Báo chí với chính sách và công tác dân tộc:

Báo in đã khắc phục vùng lõm thông tin

TP - Đó là khẳng định của ông Nông Quốc Tuấn - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tại Hội nghị tập huấn cho phóng viên, biên tập viên báo chí viết về miền núi, vùng dân tộc thiểu số sáng qua (21/10) được tổ chức ở Lạng Sơn.
Báo in đã khắc phục vùng lõm thông tin ảnh 1

Bà con đọc báo chí tại bưu điện xã. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Sao chân bạn to thế?”, “Mình mà được sống ở Thủ đô thì có khi chân mình còn nhỏ và xinh hơn chân bạn đấy!” - Câu chuyện vui của hai cô gái tuổi học trò (một bạn ở Hà Nội và một bạn là người dân tộc thiểu số đến từ một tỉnh miền núi phía Bắc) trong dịp vào thăm Lăng Bác được Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn kể lại ở hội nghị, một lần nữa muốn nói về sự thiệt thòi nhất định của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Leo núi hằng ngày, lên rẫy làm nương, gùi đồ, hái rau… các em nhỏ tuổi vùng cao đã làm lụng vất vả ngay từ bé - hình ảnh quen thuộc mà bất cứ ai lên vùng cao đều có thể thấy ngay và suy ngẫm về sự chênh lệch kinh tế xã hội giữa miền xuôi và miền núi.

Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành những năm qua, trong đó việc cung cấp báo, tạp chí đến tận các thôn, bản vùng cao.

Xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, tự nỗ lực vươn lên làm kinh tế của đồng bào nơi đây được nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí phản ánh, tuyên truyền khá kịp thời bám sát và sinh động. Ở vùng đặc thù núi cao, địa hình chia cắt, đường sá vô cùng khó khăn, chính những tờ báo viết là công cụ ưu việt để giao lưu thông tin, dễ tiếp cận và sử dụng đối với đồng bào.

Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn khẳng định, sau ba năm thực hiện Quyết định 2472 và 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp báo viết, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, những tờ báo này đã khẳng định được vai trò, vị trí về văn hóa đọc đối với đồng bào thiểu số, làm thay đổi từ nhận thức đến tư duy hành động của người thiểu số vùng cao, từ đó giúp đồng bào thêm niềm tin vào Đảng, góp phần ổn định chính trị xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giúp đồng bào phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững.

Các tin, bài trên báo viết dễ đọc, hình ảnh đẹp, dễ truyền tay hoặc mang theo, đã tác động tích cực đến dân trí của đồng bào thiểu số. Với nội dung cụ thể về khoa học kỹ thuật, cách nuôi trồng cây gì, con gì, cách bảo quản sản phẩm, tìm nơi tiêu thụ, hay chuyện sửa chữa nông cụ, chăm sóc sức khỏe, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, nêu gương người làm kinh tế khá… đã lan tỏa cộng đồng, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Tuấn khẳng định loại hình báo viết đã xóa được các điểm trắng về thông tin đến tất cả các thôn, bản, vùng lõm thông tin mà báo nói, báo hình, báo điện tử chưa làm được.

Báo in đã khắc phục vùng lõm thông tin ảnh 2

Ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Trong khi các thế lực thù địch vẫn đêm ngày tìm cách chống phá Nhà nước ta bằng cách lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và chúng tập trung ở các vùng núi cao, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để dễ tác động, dụ dỗ, lôi kéo, chính những tờ báo viết đã kịp thời đấu tranh, vạch mặt kẻ xấu, phản bác lại những luận điệu sai trái, phân tích cho đồng bào hiểu rõ hơn bộ mặt thật của chúng.

Có lời cảm ơn các nhà báo tại Hội nghị và hàng ngàn phóng viên trên mọi miền đất nước đã và đang vất vả tác nghiệp nơi miền núi viết về đồng bào thiểu số vùng cao, Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn cũng mong muốn các cây bút qua đợt tập huấn này nắm rõ hơn về nghiệp vụ, về các vấn đề liên quan đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa người vùng cao, hiểu rõ kỹ năng tác nghiệp khi đến thôn, bản, xử lý thông tin chính xác, kịp thời để góp phần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, phong tục tốt đẹp của đồng bào vùng cao.

Ông cho biết Ủy ban Dân tộc chuẩn bị đánh giá bốn năm thực hiện việc đưa báo viết, tạp chí về vùng cao, sau đó sẽ tham mưu và trình lên Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phát hành, cung cấp thêm nhiều hơn nữa những ấn phẩm báo viết cho đồng bào dân tộc ở vùng núi.

Cũng trong đợt tập huấn này, 60 phóng viên của 24 cơ quan báo chí tham dự Hội nghị sẽ có một ngày đi thực tế tại các thôn, bản ở huyện vùng núi Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn nói thêm về những khó khăn, hạn chế trong công tác thực hiện nội dung, cung cấp, phát hành báo viết về các thôn, bản.

Có những bài báo, tờ báo còn chưa phù hợp với tâm lý và nhu cầu đọc của đồng bào, thiếu bám sát thực tế. Chế độ phụ cấp cho bưu tá vận chuyển báo phải đi lại vùng sâu xa chưa tốt nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.