Bão Nida giật cấp 14-15 có thể bẻ hướng về Bắc bộ

TP - Chiều 31/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư lưu ý, dù các cơ quan dự báo Việt Nam và quốc tế cho rằng Nida có xu hướng đổ bộ vào phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng cơn bão này bẻ hướng về Bắc bộ và gây mưa lớn.

Hôm qua, sau khi đi qua khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippines) với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 11-12, bão Nida đi vào khu vực biển Đông với cường độ có khả năng mạnh thêm.

Đến khoảng 13 giờ hôm nay (1/8), bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 500 km về phía Đông Nam, với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14-15. Từ sáng sớm nay, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15. Biển động dữ dội.

Vùng cảnh báo nguy hiểm trên biển Đông (mưa bão và gió mạnh cấp 6 trở lên) là khu vực phía bắc vĩ tuyến 16 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 115 độ kinh đông.

Theo cơ quan dự báo Việt Nam, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Hướng đi của bão về phía Trung Quốc.

Khoảng 13 giờ ngày mai (2/8), bão nằm trên vùng biển Tây Nam Hồng Kông-Ma Cao (Trung Quốc), với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15-16. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Tuy nhiên, cơ quan dự báo Việt Nam lưu ý, bão vẫn có khả năng di chuyển về phía Nam (tương tự như bão số 1), hướng về phía Bắc bộ và gây mưa lớn cho khu vực này, đặc biệt là khu vực trung du và vùng núi Bắc bộ từ đêm 2/8.

Ngày 31/7, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) có điện gửi các Bộ tư lệnh: Quân khu 1, 2, 3, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Thủ đô Hà Nội, Cảnh sát biển, Thông tin liên lạc về diễn biến tình hình cơn bão số 2 để các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo đó, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đề nghị Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành ven biển  từ Quảng Ninh đến Bình Định triển khai ngay việc thông báo, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Duy trì thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Các đơn vị duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn luôn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu…

MỚI - NÓNG