Bão xa hay bão gần?

Bão xa hay bão gần?
TP - Đợi Chanchu đến kinh tuyến 120, TT Dự báo khí tượng & Thủy văn mới cho phát “tin bão xa”. Đúng là xa thật, cách bờ biển 1400 km, nếu đấy là thông tin chỉ cho người trên hoặc gần bờ.

Hồi 13 giờ chiều thứ Bảy 13/5, lúc bão Chanchu vượt kinh tuyến 120 độ đông với tốc độ người đi xe đạp, Trung tâm Dự báo Khí tượng&Thủy văn Trung ương phát bản tin báo bão đầu tiên rằng Chanchu đã vào biển Đông.

Tư duy hành chính của ta giờ mới ý thức được thời điểm chuyển pha ấy ý nghĩa thế nào sau thảm họa hàng trăm ngư dân chết và mất tích khơi xa vừa rồi.

Đợi Chanchu đến kinh tuyến 120, TT Dự báo khí tượng & Thủy văn mới cho phát “tin bão xa” mỗi ngày 4 tin chính. Đúng là xa thật, cách bờ biển 1.400 km, nếu đấy là thông tin chỉ cho người trên hoặc gần bờ.

Điều đó có nghĩa là quy chế báo bão gần như “quên” bà con đánh bắt xa bờ, nơi ngư trường thường cách bờ 500, thậm chí 700 – 800 hải lý (tương đương 1.300-1.500 km). Thành thử Chanchu xa với người trong bờ lại hóa thành bão gần, thậm chí, bão khẩn cấp với ngư dân nơi “ngư tràng”.

Việc này lại làm bộc lộ yếu kém kinh niên trong phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và, có thể nói, ở cấp hành chính cao nhất.

Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ được Thủ tướng giao Bộ Thủy sản thực hiện và triển khai từ năm 1997 tại 29 tỉnh, thành. Thế mà khi ban hành quy chế mới ngày 25/11/2005 về “báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ” để thay quy chế năm 1998, không mảy may có một dòng, một từ đề cập đến phục vụ nền kinh tế xa bờ vốn đang trở thành mũi nhọn cạnh tranh của các nước có biển?

Hỏi lại mới biết bản quy chế này, Bộ Thủy sản chẳng có ý kiến gì. Ngành thủy sản cũng chưa bao giờ đặt hàng bên khí tượng thủy văn nhóm thông tin phục vụ đánh bắt xa bờ. Ngược lại, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng chưa bao giờ sang gõ cửa đối tác để tìm tiếng nói chung.

Rộng hơn, chúng ta ký kết hẳn hoi một hiệp định đa phương về tìm kiếm cứu nạn trên biển trong khu vực. Nhưng cụ thể hóa nó, ký các hiệp định song phương lại gần như chưa làm được với ai. Và có lẽ chẳng ai chịu trách nhiệm.

Thế mới có chuyện ngư dân các nước và vùng lãnh thổ Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, nghe tiếng gọi “thu quân” bằng các thứ tiếng Anh, Hoa, về trú bão Chanchu kịp thời. Ngư dân ta cũng trong vùng phủ sóng ấy gần như mù tịt (đương nhiên còn có nguyên nhân chí tử là nhiều bà con không có hoặc có bộ đàm lạc hậu).

Một hiệp định song phương, theo đó, các bản tin báo bão được phát đồng thời ba thứ tiếng Anh, Hoa và Việt trên một tần số chung theo thỏa thuận để tất cả ngư dân không phân biệt quốc tịch có thể nhận được thông tin kịp thời trên cùng bộ thiết bị, chả nhẽ lại không thể?

Cũng có thể nghĩ đến một hiệp định song phương, theo đó, tàu thuyền Việt Nam có thể nhận được tín hiệu báo bão từ hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của Trung Quốc vừa triển khai và cứu sống toàn bộ ngư dân nước này thoát khỏi thảm họa Chanchu.

Những người “làm nghề biển hồn treo cột buồm” tiên phong ngoài xa kia, họ không đáng bị quên như vậy.

Chanchu là bão gần hay bão xa là do cách nhìn của chính chúng ta, của các nhà vạch chính sách. Nhưng có một cơn bão trong lòng những ngư phủ sống sót trở về, trong trái tim tan vỡ của thân nhân các nạn nhân xấu số, và trong tâm trí những ngư dân ngày mai lại tấp tểnh ra khơi không phải chỉ vì miếng cơm manh áo của chính họ. Cơn bão ấy chỉ có một tiêu đề: Khẩn cấp.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.