cung ứng điện.

> Trộm điện hoành hành

Tập thể, cá nhân đều... trộm

Ban Thanh tra bảo vệ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tình trạng trộm cắp điện đang diễn ra trên phạm vi cả nước. Đối tượng trộm cắp điện là cá nhân và tập thể với các thành phần kinh tế như hộ tiêu dùng sinh hoạt, hộ sản xuất cá thể, đến doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ.

Trong năm 2012 và đầu năm 2013, nhiều vụ trộm cắp điện lớn đã xảy ra. Điển hình như vụ Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương truy tố trước pháp luật vụ trộm cắp điện có quy mô lớn xảy ra tại các huyện như: Tứ Kỳ, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện, Chí Linh.

Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ và Bình Giang đã đưa ra xét xử 22 đối tượng trộm cắp điện; trong đó, có 10 đối tượng bị xử phạt tù giam với mức án từ 42 tháng trở xuống và 12 đối tượng cho hưởng án treo.

Là địa phương chiếm tới 10% sản lượng của Tổng Cty Điện lực miền Bắc, thời gian qua, TP Hải Phòng đã bắt quả tang 45 vụ trộm cắp điện với giá trị hàng trăm triệu đồng.

Nhiều vụ, hành vi trộm cắp điện hết sức tinh vi khiến cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian điều tra, mật phục mới bắt được quả tang. Như vụ Hợp tác xã Dịch vụ Điện nước Lê Thiện (xã Lê Thiện, huyện An Dương) đã thay chì niêm phong, thay bánh răng bên trong công tơ cơ để trộm cắp điện. Hợp tác xã Dịch vụ Điện nước Lê Thiện đã phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện khoảng 170 triệu đồng.

Tại Nhà máy Sản xuất sắt xốp thuộc Công ty TNHH Nhật Phát (Khu Công nghiệp Cầu Vàng 2, huyện An Lão, TP Hải Phòng), cơ quan chức năng cũng bắt quả tang bên mua điện thay chì niêm phong, tác động các công tơ điện tử đo đếm phía cao thế 35kV, làm sai lệch đo đếm để trộm cắp điện. Đơn vị này đã tạm thời bồi thường thiệt hại cho bên bán điện 151 triệu đồng để được đóng điện tiếp tục sản xuất.

Trộm cắp nhiều, xử tù ít

Theo một lãnh đạo EVN, thủ đoạn trộm cắp điện hiện nay rất tinh vi, phức tạp như: câu móc lấy điện trước công tơ; cạy phá và làm giả chì niêm phong để tác động trực tiếp vào các thiết bị đo đếm điện; đảo sơ đồ đấu dây lấy nguội ngoài, dùng thiết bị tạo dòng để quay ngược công tơ, gắn chíp điện tử vào công tơ để điều khiển từ xa làm cho công tơ đo đếm điện mất đo đếm theo ý muốn... Dù tình trạng trộm cắp điện diễn ra hết sức phức tạp nhưng số vụ bị truy tố ít nên rất khó ngăn chặn.

Trong 2012, EVN đã kiểm tra phát hiện và xử lý được 7.993 vụ trộm cắp điện. Sản lượng điện bị trộm cắp đã thu hồi lại được là hơn 30,3 triệu kWh, tương ứng với số tiền bị trộm cắp thu hồi được hơn 63,1 tỷ đồng. Số vụ trộm cắp điện chuyển sang cơ quan có thẩm quyền đề nghị khởi tố là 279 vụ nhưng chỉ có 10 vụ khởi tố, xét xử.

“Năm 2012, số vụ trộm cắp điện chuyển sang cơ quan có thẩm quyền đề nghị khởi tố là 279 vụ, nhưng chỉ có 10 vụ được khởi tố và đưa ra xét xử” - lãnh đạo EVN cho biết.

Gần đây, tại địa bàn TP Hồ Chí Minh đang phát triển hình thức trộm cắp điện bằng cách sử dụng nam châm có từ tính mạnh đặt bên cạnh công tơ điện.

Theo lãnh đạo Tổng Cty Điện lực TPHCM, hành vi này rất khó phát hiện, bắt quả tang, vì khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, đối tượng trộm cắp điện chỉ cần nhấc nam châm ra chỗ khác là có thể phi tang hành vi. Thậm chí, còn có những đối tượng tiếp thị, gạ gẫm trộm cắp điện thuê.

Ông Dương Đức Hùng - Chánh thanh tra Sở Công Thương TP Hải Phòng cho biết, đối tượng trộm cắp điện còn tác động vào loại công tơ điện tử công nghệ cao, cấp điện áp không chỉ ở lưới điện trung áp mà còn ở lưới điện cao thế 35kV. Nếu sản lượng điện càng lớn thì trộm cắp điện càng nhiều. Riêng việc can thiệp vào công tơ điện tử, Hải Phòng là nơi đầu tiên phát hiện hành vi này.

Theo EVN, việc xử lý đối tượng trộm cắp điện hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do các quy định pháp lý chưa đồng bộ. Các đơn vị điện lực chủ yếu chuyển hồ sơ các vụ trộm cắp điện sang các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt hành chính.

“Chỉ trường hợp trộm cắp điện với số lượng trên 3.000 kWh, nếu có dấu hiệu tội phạm, mới chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền. Số vụ chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng để nghị truy tố nhiều nhưng rất ít trường hợp được đưa ra xét xử hình sự” - một lãnh đạo EVN nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG