Bảo vệ chủ quyền, trước hết cần diệt “giặc nội xâm”

Vụ án tham nhũng tại Vinalines được điều tra, xét xử nhanh chóng, thể hiện quyết tâm chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước.
Vụ án tham nhũng tại Vinalines được điều tra, xét xử nhanh chóng, thể hiện quyết tâm chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước.
TP - Tiền Phong phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ), về việc công khai tài sản của cán bộ trong công tác phòng chống tham nhũng.

Tham nhũng đã là cả một “bầy sâu”

Mới đây Đảng ta quyết định tái lập Ban Nội chính Trung ương, và lập Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực này, ông mong chờ điều gì ở các Ban của Đảng mới được thành lập hoặc tái thành lập?

Vào dịp thành lập và tái thành lập những ban đó của Đảng, tôi đã phát biểu với báo chí: Trước tình hình hiện nay, Đảng ta thấy cần tổ chức đội hình chống tham nhũng sao cho hiệu quả.

Đảng cũng nhận thấy đích thân Đảng phải đi tiên phong, là người cầm cờ. Vì vậy, việc Đảng thành lập những ban như vậy, như nhiều đảng viên và số đông quần chúng, tôi thấy rất phấn khởi.

Tôi hy vọng các ban của Đảng sẽ có được sự phối hợp, gắn kết trong hoạt động như thời của chúng tôi. Nhiệm vụ của các đồng chí hiện nay khó khăn hơn, bởi như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu, tham nhũng không chỉ là một vài con sâu, mà đã là cả một “bầy sâu”.

Các đồng chí hiện nay phải có quyết tâm cao, phải hợp đồng tác chiến tốt, đừng nể nang, né tránh. Xây và chống, thì trong chống đã có xây rồi. Xử lý tham nhũng thì phát hiện sớm, ngăn chặn, cảnh cáo, răn đe sớm sẽ có tác dụng tốt, giúp cho tài sản Nhà nước đỡ bị thiệt hại, đối tượng tham nhũng cũng không bị ngập quá sâu dẫn đến bị xử lý nặng.

Cá nhân tôi rất ủng hộ công khai tài sản

Trong phòng chống tham nhũng, công khai minh bạch tài sản của cán bộ lãnh đạo chủ chốt được xem là bước đi đầu tiên. Thời ông còn công tác, Đảng đã đặt ra vấn đề này chưa? Theo ông, vì sao việc này suốt nhiều năm qua không tiến triển được bao nhiêu?

Thời tôi làm việc, đã có đề cập phải khai báo tài sản, nhưng chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ như bây giờ. Cá nhân tôi rất ủng hộ phải công khai tài sản.

Trước khi bổ nhiệm vào chức vụ chủ chốt, phải khai và thẩm tra về tài sản. Trong quá trình giữ chức vụ, từng năm một cũng phải khai tiếp. Dĩ nhiên điều quan trọng là ai kiểm tra việc khai báo đó?

Nếu phát hiện khai báo gian dối thì xử lý ra sao? Vấn đề này hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ rồi, thì phải thực hiện nghiêm túc. Muốn vậy, cán bộ lãnh đạo phải làm gương.

Bảo vệ chủ quyền, trước hết cần diệt “giặc nội xâm” ảnh 1

Ông Vũ Quốc Hùng

Khai báo là quan trọng, song kiểm tra việc khai báo còn quan trọng hơn. Ông có kiến nghị cụ thể gì về việc này?

Lúc này, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng - kiên quyết đánh tan “giặc nội xâm”. Làm được điều này, lực ta mạnh hơn, lòng dân đoàn kết hơn.

Nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT T.Ư Vũ Quốc Hùng

Cá nhân tôi cho rằng, việc kê khai tài sản để có kết quả cần có cơ quan có thẩm quyền xem xét và kết luận. Trước khi được bổ nhiệm, cán bộ phải nộp bản khai để cơ quan này kiểm tra, thẩm định.

   

Nếu phát hiện khai chưa đầy đủ, trung thực, trước tiên yêu cầu tự khai lại. Nếu khai lại mà vẫn cố tình khai không trung thực, phải kiên quyết xử lý, không loại trừ việc tịch thu sung công quỹ số tài sản cố tình che giấu.

Việc này, nước ngoài người ta làm mãi rồi. Nước ta cũng đã nói từ lâu, nay đã có quy định rồi thì phải thực hiện rốt ráo, không được phép chậm trễ nữa.

Người được đề cử phải không tham nhũng

Tại Hội nghị phòng chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”. Theo ông, việc chống tham nhũng ngay trong hoạt động của Ủy ban KTTƯ, Thanh tra Chính phủ, rồi các cơ quan Điều tra, Kiểm sát, Tòa án… cần được thực hiện thế nào?

Tổng Bí thư đặt vấn đề như vậy là quá đúng. Các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng phải gương mẫu. Trước hết, hãy gương mẫu công khai, minh bạch về tài sản.

Gương mẫu trong kê khai, gương mẫu trong kiểm tra về kê khai tài sản. Nếu phát hiện thiếu trung thực, gian dối, thì phải xử lý nghiêm hơn ở các cơ quan khác. Trước hết, phải đưa ngay những người gian dối ra khỏi những cơ quan này.

Công tác nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đang được tiến hành. Việc công khai, minh bạch tài sản đối với những người được đề cử giữ các chức vụ chủ chốt tại Đại hội Đảng sắp tới có cần thiết không, thưa ông?

Đã nhiều kỳ Đại hội, chúng ta đề ra tiêu chuẩn người được đề cử phải là người không tham nhũng, không làm ngơ, nhu nhược trước tham nhũng, tích cực đấu tranh chống tham nhũng.

Muốn vậy, có nhiều việc phải làm, song có lẽ trước tiên, những người dự kiến được đề bạt, bổ nhiệm cần làm ngay việc công khai, minh bạch về tài sản. Làm vậy để tránh sau này không ai “há miệng mắc quai”, trở thành sân sau của tham nhũng. Sau khi họ đã công khai tài sản, phải tiến hành hỏi ý kiến người dân, việc này phải làm thực chất, không được mang tính hình thức.

Khuyến khích để người dân có tiếng nói

Vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng là rất quan trọng. Có một vấn đề tế nhị, đấu tranh chống tham nhũng thường phải nhắm vào những người có chức, có quyền. Nhiều trường hợp người đấu tranh bị gắn cho cái mác “gây mất ổn định”, “bị đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ”. Theo ông, làm sao để phân biệt được người đấu tranh chống tham nhũng với những phần tử gây rối, cơ hội?

Khi dựa vào dân thì phải nghe đủ các ý kiến của dân. Trong quá trình công tác, tôi đã gặp, đã tiếp rất nhiều người dân. Do trình độ, hoàn cảnh, tâm lý… mà mỗi người sẽ có cách trình bày khác nhau. Có những người bức xúc, mất bình tĩnh, hoặc có thiên kiến nên thiếu khách quan. Nhiều khi họ cung cấp những thông tin chưa chính xác, thiếu chứng cứ. Tuy nhiên, tôi chưa gặp ai là “người phản động” cả.

Cán bộ khi tiếp xúc với dân thì phải khuyến khích để họ có tiếng nói. Cán bộ cần lắng nghe, đừng vội đưa ra nhận định, phán quyết. Vấn đề là phải chắt lọc thông tin, xác minh, thẩm định thông tin. Nếu là khiếu nại hoặc tố cáo, quy trình giải quyết hiện đã rất đầy đủ, chặt chẽ. Song nếu họ gặp mình chỉ để phản ánh, thì đừng hành chính hóa công việc, hãy lắng nghe, khuyến khích họ.

Một vấn đề nữa, phải bảo vệ người cung cấp thông tin cho mình. Đến giờ tôi vẫn băn khoăn là những quy định về bảo vệ người chống tham nhũng chưa đầy đủ và chưa hữu hiệu.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt hiện nay nhằm giữ vững chủ quyền đất nước, chống tham nhũng có tác dụng thế nào, thưa ông?

Tình hình chủ quyền đất nước hiện nay ai cũng đã biết. Ngọn lửa yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc gặp khó khăn, lại được thổi bùng lên.

Lúc này, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng - kiên quyết đánh tan “giặc nội xâm”. Làm được điều này, lực ta mạnh hơn, lòng dân đoàn kết hơn. Chúng ta mới đủ sức đấu tranh với mọi lực lượng, mọi thủ đoạn của các thế lực đang chống phá chúng ta, mới bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.


MỚI - NÓNG