Bảo tàng không dành cho nhà hàng, tiệc cưới

Quán cà phê thuê tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội để kinh doanh (ảnh lớn); Nhiều vật dụng phục vụ bữa tiệc quây kín hiện vật trưng bày trên sân Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (ảnh nhỏ). Ảnh: Ngọc Châu - Trần hoàng.
Quán cà phê thuê tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội để kinh doanh (ảnh lớn); Nhiều vật dụng phục vụ bữa tiệc quây kín hiện vật trưng bày trên sân Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (ảnh nhỏ). Ảnh: Ngọc Châu - Trần hoàng.
TP - “Để xảy ra việc sử dụng sai mục đích, trước tiên trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý văn hóa ở trung ương và địa phương, kế đến là trách nhiệm của những người đứng đầu tổ chức, đơn vị có bảo tàng”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - người nhiều năm theo dõi, giám sát về lĩnh vực này, nhận định.

Vừa qua, Tiền Phong phản ánh tình trạng một phần Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số bảo tàng khác bị biến thành nhà hàng, tiệc cưới. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Như Tiến cho rằng, tình trạng sử dụng sai mục đích không chỉ xuất hiện ở bảo tàng mà còn diễn ra tại nhiều địa điểm văn hóa khác.

Biến tướng nhiều công trình văn hóa

Thưa ông, vừa qua nhiều thiết chế văn hoá, trong đó có bảo tàng sử dụng sai mục đích, thậm chí biến thành nơi tổ chức tiệc cưới, quán nhậu. Ông có đánh giá gì về hiện tượng này?

Trước tiên, tôi thấy rất mừng vì trong thời gian qua, nhà nước, đặc biệt là Bộ VHTT&DL đã có kiến nghị và được đầu tư khá lớn cho lĩnh vực này. Tiền ngân sách nhà nước dành cho các bảo tàng, trung tâm văn hóa, khu văn hóa thể thao và các trung tâm hội nghị các tỉnh, quốc gia… đã được đầu tư đúng chủ trương. Điều đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao và việc mở rộng khang trang hơn cũng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội nói chung của đất nước. Điều đó là rất tốt.

Tuy nhiên, qua các nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, đặc biệt lại là Phó Chủ nhiệm theo dõi về lĩnh vực văn hóa, thông tin truyền thông, thể thao du lịch, tôi thấy không ít bảo tàng, nhà văn hóa, một số trung tâm hội nghị đã sử dụng sai mục đích. Nhiều địa điểm này đã bị biến thành nơi cho thuê đám cưới, những buổi gặp mặt, không ít trung tâm thể thao thì biến thành những nơi bán bia, giải khát, bán hàng.

Riêng bảo tàng thường được xây dựng hoành tráng, kinh phí tới mấy trăm tỷ đồng, thậm chí lên đến hàng nghìn tỷ, nhưng hiện vật trưng bày trong bảo tàng rất thưa thớt, rất mỏng. Trong khi đó, đơn vị quản lý lại cho tổ chức sinh hoạt ăn uống, thậm chí còn có cả những hoạt động phi văn hóa, không phù hợp với mục đích ban đầu.

Cá biệt có những nơi còn trở thành tụ điểm để thanh niên vào cờ bạc, có nơi còn biến thành quầy bar… Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh nói chung, bởi tình trạng sử dụng sai mục đích không phải chỉ diễn ra ở một vài nơi, mà đang bị biến tướng rất nhiều.

Nhiều cơ quan báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về tình trạng này. Tuy nhiên, dường như việc xử lý trách nhiệm và nhất là vai trò của bộ chủ quản còn bị thả nổi, ông nghĩ sao?

Trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về cơ quan quản lý văn hóa ở trung ương và địa phương, kế đến là trách nhiệm của những người đứng đầu tổ chức, đơn vị có bảo tàng đó. Khi đã được giao quản lý thì cần phải phát huy vai trò người đứng đầu. Ngoài ra cũng phải có những quy định chặt chẽ, những trường hợp sử dụng sai mục đích thì phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước và cụ thể là phải chịu trách nhiệm thế nào.

Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo tôi cũng phải xử lý nghiêm một vài trường hợp để răn đe, ngăn ngừa. Có như vậy thì bảo tàng mới không chỉ là nơi lưu giữ, mà quan trọng hơn chính là việc phát huy giá trị hiện vật, giá trị lịch sử và đồng thời còn tăng cường giáo dục truyền thống, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.

Bảo tàng không dành cho nhà hàng, tiệc cưới ảnh 1

Ông Lê Như Tiến.

Tiền vào nhà nước hay rơi vào túi cá nhân?

Nhiều bảo tàng, công trình văn hóa đã thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc cho thuê nhà đất. Theo ông, đây có phải là lý do khiến cơ quan chức năng “gặp khó” khi xử lý trách nhiệm?

Cơ quan quản lý văn hóa cần vào cuộc chấn chỉnh, thậm chí phải kiểm tra xem nguồn thu ấy họ có nộp vào ngân sách nhà nước không, hay là bỏ vào túi một số cá nhân? Sự vào cuộc không những chỉ là chấn chỉnh hoạt động cho đúng mục đích mà còn là tăng cường việc quản lý cán bộ. Nếu không chúng ta sẽ tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức trục lợi từ tài sản của nhà nước. Điều đó nguy hại vô cùng.

Ở đây có nguyên nhân từ khâu quản lý có vấn đề. Tại cấp bộ có những vụ quản lý về bảo tàng, thư viện, các trung tâm văn hóa. Vụ quản lý ấy muốn quản lý tốt thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngoài thanh tra chung ra còn có thanh tra chuyên ngành. Muốn quản lý tốt, phải phát huy vai trò của lực lượng thanh tra, vai trò của người đứng đầu và của chính cơ quan chủ quản.

Trước hết, cơ quan quản lý văn hóa ở cả trung ương và địa phương phải rung lên tiếng chuông cảnh báo bằng việc ra các văn bản của bộ quản lý ngành, văn bản của các sở văn hóa để chấn chỉnh ngay hiện tượng này. Mục đích ban đầu của những nơi này là phục vụ cho hoạt động văn hóa: Thư viện phục vụ văn hóa đọc, trung tâm thể dục thể thao chủ yếu là hoạt động văn hóa thể thao của các địa phương, rồi trung tâm hội nghị để tổ chức các hội nghị. Chúng ta đã bỏ ra một số tiền rất lớn không phải để bị sử dụng sai mục đích.

Theo ông, cần làm gì để tăng sức hấp dẫn của bảo tàng, cải thiện nguồn thu một cách chính đáng?

Muốn làm được điều này, phải chú trọng đầu tư hơn về mặt nội dung chất lượng cho bảo tàng, nhà văn hóa. Chẳng hạn đối với nhà văn hóa thì phải tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, hoạt động của thanh niên, thiếu nhi, của các bậc cao niên, những buổi nói chuyện chuyên đề, hay những cuộc thi mang tính văn hóa mang tầm tư tưởng cao.

Tại mỗi bảo tàng thì phải sưu tầm những hiện vật có giá trị của địa phương cũng như của trung ương để thu hút người ta vào tham quan. Bảo tàng mà không thấy hiện vật bao nhiêu, nhất là hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử, lại chỉ thấy đồ vật thì sẽ làm nản lòng du khách.

Cần đầu tư để tuyên truyền, quảng bá cho bảo tàng, vì các tỉnh đều có bảo tàng nói về truyền thống của địa phương mình. Ở trung ương cũng có bảo tàng lịch sử, bảo tàng cách mạng. Với ngành thì có bảo tàng công an, quân đội, phụ nữ, rồi nhỏ hơn có bảo tàng binh chủng, quân chủng… Nói chung cần đầu tư nhiều hơn cho việc trưng bày hiện vật, phát huy các giá trị của các hiện vật đó thay vì đi đầu tư để cho thuê kinh doanh dịch vụ sai mục đích như vậy.

Cảm ơn ông.

Sau loạt bài của báo Tiền Phong, hôm nay (10/4), Bộ VHTT&DL sẽ có buổi làm việc với PV Tiền Phong để cung cấp thêm thông tin nhằm làm rõ những vấn đề liên quan. Đại diện Bộ VHTT&DL khẳng định sẽ phối hợp với báo Tiền Phong xử lý dứt điểm vụ việc.

Minh Tuấn

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.