Bao giờ hết đổ sữa xuống mương?

Bao giờ hết đổ sữa xuống mương?
TP - Trong khi nông dân các vùng quanh thủ đô Hà Nội tiếp tục đổ sữa bò do không bán được, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đổ trách nhiệm cho nhau và không ai biết khi nào dòng sữa trắng toát thôi chảy xuống cống.

>> Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý

Bao giờ hết đổ sữa xuống mương? ảnh 1
Đổ sữa từ xe téc mà không cầm được nước mắt. Ảnh: H.N

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) đề nghị bà con vùng chăn nuôi bò sữa đang không tiêu thụ được sữa nên tạm thời tự giải quyết và cố gắng duy trì đàn bò sữa.

Chiều qua, gần 1,4 tấn sữa bò tươi của nông dân nuôi bò xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) bị đổ bỏ ra đường vì không thể tiêu thụ nổi.

Gia đình anh Hoàng Hướng Dương là trạm thu mua sữa của 150 hộ dân nuôi bò xã Phù Đổng, trung bình mỗi ngày nhận gần ba tấn sữa cho nông dân.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 đến nay do Cty Cổ phần sữa Hà Nội Hanoimilk giảm một nửa sản lượng thu mua, mỗi ngày, trạm thu mua của anh Dương ứ đọng từ 1,5 – 1,7 tấn sữa bò tươi của bà con.

Khi xe téc chở sữa ứ đọng vừa bị công ty trả về, anh Dương phải xả bỏ ra ngay vệ đường ven nhà. Những dòng sữa bò mát lạnh chảy dài trắng loang lổ cả một đoạn đường nhựa.

Chỉ vào mấy téc sữa đầy ắp trong nhà, anh Dương lo lắng: “Nếu không ai chịu thu mua thì đại lý thu gom chết trước và nông dân chết sau”! Trước đó, ngày 3/1, trạm của anh cũng phải cắn răng đổ bỏ 3,7 tấn sữa bò tươi do giao vượt hợp đồng với nhà máy.

Bao giờ hết đổ sữa xuống mương? ảnh 2
Nông dân bấm bụng đổ, bỏ sữa. Ảnh: H,N

“Nông dân chúng tôi khốn cùng rồi. Nếu Nhà nước không hỗ trợ các công ty để họ thu mua sữa cho dân thì chúng tôi đành đóng cửa đại lý. Bò của nông dân rồi cũng chỉ còn nước đem bán thịt!”- Anh Dương ngán ngẩm.

Trạm thu mua của hộ anh Vũ Văn Thực cũng đang trong cảnh khốn cùng. Mỗi ngày gia đình anh Thực nhập vào hai tấn rưỡi sữa bò tươi của các hộ chăn nuôi bò, nhưng chỉ bán chịu được một tấn rưỡi cho một công ty tư nhân sản xuất pho mát. “Họ bảo có bán chịu thì mới mua cho. Đành phải cắn răng chứ biết làm sao”- Anh Thực cay đắng.

Từ khi cơn bão melamine, số tiền bán sữa mà gia đình anh Thực bị nợ đọng lên tới 1,4 tỷ đồng. Không thu được tiền từ công ty, anh Thực đành khất nợ nông dân nuôi bò trong xóm mấy tháng nay.

Ở Vĩnh Phúc, nếu tính từ thời điểm Bộ Y tế đưa ra thông tin sữa nhiễm melamine thì các hộ nông dân nuôi bò sữa ở hai xã Trung Nguyên và Vĩnh Thịnh đã đổ bỏ 105 tấn sữa bò tươi… Riêng tuần đầu tháng 1/2009, một trạm thu mua ở Trung Nguyên đã đổ bỏ 15 tấn.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG